“Thêm ba ngày nghỉ trong năm” đó là đề xuất mới đây mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra để bổ sung vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Việc đưa ra đề xuất này được lý giải nhằm giúp cho người lao động có thêm một số ngày nghỉ trong năm để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển.
Hai phương án được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất bổ sung 3 ngày nghỉ lễ, trong đó phương án 2 được đưa ra là nghỉ thêm 1 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và 2 ngày vào dịp nghỉ Tết Dương lịch.
Tiếp nhận thông tin trên nhiều ý kiến quan ngại, băn khoăn việc nghỉ lễ tết quá nhiều sẽ không chỉ tác động kinh tế xã hội còn mang lại những hệ lụy cho xã hội và đặt ra câu hỏi, nghỉ nhiều để làm gì?
Mỗi dịp nghỉ lễ là người dân lại sững sờ trước những thống kê tai nạn giao thông. |
Hiện nay, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam vẫn ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực khi Campuchia là 28 ngày, Brunei 15 ngày, Indonesia 16 ngày, Malaysia 12 ngày, Myanmar 14 ngày, Philippines 12 ngày, Thái Lan 16 ngày… trong khi tổng số ngày nghỉ lễ, tết hiện nay của Việt Nam mới 10 ngày.
Tuy nhiên, xét từ thực tế, ngoài các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định được hưởng nguyên lương, người lao động vẫn được nghỉ phép hưởng lương trong các dịp bản thân và gia đình có sự kiện trọng đại như kết hôn được nghỉ 3 ngày, gia đình có bố mẹ chết, vợ chết, con chết được nghỉ 3 ngày, khi người thân mất được nghỉ 1 ngày dù phải thông báo với chủ sử dụng lao động. Một năm người lao động được nghỉ phép 12 ngày, chưa kể nghỉ thứ 7 và chủ nhật.
Nếu tính một cách tổng thể, một năm có 365 ngày thì có đến 104 ngày thứ 7 và chủ nhật, nghỉ phép 12 ngày, nghỉ lễ, tết 10 ngày cộng với nghỉ do lý do cá nhân sẽ lên con số 140 ngày nghỉ trong năm, như vậy chỉ còn có hơn 200 ngày làm việc. Điều đó cho thấy, việc nghỉ lễ, tết, nghỉ phép quá nhiều ngày sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Trong khi đó, Việt Nam có số ngày nghỉ thấp hơn các quốc gia khác nhưng nhìn nhận trong bối cảnh kinh tế nước ta chưa đủ mạnh, năng suất lao động còn khiêm tốn mà năng suất lao động vốn là một trong những thế mạnh để thúc đẩy nền kinh tế, cạnh tranh với các quốc gia khác.
Chủ một doanh nghiệp từng tâm sự rằng, dù ngày nghỉ của các quốc gia khác cao hơn Việt Nam nhưng lao động của họ chuyên nghiệp và có tính kỷ luật cao hơn. Trong khi đó một thực tế cần nhìn nhận, người lao động trong nước còn thiếu chuyên nghiệp nên khi được nghỉ lễ có thời gian 3 ngày nhưng thực tế trước khi đến kỳ nghỉ, người lao động đã sao nhãng, không tập trung cho công việc, tình trạng này diễn ra ở những ngày sau kỳ nghỉ. Điều đó dẫn đến chất lượng rất thấp do ảnh hưởng tâm lý của người lao động mỗi dịp nghỉ lễ, tết, gây ảnh hưởng đến hiệu quả lao động.
Như vậy, rõ ràng việc thêm đến 3 ngày nghỉ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng đến hội nhập và thiệt hại cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, dù nghỉ lễ, nghỉ phép, nghỉ tết trong năm theo quy định là 10 ngày nhưng thực tế mỗi kỳ nghỉ lễ thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày, thậm chí 9 ngày do trùng với ngày thứ 7 và chủ nhật. Ví dụ như lịch nghỉ lễ, tết năm 2019 do Bộ LĐ,TB&XH công bố cho thấy, tết Dương lịch 2019, người lao động được nghỉ liền 4 ngày, tết âm lịch nghỉ liền 9 ngày, Giỗ tổ Hùng Vương 2019 nghỉ 3 ngày, Dịp lễ 30/4- 1/5/2019 nghỉ 5 ngày, Quốc khánh 2/9, người lao động được nghỉ tổng cộng 3 ngày.
Kỳ nghỉ lễ kéo dài dẫn đễn xảy ra nhiều hệ lụy cho xã hội như gia tăng tai nạn giao thông như trong 3 ngày nghỉ 2/9 có tới 57 người chết vì tai nạn giao thông, con số này trong dịp tết Nguyên đán là 183 người chết, dịp Giỗ tổ Hùng Vương là 41 người chết, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, cả nước đã có 96 người chết vì tai nạn giao thông.
Nguyên nhân tai nạn giao thông tăng cao cũng là điều dễ hiểu. Bởi ở Nhật Bản, trong kỳ nghỉ lễ, người lao động thường dành thời gian ở nhà chăm lo cho người thân, vui chơi giải trí để lấy lại sức lao động cho những ngày tiếp theo. Còn ở Việt Nam, nghỉ lễ, tết, người lao động thường ra đường, kéo đến các điểm du lịch, tụ tập nhậu nhẹt trong suốt những ngày nghỉ lễ, dẫn đến không chỉ tai nạn giao thông mà tinh thần làm việc sau đó uể oải, mệt mỏi dẫn đến năng suất lao động thấp. Đó là chưa nói đến việc, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lượng người kéo đến các điểm du lịch khá đông nhưng ý thức bảo vệ môi trường lại quá kém.
Dù biết rằng, tăng lương, giảm giờ làm là xu thế phát triển mà con người, xã hội đang hướng đến để người lao động được hưởng thụ thành quả phát triển của xã hội. Tuy nhiên, khi đề xuất nghỉ thêm ngày lễ tết cũng cần cân nhắc để sự tác động kinh tế xã hội. Bởi thêm một ngày nghỉ không chỉ ảnh hưởng, phá vỡ kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội. Một xã hội phát triển, con người không chỉ có công việc nhưng phải tính toán làm sao để thời gian nghỉ lễ, tết phù hợp với điều kiện thực tế.
Có điều khiến dư luận không hỏi băn khoăn, trong khi các quốc gia phát triển mạnh mẽ về kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, người ta luôn nghĩ cách làm sao nâng hiệu suất công việc, làm việc hiệu quả và chăm chỉ để kiến tạo đất nước hùng cường, giàu có thì ở Việt Nam vài năm gần đây, phần lớn thời gian dành để tranh luận thời gian nghỉ lễ, tết. Từ thực tế đã phân tích ở trên, có lẽ ai cũng sẽ có câu trả lời cho câu hỏi: Nghỉ nhiều để làm gì? Có lợi ích gì cho người lao động và cho sự phát triển của kinh tế, xã hội đất nước?