Lực lượng chức năng có mặt xử lý vụ việc. |
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay Hà Nội đãng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội rất nghiêm ngặt để phòng chống dịch COVID-19. Theo đó trên địa bàn toàn thành phố chỉ được phép hoạt động các dịch vụ thiết yếu theo các Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động thiết yếu có thể kể đến như bán lương thực thực phẩm, thuốc men; khám chữa bệnh, cấp cứu…
Luật sư Hùng cho biết thêm: "Cấm tập trung đông người ngoài phạm vi công sở. Như vậy, hoạt động kinh doanh vui chơi giải trí như trên đang hoàn toàn bị cấm tại Hà Nội. Hơn nữa, cơ sở kinh doanh này nằm ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm là khu vực thuộc "vùng đỏ" của thành phố theo Chỉ thị 20 của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội mới ban hành.
Đây là vùng có đặc điểm dân cư phức tạp, mật độ dân số dày đặc và nguy cơ lây lan dịch COVID-19 cao nhất trong ba vùng của Hà Nội. Việc chủ cơ sở và các khách hàng vẫn mở cửa hoạt động bất chấp lệnh giãn cách cho thấy những người này rất vô trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng và của chính bản thân họ. Về quy định của pháp luật, những khách hàng đến chơi tại cơ sở này vào thời điểm giãn cách xã hội và chủ cơ sở có thể đối mặt với các trách nhiệm pháp lý khác nhau tùy mức độ hậu quả".
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Cũng theo luật sư Hùng, về xử lý vi phạm hành chính, 25 khách hàng đến chơi ngày hôm đó mỗi người có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền là từ 01 đến 03 triệu đồng theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế của Chính phủ.
Thông thường mức phạt tiền cụ thể là mức trung bình tức 2 triệu đồng. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ sở này có thể bị phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 20 đến 40 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP nói trên. Vì là tổ chức nên cơ sở này bị phạt với số tiền gấp đôi đối với cá nhân. Thông thường mức phạt tiền ở mức trung bình là 30 triệu đồng. Như vậy, tổng cộng số tiền phạt của cả khách hàng và cơ sở có thể 80 triệu đồng.
"Ngoài ra, nếu để xảy ra lây lan dịch bệnh tại cơ sở này tức là có người dương tính với COVID-19 đến đó trong thời gian hoạt động "chui" mà lây lan cho những người khác thì trách nhiệm với chủ cơ sở và người người làm lây lan dịch bệnh sẽ khác. Theo đó, người nào đã dương tính mà vẫn đến chơi tại cơ sở này rồi lây lan dịch bệnh cho người khác tại đây và chủ cơ sở này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù đến 12 năm và thấp nhất là phạt tù 01 năm.
Mặc khác, nếu hành vi của chủ cơ sở The Garden cho 25 người chơi golf làm phát sinh chi phí chống dịch, khắc phục hậu quả từ 100 triệu đồng trở lên thì chủ cơ sở có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" theo Điều 295 Bộ luật Hình sự. Tội này cũng có mức hình phạt cao nhất đến 12 năm tù" - luật sư Hùng nói.
Nguồn: VTV 4.