Thầy tu Mangku Bon - một nhà lãnh đạo tâm linh - cho biết mình đã sử dụng “tầm nhìn của con mắt bên trong" để tiên đoán về vụ phun trào tiếp theo.
Mangku Bon từng xuất hiện trên hàng loạt báo hồi tháng 10 khi ông leo lên đỉnh núi lửa Agung bất chấp rung chấn liên tục xảy ra. Ông tự gọi mình là "người giám hộ của núi Agung" và hầu hết người dân địa phương đều đồng ý với điều này, theo báo Úc.
Núi lửa Agung ở Bali phun trào hồi cuối tháng 11. |
Mangku Bon đã liều mạng leo lên đỉnh núi ở độ cao 3114m để thực hiện một nghi lễ hiến tế. Ông dừng chân tại một ngôi đền ở giữa ngọn núi để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Đây là lần thứ 33 Bon leo lên núi.
Khi lên tới đỉnh, ông mô tả mình đã nhìn thấy “nhiều đàn tinh tinh” và một "lỗ hổng khổng lồ trong miệng núi lửa”.
Bon nói với tờ NusaBali.com: "Tôi đã leo lên đỉnh và đầu hàng với người cai trị núi Agung, tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro nếu bất cứ điều gì xảy ra, kể cả cái chết. Nếu chết ở đỉnh núi Agung, cái chết của tôi được tôn vinh”.
Thời gian đó, các chuyên gia tin rằng một vụ phun trào sắp xảy ra ở núi lửa Agung. Nhưng Mangku Bon nói mình leo lên đỉnh vì “không chắc rằng núi Agung sẽ phun trào".
Kể từ đó đến nay, núi Agung đã gây nhiều phiền toái cho các nhà chức trách Bali, những người đã sơ tán hàng ngàn cư dân khỏi khu vực nguy hiểm. Nhưng sau bốn tháng hoạt động, núi lửa vẫn chưa gây ra một vụ phun trào lớn nào.
Cơ quan quản lý thiên tai của Indonesia cho biết núi lửa vẫn ở mức báo động cao nhất nhưng phần lớn diện tích Bali vẫn an toàn cho khách du lịch.
Lần cuối cùng núi Agung phun trào mạnh là năm 1963, khi loạt dung nham nóng chảy, tro bụi, đá và không khí nóng được phun ra, san phẳng nhà cửa và giết chết hàng ngàn người.
Mangku Bon dự đoán núi Agung sẽ tiếp tục phun trào trong 9 tháng nữa, nhưng "đây sẽ không phải là một vụ phun trào lớn mà tiếp tục là những lần phun trào chậm".
Nhưng đợt phun trào sau đó thì có thể là một câu chuyện khác.
"Vụ phun trào tiếp theo sẽ xảy ra vào 45 năm nữa, tức năm 2062. Nó sẽ lớn như đợt phun trào năm 1963”, Mangku Bon nói.
"Nếu đó là một vụ phun trào lớn, tôi cầu nguyện nó không quá khổng lồ và sẽ không hủy diệt thế giới. Tôi chỉ là một con người và tôi không thể ngừng quá trình này vì đó là chu kỳ của núi lửa”.
Emile Jansons - người làm việc tại Trung tâm Tư vấn Tro Núi lửa (VAAC), thuộc Cục Khí tượng Úc - nói với news.com.au: "Một quy luật chung về núi lửa là thời gian giữa các vụ phun trào càng lâu, thời gian nghỉ càng lâu, thì núi lửa càng có nhiều thời gian để tích tụ dung nham và năng lượng.
"Hơn 50 năm qua đã có rất nhiều chất liệu tan chảy và di chuyển vào khu vực đó. Đó là nguy cơ tạo ra một vụ phun trào lớn”.
Nếu núi Agung lại phun trào, Janson nhận định sự kiện này có thể "thực sự tàn phá".
Núi Agung là một trong hơn 120 núi lửa đang hoạt động ở Indonesia. Hồi cuối tháng 11, nó đã phun trào nhưng hầu hết là những vụ phun trào nhỏ.