Dập dịch khi Hà Nội đề nghị ngày 19/3 thì có kiểm soát được bùng phát?
Đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành ổ dịch COVID-19 phức tạp khi tổng số ca bệnh liên quan bệnh viện này lên con số 35/212 ca. Dư luận đặt câu hỏi, khi Hà Nội đề nghị dập dịch từ ngày 19/3 mà được chấp nhận thì Bệnh viện Bạch Mai có trở thành ổ dịch phức tạp như hiện nay hay không?
Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương ngày 29/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói rằng, ngay tối 19/3, khi nhận tin bệnh nhân thứ 86 và 87 mắc COVID-19, ngoài điều tra dịch tễ và cách ly người liên quan, Hà Nội đã trao đổi với lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế kiến nghị xem xét đóng và phong tỏa một số khoa trong bệnh viện; giảm tải việc nhận bệnh nhân mới và "đóng băng" toàn bộ các bệnh nhân đang điều trị trong này.
Bệnh viện Bạch Mai. |
Tuy nhiên, đề xuất của Hà Nội không được chấp nhận, mà Bộ Y tế chỉ triển khai đóng băng một số tầng, khoa có bệnh nhân dương tính. Sau đó, bệnh viện đã chuyển 5.113 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai về các tỉnh, thành phố miền Bắc, trong đó riêng Hà Nội đã tiếp nhận 1.592 bệnh nhân”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định việc “thả gà ra đuổi” này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát những đốm dịch nhỏ ở nhiều tỉnh, thành trong tuần tới.
Mới đây, khi trả lời về việc nếu “đóng băng” bệnh viện Bạch Mai sớm có thể sẽ tốt hơn không, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn cho biết, thời điểm đó, bệnh viện có từ 18.000-20.000 người gồm bệnh nhân, nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp, học sinh sinh viên... Nếu “đóng băng” bệnh viện với một số lượng người lớn như vậy sẽ rất khó khăn khi họ phải sinh hoạt chung trong một không gian như bệnh viện.
Công ty Trường Sinh thuộc Khoa Dinh dưỡng Bạch Mai hay pháp nhân độc lập?
Liên quan đến “ổ dịch” bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sinh được một số chuyên gia y tế nhận định là nguồn lây nhiễm chính dịch bệnh tại bệnh viện này khi có 24 ca nhiễm bệnh liên quan đến công ty này.
Ngày 30/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu kiểm tra, thông tin rõ về hoạt động của Công ty Trường Sinh ở trong bệnh viện, đồng thời cho biết, ông đã trao đổi và hỏi Giám đốc Công ty TNHH Trường Sinh và 5/23 bệnh nhân.
Đáng chú ý, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, toàn bộ việc nấu ăn và cung cấp dịch vụ của Công ty Trường Sinh trực thuộc và dưới sự giám sát của Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Bạch Mai. Các nhân viên Trường Sinh vào làm việc hợp đồng với Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai mà không phải công ty tư nhân làm đơn lẻ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin thêm, hàng ngày có 7 nhân viên của Khoa Dinh dưỡng kiểm tra nguồn nhập thực phẩm, quá trình nấu nướng, dinh dưỡng suất ăn để cung cấp cho bệnh nhân và cho rằng, đây là một bộ phận của Khoa Dinh dưỡng chứ không phải một công ty tư nhân vào làm.
Đáng chú ý, sáng 30/3, khi báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, TS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay từ kết quả xét nghiệm, các chuyên gia y tế nhận định bước đầu đã xác định Công ty TNHH Trường Sinh là nguồn lây nhiễm chính tại Bệnh viện Bạch Mai.
Dư luận đặt câu hỏi, từ thông tin Chủ tịch UBND TP Hà Nội cung cấp ở trên về mối liên quan giữa Công ty Trường Sinh với khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai, việc Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói rằng nguồn lây nhiễm chính là Trường Sinh có phải để đá quả bóng trách nhiệm? Một điều nữa khiến dư luận thắc mắc, dù có đến hơn 20 ca lây nhiễm liên quan Trường Sinh nhưng lãnh đạo Công ty TNHH Trường Sinh vẫn chưa lên tiếng? Thậm chí lãnh đạo Trường Sinh là ai cũng chưa được công bố.
5.113 bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai được chuyển khỏi, các bệnh viện địa phương ứng phó dịch COVID-19 thế nào?
Sáng 29/3, báo cáo tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ phòng chống dịch bệnh Covid-19 với các tỉnh thành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sau khi xác định các trường hợp mắc Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển 5.113 bệnh nhân đang điều trị tại đây về các tỉnh thành miền Bắc, trong đó TP Hà Nội đã tiếp nhận 1.592 trường hợp.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội cũng đã xác minh được toàn bộ người thân của gần 1.600 bệnh nhân này và cho cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời cho rằng nguyên cơ lây nhiễm dịch bệnh từ Bệnh viện Bạch Mai ra cộng đồng rất lớn. Vậy, với số bệnh nhân chuyển về các địa phương như vậy, các bệnh viện địa phương ứng phó dịch COVID-19 thế nào?
Theo báo cáo của Sở Y tế Thanh Hóa, kết quả rà soát ban đầu, tính từ 15-26/3, tỉnh Thanh Hóa đã có 1.889 người đến Bệnh viện Bạch Mai khám và điều trị bệnh, trong đó có 150 bệnh nhân điều trị nội trú. Ngoài ra, còn một số lượng lớn người thân đi chăm sóc, hoặc thăm bệnh nhân, nhưng chưa thể thống kế cụ thể. Sở cũng đánh giá, Sở Y tế Thanh Hóa đánh giá, đây là số người có nguy cơ nhiễm COVID-19 dẫn đến khả năng xâm nhập vào địa bàn Thanh Hóa làm lây lan dịch bệnh là rất lớn.
Ảnh: Vietnam+ |
Đối với người bệnh đã ra viện, từng điều trị tại Khoa Cấp cứu thần kinh, Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai, các trung tâm y tế và cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm COVID-19.
Cũng liên quan đến người về từ Bệnh viện Bạch Mai, tính đến chiều 29/3, hệ thống y tế tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận và đang cách ly, giám sát 14 người là bệnh nhân và người đi chăm sóc bệnh nhân từ Bệnh viện Bạch Mai trở về. Số người này đều đang có các triệu chứng ho, sốt. Kết quả xét nghiệm lần 1 cho thấy, 4 trong số 14 người đã âm tính với virus SARS-CoV-2, những người còn lại đang chờ kết quả.
Tại Hải Phòng, trong tháng 3/2020, có 380 bệnh nhân đã đến khám, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, chưa tính đến một số lượng lớn người nhà đi trông và người thân của Hải Phòng đến thăm người bệnh. Ngoài ra, có 44 nhân viên y tế của các cơ sở khám chữa bệnh tại Hải Phòng đang học tập tại đây và có một số lượng nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai đến Hải Phòng làm việc. Đây là nhóm nguy cơ cao dẫn đến khả năng xâm nhập dịch bệnh vào Hải Phòng là rất lớn.
Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng yêu cầu các đơn vị lọc riêng danh sách bệnh nhân có địa chỉ trên địa bàn mình để báo cáo chính quyền địa phương để quản lý, giám sát y tế. Nếu trong số danh sách này có bệnh nhân hiện tại đã quay về Hải Phòng và đang điều trị thì bố trí cho người bệnh này nằm phòng riêng, cách ly, theo dõi y tế.
Tại Hải Dương, thống kê cho thấy, từ ngày 10/3/2020 - 27/3/2020, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có 2.389 người đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (262 bệnh nhân nội trú và 2.127 khám ngoại trú) ngoài ra chưa kể đến những người thân đi cùng.
Sở Y tế Hải Dương cho biết, những bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện trên đã quay về Hải Dương và đang điều trị tại cơ sở y tế được bố trí cho nằm phòng riêng, cách ly, theo dõi y tế. Tất cả trường hợp từng đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/3 đến nay phải cách ly y tế tại nhà. Riêng những người từng đến Khoa Thần kinh, Khoa C4 (Viện Tim mạch quốc gia), Trung tâm Bệnh nhiệt đới và nhà ăn của Bệnh viện Bạch Mai sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. Nếu những người này sức khỏe ổn định vẫn tiếp tục được cách ly tại nhà, khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở sẽ được cách ly tập trung tại cơ sở y tế.
Ổ dịch COVID-19 Bệnh viện Bạch Mai, ổ dịch Bar Buddha Thánh đường hồi giáo quận 8 là nguyên cơ gây bùng dịch ra cộng đồng để phải cách ly toàn xã hội 15 ngày?
Thời điểm này, ngoài ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, hai ổ dịch khác cũng được đánh giá là phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch là ổ dịch Bar Buddha và Thánh đường hồi giáo quận 8 (TP HCM).
Đến nay đã 15 ca dương tính liên quan "ổ dịch" tại bar Buddha kể từ khi bệnh nhân 91 được phát hiện. Đáng chú ý, ngành y tế TP.HCM vẫn chưa thể xác định nguồn lây nhiễm đầu tiên tại quán bar này, do trong 13 ca dương tính có tới 11 người nước ngoài. Nhiều người trong số đó từng liên tục di chuyển giữa các quốc gia đang có dịch như Malaysia, Thái Lan, Anh, Canada... Ổ dịch này cũng khiến TP.HCM đối mặt với nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, Thánh đường hồi giáo quận 8 (TP HCM) cũng được coi là một ổ dịch. Từ khi phát hiện bệnh nhân 100 dương tính tiếp xúc nhiều người, 129 người liên quan bệnh nhân này được đưa đi cách ly tập trung, TP HCM đã phong tỏa khu dân cư có 140 hộ với 725 nhân khẩu.
Mới đây, trong Chỉ thị 16, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội, TP HCM phải thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Quán bar Buddha (thành phố Hồ Chí Minh); tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại “ổ dịch”; tiếp tục kêu gọi người dân đã qua lại các “ổ dịch” này khai báo y tế và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm.
Cách ly toàn xã hội 15 ngày từ 1/4... hàng hóa được cung ứng như thế nào?
Một thông tin đáng quan tâm khác liên quan việc cách ly toàn xã hội 15 ngày để phòng, chống dịch COVID-19 kể từ ngày ¼, dư luận đặt câu hỏi, hàng hóa được cung ứng như thế nào?
Trong Chỉ thị 16, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các địa phương chú ý bảo đảm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân.
Báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. |
Mới đây, Bộ Công thương cho biết, tất cả các địa phương và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước đã có phương án cụ thể về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường.
Theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã gửi phương án cung ứng hàng hoá theo 5 cấp độ, trong đó đặc biệt chú trọng đến 13 mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, rau củ quả, nước uống, khẩu trang…
Đồng thời, Bộ đã có phương án đối với việc vận chuyển hàng hóa, ngoài phương án cụ thể của từng địa phương.
Cụ thể, trường hợp phong tỏa nhưng xe vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn được hoạt động: Các doanh nghiệp sẽ đăng ký danh sách các xe vận tải cung ứng hàng hóa đến các cơ quan chức năng để cung cấp cho ngành giao thông, Công an hỗ trợ cho phép lưu thông đến các điểm bán hàng. Khi các địa bàn cần điều phối hàng hóa, các xe vận tải này sẽ đến các kho hàng gần nhất để lấy hàng cung ứng cho địa bàn cách ly.
Trường hợp giới nghiêm chỉ còn xe của lực lượng vũ trang được hoạt động. Khi đó Bộ Công Thương sẽ đề nghị các lực lượng Quân đội, Công an phối hợp điều phối xe vận chuyển các mặt hàng thiết yếu từ các kho dự trữ hàng hóa thiết yếu mà Bộ Công Thương đã chuẩn bị để cung cấp cho các địa bàn.
Ngoài các điểm bán hàng hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các điểm chợ truyền thống, chợ tạm, để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến…) trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán (kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế…). Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thực hiện cách ly toàn xã hội 15 ngày
Nguồn: VTC Now.