Tập đoàn Geleximco – Công ty cổ phần mới đây đã công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính từ ngày 1/1-31/12/2022.
Cụ thể, kết thúc năm 2022, vốn chủ sở hữu của Geleximco đạt 11.516 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với đầu năm. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt 0,57%. Hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu giảm từ 1,61 lần của năm trước xuống còn 1,43 lần trong năm 2022, tương ứng với 16.468 tỷ đồng nợ phải trả. Tổng tài sản đạt 28.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng giảm từ 0,39 còn 0,36 lần, tương ứng khoảng 4.146 tỷ đồng.
Năm 2022, Geleximco đạt lợi nhuận sau thuế 66,1 tỷ đồng, giảm 86,6% so với mức hơn 488,2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Theo công bố thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Geleximco có 3 lô trái phiếu với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó, có 2 lô trái phiếu sẽ đáo hạn vào cuối năm nay, còn một lô đáo hạn tháng 11/2024.
Được biết, Tập đoàn Geleximco tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco, được thành lập vào năm 1993, với số vốn điều lệ 3 tỷ đồng và là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp. Geleximco đã xây dựng mô hình phát triển thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Sản xuất công nghiệp; tài chính ngân hàng; bất động sản; thương mại – dịch vụ. Tập đoàn này gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Vũ Văn Tiền - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty, người được gọi với nick name anh “Tiền còi”.
Tập đoàn Geleximco của tỷ phú Vũ Văn Tiền đã ghi nhiều dấu ấn đậm nét tại hàng loạt các dự án bất động sản đình đám tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lớn trên địa bàn cả nước. Điển hình phải kể đến như: Khu đô thị mới dầu khí – Geleximco (quy mô 197,32ha); Khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, TP Hà Nội (quy mô 95ha); Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, TP Hà Nội; Khu đô thị Cái Dăm (37,04ha) tại Quảng Ninh; Khu đô thị Gelexia Riverside, cao ốc An Bình Plaza; Khu đô thị Đồng Trúc - Ngọc Liệp (250ha), Khu đô thị Phú Mãn (461,2ha) tại Hà Nội…
Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (ảnh: Geleximco). |
Đối với mảng công nghiệp, Tập đoàn Geleximco cũng được nhiều người biết đến với hàng loạt các điểm sáng bao gồm: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa (sở hữu công suất lên đến 140.000 tấn/năm và tổng mức đầu tư lên tới 450 triệu USD); nhà máy Xi măng Thăng Long (với mức đầu tư là 350 triệu USD và công suất lên đến 2,3 triệu tấn/năm); nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (sở hữu công suất 140.000 tấn/năm cùng với tổng mức đầu tư lên đến 900 triệu USD)…
Đối với lĩnh vực tài chính, hiện nay, Geleximco không chỉ là cổ đông sáng lập mà còn là đồng sở hữu của nhiều đơn vị như: Ngân hàng TMCP An Bình, Công ty CP Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, Công ty CP Chứng khoán An Bình, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình.
Trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, Tập đoàn đa ngành này cũng đã đưa sân golf Geleximco Hòa Bình – Hilltop Valley Golf Club đi vào hoạt động, đồng thời đầu tư nhiều dự án sân golf kết hợp với biệt thự nghỉ dưỡng với quy mô lớn tại Lào Cai, Hải Phòng…
Trên website doanh nghiệp, Geleximco cho biết, Tập đoàn cũng đang tiến hành các bước đầu tư dự án Trung tâm logistics và Cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ, gồm hai phần: Trung tâm logistics Cái Mép Hạ có tổng diện tích 1.200ha với tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng hơn 1,7 tỷ USD và cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ có diện tích 86,6ha với tổng số vốn đầu tư dự kiến 435 triệu USD.
Ngoài ra, Geleximco sở hữu hai khách sạn là Hạ Long Dream Hotel - một trong những khách sạn 4 sao tư nhân quy mô lớn đầu tiên tại khu vực Bãi Cháy, TP. Hạ Long, Quảng Ninh và Thái Bình Dream Hotel tại trung tâm TP Thái Bình.