Thí nghiệm với đầu người
Đây là một thí nghiệm trên cơ thể người vô cùng rùng rợn được thực hiện ở Pháp năm 1866. Theo đó, người ta bắt 4 tên tội phạm. Kế đến, 4 phạm nhân bị kết án tử hình và thi hành án bằng cách chặt đầu. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng 4 chiếc đầu của những tử tù vừa bị hành hình để thực hiện nghiên cứu xem chúng sẽ phản ứng như thế nào khi gặp các kích thích mạnh mà không có toàn bộ cơ thể.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần đầu có phản ứng và có những cử động khi bị dòng điện tác động. Theo đó, đầu của tử tù bị chặt có thể nhăn mặt hay hàm răng nhai nát một chiếc bút chì. Những điều này xảy ra khi các nhà nghiên cứu sử dụng năng lượng điện khác nhau tác động vào phần đầu.
Thí nghiệm bức xạ trên cơ thể người
Trong Chiến tranh lạnh, Liên Xô và Mỹ quan ngại các cuộc tấn công hạt nhân sẽ dẫn đến nhiều người bị nhiễm bức xạ. Để tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra với con người khi nhiễm bức xạ, bác sĩ người Mỹ Eugene Saenger thực hiện các thí nghiệm bức xạ trên một số lượng lớn bệnh nhân mắc ung thư từ năm 1961 - 1970.
Saenger đã nói dối những người tham gia thí nghiệm về nội dung cũng như mục đích của dự án đó. 88 người tham gia thí nghiệm và đều là những người Mỹ da đen. Tất cả đều mắc bệnh ung thư và đồng ý làm thí nghiệm khi bị thuyết phục rằng nó sẽ giúp họ đánh bại căn bệnh ung thư quái ác.
Do đó, Saenger đã tiêm chất phóng xạ liều cao vào cơ thể nạn nhân. Các nạn nhân sau đó phải chịu nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, mất phương hướng hay các tế bào máu trắng gần như bị hủy diệt dẫn tới tử vong sau một thời gian tham gia thí nghiệm.
Thí nghiệm “Quái vật”
Năm 1939, nhà khoa học Wendell Johnson thuộc ĐH Iowa cùng sinh viên của mình là Mary Tudor thực hiện thí nghiệm mang tên “Quái vật”. Theo đó, 22 em nhỏ của trại trẻ mồ côi bang Iowa (Mỹ) trở thành đối tượng thí nghiệm. Mục đích của thí nghiệm là để kiểm tra chứng nói lắp của nhóm đối tượng này.
22 trẻ em được chia thành 2 nhóm và theo 2 cách thức điều trị khác nhau. Nhóm thứ nhất là các bé nói trôi chảy thường được khen ngợi. Ngược lại, nhóm thứ hai luôn bị chế giễu khi nói sai. Thí nghiệm đã khiến nhiều bé gặp vấn đề tâm lý và ngôn ngữ trong suốt phần đời còn lại.
Năm 2007, một số người tham gia thí nghiệm “Quái vật” đã kiện ĐH Iowa vì đã thực hiện thí nghiệm mà họ không được thông báo nội dung và đã ảnh hưởng đến tâm lý.