Như thông tin cơ quan CSĐT (Công an tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, liên quan đến vụ việc đoàn thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền" ở Vĩnh Phúc bị tạm giữ, lực lượng chức năng đã tìm thấy 355 triệu đồng trong tủ của đoàn do trưởng đoàn Nguyễn Thị Kim Anh quản lý.
Bên cạnh đó, Đặng Hải Anh (thành viên Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng) nhận 90 triệu đồng của một người đàn ông tên Đỗ Ngọc Yên (SN 1984, Phó giám đốc Công ty Đức Trung). Khi bị bắt quả tang vào ngày 12/6, Đặng Hải Anh thừa nhận hành vi nhận tiền của Yên để không giảm trừ khối lượng giá trị của một số hạng mục công trình mà Công ty Đức Trung đã thi công trên địa bàn huyện Vĩnh Tường nghiệm thu, thanh toán.
"Bên cạnh việc truy tố những đối tượng là cán bộ nhưng có hành vi nhận hối lộ, vòi vĩnh tiền để bao che cho các sai phạm, chúng ta cũng cần xử lý những người đã đưa hối lộ cho đoàn thanh tra xây dựng vòi tiền ở Vĩnh Phúc" - luật sư Diệp Năng Bình. |
Cũng vào ngày 12/6, trưởng đoàn thanh tra Nguyễn Thị Kim Anh cũng bị cơ quan công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang về 2 hành vi: nhận 68 triệu đồng của Trần Hanh, (SN 1971, kế toán UBND xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) để không giảm trừ khối lượng giá trị của một số hạng mục công trình mà UBND xã Tân Tiến là chủ đầu tư; nhận 91,5 triệu đồng của Đỗ Mạnh Cường (SN 1979, công chức tài chính kế toán UBND thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).
Với những tình tiết này, rất nhiều người đặt câu hỏi liệu những người đưa tiền cho đoàn thanh tra Bộ Xây dựng có bị truy tố về tội đưa hối lộ khi đơn vị của những cá nhân này đang có sai phạm.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật - Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng: "Theo quan điểm của tôi, bên cạnh việc truy tố những đối tượng là cán bộ nhưng có hành vi nhận hối lộ, vòi vĩnh tiền để bao che cho các sai phạm, chúng ta cũng cần xử lý những người đã đưa hối lộ".
"Nếu nhìn từ khía cạnh khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng thì việc xử lý hình sự người đưa hối lộ là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu xét từ khía cạnh quản lý nhà nước, duy trì trật tự, an toàn xã hội thì hành vi đưa hối lộ cũng là loại hành vi nguy hiểm cho xã hội vẫn rất cần thiết phải xử lý hình sự. Có thể nói 'đưa' và 'nhận' hối lộ về bản chất như anh em sinh đôi" - luật sư Bình phân tích.
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng ngoài các cán bộ nhận hối lộ, các đối tượng đưa tiền cho đoàn thanh tra cũng phải bị truy tố. |
Luật sư phân tích thêm, đưa hối lộ cũng được xem là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do đó, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định đưa hối lộ cũng là tội phạm và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp người đưa tố cáo người nhận. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Do đó, cần điều tra các khoản tiền này do ai đưa, có khai báo với Cơ quan Công an trước hay không mà xử lý theo Điều 364 về Tội đưa hối lộ.
Cụ thể, số tiền mà những người đưa hối lộ nói trên đã lót tay cho Nguyễn Thị Kim Anh và Đặng Hải Anh là dưới 100 triệu đồng. Theo đó, những người đưa hối lộ cho đoàn thanh tra xây dựng có thể bị truy tố theo Điểm a Khoản 1, điều 364 - điều 365 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015: bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.