Số liệu báo cáo của Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố chiều 13/6 cho thấy, trong tháng 5 vừa qua, lượng bán hàng của toàn thị trường đạt 43.816 xe, tăng 3,4% so với tháng liền kề trước đó, nhưng tăng đến 71% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu tính luôn kết quả bán hàng của các hãng ô tô không phải là thành viên của VAMA hoặc một số hãng xe không báo cáo thì kết quả tháng 5 sẽ vượt hơn 50.000 xe các loại, thậm chí là 60.000 xe.
Cụ thể, tháng qua có 35.210 xe du lịch, gần 7.930 xe thương mại và 677 xe chuyên dụng được bán ra.
Trong đó, lượng xe lắp ráp trong nước đạt 25.580 xe và lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 18.236 xe, so với thứ tự là tăng 1% và tăng 7% so với tháng trước đó.
Kết quả bán hàng trên của VAMA chưa bao gồm những hãng xe khác không phải là thành viên của VAMA hoặc không được công bố thông tin bán hàng.
Đơn cử như Tập đoàn Thành Công (TC Group) thông báo kết quả bán hàng Hyundai tháng 5 đạt 6.490 xe dù giảm 6,8% so với tháng 4/2022, nhưng vẫn tăng hơn 430 xe so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu chỉ cộng thêm lượng bán hàng của TC Group thì tổng bán hàng ô tô tháng vừa qua đã vượt 50.000 xe. Đó là chưa kể những thương hiệu khác như VinFast, Audi, Jaguar Land Rover, Nissan, Subaru, Volkswagen, Volvo… không có trong công bố này của VAMA.
Một điểm đáng chú ý nữa, từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022 vừa qua, lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã được ưu đãi giảm 50% theo quy định tại Nghị định 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021.
Thêm nữa, cơn sốt của khủng hoảng bán dẫn vẫn chưa hết nóng, khiến việc thiếu chip, linh kiện công nghệ cao vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng cung ứng sản phẩm, khiến nhiều mẫu xe như Hyundai SantaFe hay Hyundai Tucson ở tình trạng cầu vượt quá cung.
Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến linh kiện sản xuất ô tô thiếu hụt trên toàn cầu, các hãng xe ở Việt Nam cũng chịu chung khó khăn này. Lượng cầu luôn vượt quá cung trong nhiều tháng qua, nên dù có tiền mua xe, khách hàng cũng không nhận được xe để ra biển trước 1/6/2022, thời điểm không còn ưu đãi 50% phí trước bạ với xe lắp ráp trong nước.
Việc thiếu xe cũng là lý do khiến nhiều đại lý lợi dụng để trục lợi bằng cách yêu cầu khách hàng mua thêm phụ kiện, hoặc trả tiền chênh để nhận xe sớm…
Hiện hầu hết các hãng xe đều chưa thể đưa ra dự đoán khi nào nguồn cung linh kiện mới đủ trở lại. Trong lúc ấy, khách hàng cần xe ngay có thể lựa chọn các dòng xe có sẵn hàng, hoặc thời gian chờ không quá lâu, bên cạnh đó xe cũ, xe lướt cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc.
Tính chung 5 tháng đầu năm nay, theo VAMA, tổng lượng bán hàng đạt 176.681 xe, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 57%, đạt hơn 140.100 xe; xe thương mại giảm 5%, đạt 33.677 xe, và xe chuyên dụng tăng 21% đạt gần 2.900 xe so với cùng kỳ năm 2021.
Nhờ được hỗ trợ ưu đãi phí trước bạ nên trong 5 tháng qua, nên lượng bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 47%, đạt hơn 105.000 xe; trong khi xe nhập khẩu dù không ưu đãi cho người mua loại phí này nhưng lượng bán ra vẫn tăng 29%, đạt gần 71.660 xe so với cùng kỳ năm ngoái.
Và nếu chỉ tính thêm 32.119 xe mang thương hiệu Hyundai của TC Group bán ra trong 5 tháng qua thì kết quả bán hàng 5 tháng đã vượt 208.000 xe.
Như vậy rõ ràng bất chấp việc các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam kêu thiếu linh kiện, phụ tùng, thu hẹp sản xuất, doanh số bán ô tô vẫn liên tục tăng kể từ đầu năm 2022… Trong tháng 6 này, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, nhiều khả năng lượng xe bán ra sẽ không tăng mạnh như vừa qua.
(Theo ĐNRTV)