Lão chỉ có một lời nhờ vả duy nhất đó là khi 4 thầy trò gặp được Phật Tổ thì hỏi giúp "là tu đã một ngàn ba trăm năm mà chưa đặng hóa hình người, tuy là biết nói và sống lâu, song chưa thoát kiếp! Xin thầy làm ơn bạch quá Phật Tổ, coi bao giờ tôi đặng thành người" - trích lời của Lão Rùa. Sau này khi trở về, vì quên mất lời nhờ vả của Lão Rùa mà cả 4 thầy trò bị Lão Rùa bị hất xuống sông khiến cho kinh thư ướt hết, đây cũng là kiếp nạn cuối cùng của họ.
Nhiều người luôn nghĩ Lão Rùa có lẽ chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng ngoài đời thực tồn tại loài rùa khổng lồ chở được nhiều người trên lưng, tên khoa học của nó là Stupendemys geographicus (Stupendemys nghĩa là "rùa khổng lồ"). Loài này nằm trong một chi tiền sử của rùa cổ nước ngọt, các nhà khoa học lần đầu phát hiện ra hóa thạch của nó ở phía bắc Nam Mỹ, trong các tảng đá có niên đại từ Trung Miocene cho đến khi bắt đầu Pliocene, tức là vào 13 đến 5 triệu năm trước. Dựa trên chiều dài 4 mét của hóa thạch mai rùa, Stupendemys geographicus được cho là có chiều dài thực tế khoảng hơn 5 mét và nặng trên 5 tấn.
Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng loài Stupendemys geographicus chủ yếu sống ở phần phía bắc của Nam Mỹ, đặc biệt tại các quốc gia như Brazil, Colombia, Venezuela,... - nơi phát hiện ra nhiều hóa thạch của chúng. Chúng dành phần lớn thời gian trong cuộc đời ở trong nước và thức ăn chủ yếu là thực vật. Các nhà cổ sinh vật học phân tích lý do loài rùa này có kích thước lớn là để tự vệ trước những kẻ săn mồi nguy hiểm thời cổ đại. Được biết, thiên địch của chúng là cá sấu Purussaurus vì trên hóa thạch của chúng phát hiện nhiều vết cắn của loài cá sấu này.
Stupendemys geographicus tính đến nay là loài rùa có kích thước to lớn nhất từng được con người phát hiện. Họ hàng gần nhất của loài rùa này là loài Podocnemis expansa sống trong một hệ thống đầm lầy khổng lồ ở Nam Mỹ.