Ngày 15/3/1980, một số trận động đất nhỏ đã khiến magma bên dưới ngọn núi lửa St. Helens (bang Washington – Mỹ) bắt đầu thức giấc và di chuyển. Ngày 20/3/1980, một trận động đất mạnh 4,2 độ richter đã khiến ‘gã khổng lồ’ St. Helens chính thức tỉnh dậy sau 123 năm ngủ đông.
Ngày 27/3/1980, một vụ phun trào phreatic (hiện tượng magma nung nóng nước ngầm khiến hơi nước phun lên do áp lực) đã diễn ra, phá hủy các lớp đất, đá trên miệng núi lửa và phun cột tro bụi cao hơn 2000 m lên trời.
Cột tro bụi bốc lên báo hiệu 'gã khổng lồ' đã thức giấc. |
Các nhà chức trách đã nhanh chóng cảnh báo nguy hiểm cho người dân sống xung quanh ngọn núi. Cảnh sát cũng tiến hành thiết lập các chốt chặn để ngăn người dân tiến lại gần ngọn núi lửa. Nhiều người dân đã nhanh chóng sơ tán để đảm bảo an toàn, tuy nhiên một số người dân lại từ chối sơ tán.
Trong suốt tháng 4/1980, các nhà nghiên cứu núi lửa đã theo dõi và quan sát thấy tuyết trên núi lửa St. Helens đã tan ra và dung nham tăng lên đáng kể. Cuối cùng, điều mà các nhà nghiên cứu lo sợ cũng đã xảy ra. 8 giờ 32 phút sáng ngày 18/5/1980, một trận động đất mạnh 5,1 độ richter đã làm ngọn núi lửa St. Helens rung chuyển và bùng nổ.
Tuy nhiên trái với dự đoán của các nhà nghiên cứu, St. Helens bùng nổ theo chiều ngang chứ không phải theo chiều thẳng đứng. Nguyên nhân là do trận động đất đã gây ra một vụ lở đất và tạo ra một khe nứt bên sườn của St. Helens. Vụ bùng nổ của núi lửa St. Helens đã phá hủy một khu vực rộng hơn 62 km 2.
Hàng triệu cây xung quanh St. Helens đều bị đốt cháy, 200 người sinh sống gần ngọn núi lửa đã nhanh chóng chạy thoát, tuy nhiên 57 người đã thiệt mạng. Sau thảm họa, khu vực này trở thành bình địa, người dân quay trở lại đây và phải xây dựng lại mọi thứ từ đầu.