Chuyện xưa kể lại rằng, khi Nguyễn Đăng Cảo ra làm quan, nhưng tính ngang tàng, nên mấy lần bị triều đình giáng chức, vì thế mà ông chán ngán quan trường rồi xin từ quan về quê làm ruộng, kéo vó làm vui. Khi thong thả ông lại ra chợ Nội Duệ uống rượu nhắm thịt chó rồi lại thủng thỉnh ra về. Một lần ông bế cháu (gọi ông là bác, tức Nguyễn Đăng Đạo) và nói rằng:
- Triều đình ghét ta ngang bướng, đánh xuống Thám hoa, nhưng cháu ta-thằng bé này nhất định sẽ đỗ Trạng nguyên, không đánh nó xuống được đâu. Sau đó quả đúng như vậy.
Tranh vẽ thám hoa Nguyễn Đăng Cảo. |
Bấy giờ, sứ nhà Thanh sang Đại Việt, nhưng khi đến Xương Giang thì dừng lại, rồi sai quân đưa đến triều đình ta một vuông gấm có viết chữ "Càn" rất lớn và nói:
- Nếu Đại Việt không giảng được thì sứ đoàn sẽ không vào Thăng Long. Triều đình ta không hiểu ra làm sao, bèn cho triệu Nguyễn Đăng Cảo vào kinh để giảng. Nguyễn Đăng Cảo nghe xong nói: Cái trò đánh đố chữ nhỏ mọn ấy bõ gì mà triều đình phải bận tâm, sau đó ông lấy bút quét một nét sổ trên giấy cho sứ triều mang về tâu vua, dặn cứ thế đưa cho sứ Thanh. Quả nhiên, sứ nhà Thanh rất phục và đi tiếp vào Thăng Long. Mặc dù vậy, nhưng nhà vua vẫn còn chưa hiểu ý của sứ nhà Thanh ra sao, đồng thời cũng chưa biết vì sao Nguyễn Đăng Cảo viết vậy mà sứ nhà Thanh đồng ý vào Thăng Long, nên lại cho người về quê hỏi Nguyễn Đăng Cảo. Ông đã trả lời sứ của triều đình rằng:
Ở trong sách kinh dịch tượng có quẻ "Càn" là ba nét ngang, thêm một nét sổ thì thành chữ "vương". Họ muốn sang phong vương cho vua ta đó thôi.
Cả triều đình nghe ra, vô cùng nể phục Nguyễn Đăng Cảo.
Một lần khác, vua nhà Thanh tiếp sứ thần Đại Việt là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, vì có nghe tài của ông nên vua nhà Thanh đã ra vế đối cho ông như sau:
- Lão khuyển lạc mao, do hướng đình tiền thệ nguyệt. Nghĩa của vế đối này là: Chó già rụng lông còn ngó ra sân sủa lên bóng trăng. Biết đó là ý miệt thị của vua nhà Thanh và Nguyễn Đăng Cảo đã thể hiện rõ sự bự tức của mình mà đối ngay rằng:
- Tiểu oa đoản cảnh, mạn cư tỉnh để khuy tiên. Nghĩa là: Ếch con ngắn cổ, cũng dám ngồi đáy giếng ngó lên trời. Thấy vế đối có nội dung ngang tàng, lại có ý mỉa mai, không những xem thường cả triều đình lẫn vua nhà Thanh khi ấy vừa có kiến thức thấp kém lại vừa có bụng dạ quá hẹp hòi, chỉ "như ếch ngồi đáy giếng". Từ đó, vua quan nhà Thanh không dám coi thường sứ nước Nam nữa. Sau đó, vua nhà Thanh sai quan tiễn sứ đoàn ra về rất trịnh trọng.
Một lần khác, nhà Thanh sai sứ sang sách nhiễu. Triều đình bí quá phải triệu ông hồi cung tiếp sứ. Sứ Thanh đòi nộp 1 cái giường đồng, 100 ông già đầu bạc, 100 người con gái tóc dài. Nghe xong ông cười to bảo: Bắc triều loạn đã lâu chi dùng không đủ nên vòi ta chu cấp. Nộp cho họ 100 gốc lúa, 100 thúng muối, 100 con dê cái.
Sứ nhà Thanh lại đưa 10 vuông gấm (4m2) đòi may thành các loại áo, mũ, xiêm, khăn, chăn, màn. Ông cho may một cái áo cổ dài, ống tay to và một cái quạt. Ông viết chữ đề lên quạt như sau: Mặc trên là áo, trang điểm ở dưới là xiêm, có dòng là khăn, có ống là túi, khoanh đầu là mũ, buông xuống là màn, che mình là chăn, trải giường là nệm.
Sứ Thanh đọc xong kính phục nói: Địa linh nhân kiệt đời nào cũng có nhưng vượt trội hơn cả từ nay về sau chỉ có một Nguyễn Đăng Cảo.
Lời bàn về Nguyễn Đăng Cảo
Với câu đối lại và chê vua nhà Thanh là ếch ngồi đấy giếng cũng đã quá đủ để nói nên bản lĩnh và tài năng xuất chúng của Nguyễn Đăng cảo. Và những giai thoại nêu trên đã góp phần minh chứng sâu sắc hơn về tài năng của Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo - nhà khoa bảng tiêu biểu đã có nhiều đóng góp to lớn cho dân cho nước. Các thế hệ kế tiếp ông từ xưa tới nay đều rất tự hào, phấn đấu học tập noi theo, đặc biệt là bản lĩnh và trí tuệ của ông trong việc thực thi chính sách bang giao giữa Đai Việt và Trung Hoa. Đặt trong bối cảnh cần ổn định để xây dựng và phát triển đất nước và vị thế nước nhỏ trước một đế chế Trung Hoa rộng lớn, chính quyền Lê - Trịnh thời đó luôn thực thi chính sách bang giao mềm dẻo, linh hoạt và phù hợp với thời cuộc. Chính đường lối ấy đã có vai trò to lớn trong việc định quốc, an dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo vệ vương quyền của vua Lê - chúa Trịnh.
Lịch sử dân tộc tộc đã chứng minh, chính sách bang giao là nhân tố góp phần to lớn trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, tạo thế ổn định để cho sự phát triển lâu dài của đất nước và giành lại chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm. Chính vì thế, đọc lại những giai thoại về Nguyễn Đăng Cảo và nghiên cứu về bang giao của Đại Việt với Trung Hoa thời Lê - Trịnh để từ đó chúng ta có sự tham chiếu cho cuộc đấu tranh giữ gìn độc lập chủ quyền, xây dựng đường lối, chính sách ngoại giao trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Vì ngoại giao phải góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, phải nâng cao vị thế của dân tộc.