Đêm 22/12, sóng thần khổng lồ đã ập vào các bãi biển xung quanh eo biển Sunda, nằm giữa đảo Java và Sumatra, phá huỷ hàng trăm ngôi nhà, khiến ít nhất 430 người thiệt mạng, khoảng 1.500 người bị thương trong khi hơn trăm người vẫn mất tích.
Không ngạc nhiên khi Indonesia phải thường xuyên hứng chịu những thảm họa nhiên nhiên kinh hoàng như động đất, núi lửa và sóng thần bởi nước này nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm. Theo ghi nhận của các nhà khoa học, khoảng 71% các vụ động đất và sóng thần lớn trên thế giới xảy ra trên vành đai lửa Thái Bình Dương.
Chỉ khoảng ba tháng trước, nước này cũng hứng chịu thảm họa kép động đất-sóng thần, cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người và hàng nghìn người khác bị thương.
Tuy nhiên, có lẽ điều khiến dư luận quan tâm hơn đó là tại sao thảm họa sóng thần Indonesia lại gây thương vong nhiều đến vậy mỗi khi nó xảy ra?
Sóng thần tấn công eo biển Sunda tại ngôi làng Sumur ở Pandeglang, tỉnh Banten. Ảnh chụp ngày 25/12. Ảnh: Reuters. |
Một vụ lở đất diễn ra dưới đáy biển do hoạt động địa chất của núi lửa Anak Krakatoa được cho là nguyên nhân dẫn đến trận sóng thần tấn công một số bãi biển xung quanh eo biển Sunda tối 22/12. Điều này xảy ra bất ngờ khiến cho không có cảnh báo nào được đưa ra trước khi cơn sóng ập tới.
Được biết, núi lửa Anak Krakatau nằm ở ngoài khơi cách bờ biển phía tây Java 80 km và bắt đầu hoạt động từ tháng 6. Do nó ở xa đất liền nên nhiều người cho rằng nó vô hại, nhưng trên thực tế trận sóng thần do lở đất có thể có cường độ rất lớn.
CNA dẫn lời phát ngôn viên của Cơ quan xử lý thảm họa quốc gia Indonesia, ông Sutopo Purwo Nugroho, cho biết hệ thống phao cảm biến sóng thần của nước này đã không hoạt động kể từ năm 2012 và không phát đi cảnh báo thảm họa khi sóng thần xảy ra hôm 22/12.
"Bị phá hoại, thiếu kinh phí và lỗi kỹ thuật là nguyên nhân khiến hệ thống cảnh báo sóng thần hiện không hoạt động", ông Sutopo cho hay.
Mời độc giả xem thêm video: Sóng thần tấn công Indonesia đêm 22/12 (Nguồn: Daily Mail)
Vị quan chức Indonesia này cho rằng cần phải triển khai hệ thống "được kích hoạt khi có lở đất dưới đáy biển và núi lửa phun trào" để đảm bảo rằng Indonesia được cảnh báo sóng thần từ sớm, bởi nước này hiện chưa có hệ thống cảnh báo nào như vậy.
Tuy nhiên, Giáo sư Dave Roversy từ Đại học Mở (Anh) nhận định, người dân cũng không thể kịp sơ tán nếu có phao cảnh báo sóng thần ở Anak Krakatoa.
“Ngay cả khi có phao cảnh báo sóng thần được đặt ở Anak Krakato thì nó cũng quá gần để người dân kịp sơ tán, bởi sóng thần di chuyển với tốc độ rất nhanh”, Giáo sư Dave Roversy nói.
Trong khi đó, CNN dẫn cảnh báo của giới chuyên gia cho biết, nguy cơ về các trận sóng thần mới tại eo biển Sunda vẫn ở mức cao khi núi lửa Anak Krakatoa đang trong giai đoạn "thức giấc" và có thể kéo theo các đợt sạt lở ngầm trong lòng biển.