Tạp chí Jane’s Defense Weekly cho biết, Trung Quốc và Thái Lan đang tiến hành đàm phán mở rộng hợp tác thương mại vũ khí, trong đó bao gồm việc Thái Lan có thể nhập khẩu hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 (Trung Quốc sao chép công nghệ tên lửa S-300 Nga).
Bộ Quốc phòng Thái Lan đã lên tiếng xác nhận thông tin Quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu hệ thống tên lửa HQ-9. Tuy nhiên, phía Thái Lan cho rằng, giá thành của hệ thống HQ-9 quá đắt, chi phí bảo dưỡng cao, hơn nữa kích cỡ cũng tương đối lớn. Chính vì thế Quân đội Thái Lan vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về việc liệu có mua hệ thống này của Trung Quốc hay không.
Ngược lại, Lục quân Thái Lan lại bày tỏ mong muốn mua tên lửa phòng không vác vai QW-18 của Trung Quốc, bổ sung vào “lá chắn phòng không” tầm thấp của nước này.
Hệ thống phòng không giá rẻ HQ-9 của Trung Quốc bị Thái Lan chê đắt. |
Hiện tại, hệ thống phòng không trong Không quân và Lục quân Thái Lan chủ yếu là vũ khí tầm ngắn. Ví dụ như hệ thống phòng không ADATS do Công ty Oerlikon của Canada sản xuất, hệ thống tên lửa vác vai FIM-43 Redeye và hệ thống phòng không tầm trung MIM-23 Hawk của Mỹ .
Nguồn tin còn tiết lộ, Thái Lan đang đàm phán với Anh về việc nhập hệ thống vũ khí phòng không của Anh và Đức.
Trước đó, hồi tháng 10, hệ thống phòng không HQ-9 cũng đã từng được Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn để đáp ứng yêu cầu phòng không của nước này, tuy nhiên sau đó họ đã loại bỏ HQ-9 do sức ép từ Mỹ và các đồng minh NATO.
Biến thể xuất khẩu của hệ thống HQ-9 được định danh là FD-2000 có tầm phóng đạt 125 km, khả năng tác chiến phòng không trong mọi điều kiện thời tiết, có thể đánh chặn các loại máy bay, vũ khí dẫn đường chính xác.
Một khẩu đội tên lửa FD-2000 có thể đồng thời điều khiển 16 quả tên lửa đánh chặn 8 mục tiêu, khả năng kháng nhiễu điện từ mạnh. Tên lửa của hệ thống vũ khí này có tốc độ nhanh, tầm bắn xa, đã áp dụng công nghệ phóng thẳng đứng, có thể tiến hành đổi hướng tùy ý trong phạm vi 360 độ.