Trong một cuộc phỏng vấn của tờ báo Hồng Kông năm 1994, nhà văn Kim Dung đã được hỏi một câu rằng ai là người có võ công cao nhất trong các tác phẩm tiểu thuyết của ông.
Sau đó Kim Dung đã lập tức trả lời: “Người đó là Trương Tam Phong. Võ công của Trương Chân Nhân cao lắm, cao không thể tả được"...
Trương Tam Phong (張三丰 / 張三豐), tên thật là Trương Quân Bảo (張君寶), là một đạo sĩ, người sáng lập Võ Đang - môn phái võ thuật lớn ở Trung Quốc, mà theo tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, là người sáng tạo Thái Cực quyền và Thái Cực kiếm.
Ông còn được gọi dưới nhiều tên khác:
Trương Thông
Trương Toàn Nhất
Huyền Huyền Tử (tên hiệu)
Trương Lạp Thác tức Trương bẩn thỉu do ông ăn mặc đơn giản, dù nóng hay lạnh, chỉ mặc một áo nạp và một nón mê (theo Minh sử, Phương Kỹ truyện).
Theo ghi nhận của cổ thư Trung Hoa thì Trương Tam Phong là một người có hình dung cổ quái, tóc dài, râu rậm, mặt đỏ, môi thắm, ăn khỏe như cọp, đi nhanh như gió cuốn.
Thái cực Trương Tam Phong. |
Trong các môn phái Võ thuật ở Trung Quốc thì hai phái nổi tiếng nhất là Võ Đang và Thiếu Lâm. Một phái ở miền Nam, một phái ở miền Bắc. Một phái thuộc Đạo gia, một phái thuộc Phật gia. Nói đến Thiếu Lâm quyền không thể không nói đến Đạt Ma Tổ Sư. Nói đến Võ Đang Nội Gia Quyền không thể không nói đến Trương Tam Phong với hành trạng thần bí. Kỳ thực địa vị Trương Tam Phong trong lịch sử Đạo giáo còn rực rỡ hơn lịch sử sáng lập phái Võ Đang nữa.
Đạo giáo bắt đầu từ đời Kim và Nguyên, dần dần chia ra làm hai nhánh lớn là Chính Nhất Giáo và Toàn Chân Giáo, một ở phương Nam, một ở phương Bắc, đại để họ lấy vùng Nam Bắc sông Giang - sông Hoài làm ranh giới. Chính Nhất Giáo là tên gọi tắt các phái sùng bái quỷ thần, vẽ bùa niệm chú, đuổi ma trừ tà, còn Toàn Chân Giáo chú trọng vào đạo đức tự thân và tu dưỡng hành công. Đến thời cuối nhà Minh đầu nhà Thanh, hai phái lại có xu thế giao lưu dung hợp với nhau nhờ sự vận động của Trương Tam Phong. Vị "ẩn tiên" tiêu diêu tự tại Trương Tam Phong là người hành tung vô định và là một đạo sĩ có phần thần bí.
Thuở nhỏ, Trương Tam Phong đã được mẹ gửi đi học võ tại chùa Thiếu Lâm. Theo học được khoảng 10 năm nhưng về sau, ông có một số xung đột với đồng môn nên đã bị đuổi khỏi Thiếu Lâm Tự.
Nhờ bản tính thông minh hơn người, Trương Tam Phong đã sử dụng võ công của Thiếu Lâm để tạo nên 1 loại võ công mới đó là Thái Cực Thần Công danh tiếng và xây dựng nên Võ Đang.
Có một hôm, đang đi dạo thì ông tình cờ phát hiện một con hạc và một con rắn đánh nhau. Con hạc dũng mãnh từ trên ngọn cây xà xuống đánh con rắn dài đang nằm khoanh tròn.
Con rắn đang tĩnh chợt động, tránh né những đòn tấn công của con hạc. Từ đó Trương Tam Phong chợt hiểu ra nguyên lý "lấy tĩnh chế động, lấy nhu khắc cương". Đó là cơ sở để thành lập Võ Đang phái.
Ngoài phái Võ Đang, Trương Tam Phong còn được cho là sáng tạo ra 1 bộ võ học có tên Cửu tiêu chân kinh, trước khi sáng tạo ra các tuyệt kỹ Thái cực quyền Và Thái cực kiếm.
Cửu tiêu chân kinh gồm 9 chương tu luyện nội công, điển tịch võ học này sử dụng cương nhu nhị kình (giống như Thái Cực) để hóa giải các thế đánh của đối phương và phản đòn, sức mạnh được cho là sánh ngang Dịch Cân Kinh của võ Thiếu Lâm.
Tuy nhiên không biết vì do chỉ là truyền thuyết chứ không có thật, hay đã bị thất truyền, đến nay sức mạnh thực tế của tuyệt kỹ Cửu tiêu chân kinh này lớn đến đâu vẫn còn là một dấu hỏi không thể kiểm chứng.
Tóm lại, những “tuyệt kỹ” võ thuật của Trương Tam Phong là có thật tuy nhiên vẫn mang nặng tính chất thần thoại và được “tô vẽ” thêm rất nhiều.
Theo quan điểm võ thuật hiện đại, võ thuật của Trương Tam Phong hay của phái Võ Đang nói chung, vẫn nặng về tính biểu diễn là chủ yếu và có chăng chỉ tập luyện để nâng cao sức khỏe, chứ thật khó để có thể “bá chủ thiên hạ” giống như trong các tác phẩm tiểu thuyết!