Với nhiều người con Việt tha hương, Tết đoàn viên chỉ là một mục tiêu trong tương lai. Nơi miền đất lạ, những ngày Xuân mới, họ vẫn phải tất tả ngược xuôi công việc như nhịp sống bình thường của nước sở tại. Thời gian qua, Nhật Bản luôn nằm trong tốp thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất. Và số người Việt sống tại Nhật càng tăng lên nhanh chóng những năm gần đây do tình trạng thiếu nhân lực của đất nước mặt trời mọc.
Phút quây quần đón năm mới của một nhóm người lao động Việt Nam tại Nhật Bản |
Nghĩa đồng bào
"Mẹ ơi con mới xong việc/ Đã lâu con chưa gọi về/ Nhà ta thế nào? Cha có đỡ đau ốm hơn không/Mùa đông đã sang rồi, mẹ nhóm than ấm cha ngồi/ Để vơi gió rét bên trời…". Những câu hát da diết trong nhạc phẩm "Nước ngoài" của Phan Mạnh Quỳnh ngân vang trong cộng đồng người Việt đi du học, làm việc tại Nhật Bản mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Chị Đặng Thị Kim Liếu (27 tuổi, quê ở Sóc Trăng), hiện là nhân viên một công ty lắp ráp linh kiện điện tử tại tỉnh Kagoshima, cho biết do tình hình dịch bệnh căng thẳng trên thế giới nên các hợp đồng đặt hàng lắp ráp linh kiện điện tử xuất khẩu đã tạm ngưng, dẫn đến một số dây chuyền trong xưởng phải ngừng hoạt động. Nhân viên trong công ty phải chia nhau làm xen kẽ trong tuần, chấp nhận giảm thu nhập đáng kể.
Kim Liếu sang Nhật theo chương trình thực tập kỹ năng, hợp đồng 3 năm. Các lao động nước ngoài dạng này được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ mỗi người 100.000 yen (khoảng 20 triệu đồng) nhưng cũng chỉ đủ để duy trì cuộc sống với những nhu cầu tối thiểu trong khoảng 4-5 tháng. Chỉ có những ai làm việc trong các khu vực đặc thù như chăm sóc sức khỏe (điều dưỡng) hoặc chế biến thực phẩm thì ít bị ảnh hưởng. Từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, trên các kênh truyền thông, mạng xã hội đã xuất hiện nhiều hình ảnh kêu cứu khẩn thiết từ phía lao động Việt Nam.
Đáp lại những lời cầu cứu đó, Đại sứ quán Việt Nam cùng cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật, chùa Nisshinkutsu, chùa Daionji (người Việt hay gọi là chùa Đại Ân) đã liên tục có những chương trình hỗ trợ thiết thực, kịp thời tiếp sức cho các sinh viên, lao động bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.
Từ tháng 4-2020, khi đại dịch bùng phát dữ dội tại Nhật thì sư cô Thích Tâm Trí - Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản - đã cùng nhiều tu sĩ và Phật tử cưu mang hơn 300 người Việt là thực tập sinh, du học sinh, những lao động bị quá hạn thị thực… đến tá túc ở chùa Đại Ân và 4 địa điểm khác, bao gồm ở tỉnh Chiba và thủ đô Tokyo trong thời gian chờ tìm việc hoặc chờ chuyến bay về nước. Toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam cũng đồng lòng góp ngày lương, kêu gọi vận động thêm từ các nhà hảo tâm, tạo nguồn kinh phí mua lương thực và nhu yếu phẩm; phối hợp các tổ chức của người Việt tại Nhật và một số đoàn thể khác để cưu mang, giúp đỡ cho những người Việt đang khó khăn.
Ở đâu có người Việt, ở đó có Tết Việt
Dù khó khăn là thế nhưng "mùi Tết" đã bắt đầu phảng phất đâu đó trên những cung đường đi làm hằng ngày của lao động Việt từ những ngày đầu năm mới dương lịch. Tiết trời Nhật Bản ngày càng trở nên lạnh giá trong tuần lễ cận kề Tết nguyên đán của người Việt Nam. Nhiệt độ thường ở mức dưới 0 độ C, tuyết phủ che lấp cả những con đường quen thuộc mà lao động Việt thường đạp xe hay đi bộ bắt tàu điện ngầm đến sở làm. Nếu là một ngày bình thường, những gì mà người con xa xứ cảm nhận đơn thuần là cái lạnh buốt giá của thời tiết. Nhưng càng gần Tết, sự buốt giá ấy làm xốn xang cả những trái tim xa quê vốn đã đầy nỗi bồi hồi, trông ngóng.
Một trong những tỉnh có cộng đồng lao động người Việt đông tại Nhật Bản là Fukuoka. Những ngày cuối năm, các bạn trẻ là công nhân, thực tập sinh phân công nhau tranh thủ lúc hết giờ làm chạy đi tìm mua lá cờ Việt Nam và những thứ cần thiết để làm các món ăn, quà bánh mứt truyền thống. Tất cả đều háo hức, dường như bỏ lại hết những mệt nhọc, những giọt mồ hôi tại nơi làm việc.
Fukuoka bình thường vốn yên ắng nay lại náo động bởi những đoàn xe đạp của người Việt Nam đua nhau đi "chợ Tết". Các bạn cũng sẽ tìm cách chia nhau xin nghỉ phép theo đúng quy định công ty để gói và nấu bánh chưng, bánh tét. Ở Nhật thì không thể có thể chuyện đốt củi nấu bánh được. Những người Việt xa xứ vượt qua trở ngại đó bằng cách chia nhỏ số bánh ra các nồi cơm điện và nấu. Thoạt nhìn ai cũng bật cười nhưng rồi ai cũng hiểu rằng chỉ cần có mùi bánh chưng, bánh tét là đã có 90% "mùi Tết"!
Chị Võ Thị Ngọc Mai (25 tuổi, quê ở Long An), hiện đang làm việc tại Công ty Điện tử Kajiki (tỉnh Kagoshima, Nhật Bản), xúc động chia sẻ: "Mỗi dịp mừng năm mới, chúng tôi đều cố gắng chuẩn bị những món đặc trưng như bánh ít, bánh chưng, bánh tét, thịt kho hột vịt… để vơi đi cảm giác nhớ nhà, nhớ Tết. Dù nguyên liệu nấu nướng không được đầy đủ như ở Việt Nam, bánh khi luộc xong thì chỗ méo chỗ tròn nhưng hương vị vẫn thơm nồng".
Nhóm các bạn Vũ Thị Điệp (27 tuổi, quê ở Đắk Nông), Tô Thị Phương (23 tuổi, quê ở Đắk Lắk), Nguyễn Thùy Dương (28 tuổi, quê ở Bình Phước), hiện đang làm việc tại Công ty Linh kiện Ebino (tỉnh Kagoshima), bày tỏ: "Chúng tôi may mắn làm việc tại một công ty có giám đốc là người rất hiểu văn hóa Việt Nam. Mỗi dịp giao thừa, giám đốc đều cho lao động Việt Nam nghỉ sớm để về chuẩn bị. Sau đó, ông sẽ mang theo quà bánh đến để chung vui như một người cha, tạo ra bầu không khí ấm áp, giúp các bạn vơi đi cảm giác nhớ quê, thèm Tết...".