Hiện nay, trong biên chế vũ khí chống tăng có điều khiển của Quân đội Trung Quốc, HJ-8 được xem là tên lửa chống tăng vác vai tốt nhất nước này.
Cũng tương tự như nhiều loại vũ khí khác của Trung Quốc, HJ-8 được cho là sản phẩm sao chép công nghệ nước ngoài hơn là do người Trung Quốc tự sáng tạo ra. Theo trang tin Sino Defence, tên lửa HJ-8 được phát triển dựa trên tên lửa chống tăng 9K111 (NATO định danh AT-4 Fagot) của Liên Xô.
Tuy nhiên, cũng có nguồn tin khác cho rằng, HJ-8 thiết kế dựa trên công nghệ 3 tổ hợp tên lửa chống tăng các nước phương Tây gồm: BGM-71 TOW (Mỹ); MILAN (Pháp/Đức) và Swingfire (Anh). Trong đó, tên lửa BGM-71 TOW từng được Mỹ đưa sang chiến trường Việt Nam sử dụng và có thể một số tổ hợp được bộ đội Việt Nam thu giữ chuyển giao lại cho các nước anh em xã hội chủ nghĩa (Liên Xô, Trung Quốc) để nghiên cứu.
Theo một số nguồn tin, giá phóng HJ-8 "học hỏi" từ BGM-71 TOW, khối điều khiển từ tên lửa MILAN và đạn tên lửa dựa trên loại Swingfire. |
Chương trình phát triển HJ-8 do các kỹ sư của Công ty Công nghiệp phương Bắc (NORINCO) và Viện Nghiên cứu Khoa học 203 thực hiện từ những năm 1970. Tuy nhiên, do một số khó khăn mà mãi tới năm 1980 việc thử nghiệm tên lửa mới bắt đầu (tổng cộng 109/113 quả đã thử thành công). Từ năm 1987, HJ-8 bắt đầu được sản xuất loạt và trang bị cho Quân đội Trung Quốc.
Tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển HJ-8 thiết kế để tiêu diệt mọi mục tiêu xe tăng, xe bọc thép trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả ban ngày và ban đêm.
HJ-8 gồm 4 thành phần chính: khối ngắm bắn; khối điều khiển; giá phóng và đạn tên lửa (đặt trong ống phóng). Tổng trọng lượng của tổ hợp lên tới 60kg.
Trong đó, đạn tên lửa HJ-8 dài 1,56m, đường kính thân 120mm, nặng 25kg, lắp đầu đạn chống tăng 1,5kg. Trung Quốc tuyên bố đầu đạn có thể xuyên giáp dày 800mm. Ở đuôi tên lửa được trang bị hệ thống vạch đường gồm gương và đèn hồng ngoại cho phép xạ thủ quan sát đường bay để điều khiển tên lửa bay đến mục tiêu qua hệ thống điều khiển.
Đạn HJ-8 thiết kế động cơ nhiên liệu rắn cho phép đạt tầm bắn từ 100-3.000m, tốc độ tối đa 200-240m/s. Trên đường bay, tên lửa được điều hướng bằng cách điều chỉnh luồng khí phụt qua 4 miệng côn trên thân.
Về cách thức điều khiển, HJ-8 thuộc tên lửa chống tăng thế hệ 2 với hệ dẫn đường bán tự động SACLOS (lệnh điều khiển truyền qua dây). Sau khi lắp đặt vào vị trí, xạ thủ tìm mục tiêu bằng ống ngắm, điều chỉnh tiêu cự và tiêu điểm vào mục tiêu, khóa mục tiêu và bấm nút bắn trên thành trái của khối điều khiển.
Quả tên lửa bắt đầu rời bệ phóng, lúc này hệ thống hoạt động ở chế độ bán tự động, xạ thủ giữ cho mục tiêu (đang di chuyển) ở trong tiêu điểm ống ngắm. Quá trình khối ngắm bắn nhận tín hiệu vạch đường từ tên lửa so sánh với đường thẳng ngắm mục tiêu, truyền tín hiệu cho khối điều khiển, sinh lệnh điều khiển tên lửa hoàn toàn tự động.
Phương pháp dẫn bắn này không đòi hỏi nhiều việc huấn luyện xạ thủ như các tên lửa chống tăng thế hệ thứ nhất, sử dụng dẫn đường bằng tay MCLOS. Phương pháp này cũng giống như các hệ thống tên lửa chống tăng ra đời trước đó như TOW của Mĩ, 9M113 Konkurs (AT-5 Spandrel) của Liên Xô…
Những biến thể cải tiến sau này, HJ-8 giảm trọng lượng xuống còn 1/3 so với lúc đầu. |
Nhược điểm lớn nhất của HJ-8 đó chính là trọng lượng quá nặng lên tới 60kg,việc sử dụng tuy chỉ cần 2 người nhưng khi di chuyển cần tới 4 người mang vác. Điểm yếu này bắt nguồn từ những hạn chế công nghệ của Trung Quốc thời bấy giờ chưa thể thu nhỏ thiết bị điều khiển, tên lửa mà vẫn đảm bảo khả năng chiến đấu cao.
Trung Quốc cũng phát triển HJ-8 với nhiều biến thể, qua mỗi biến thể càng được cải tiến tích hợp thêm nhiều tính năng mới hơn. Ví dụ, biến thể HJ-8E đi vào phục vụ từ giữa những năm 1990 được cải tiến tăng tầm lên 4.000m, thay thế hệ thống truyền nhận tín hiệu analog bằng kĩ thuật số, đầu đạn dùng kiểu 2 liều nổ (Tandem) chuyên chống xe tăng trang bị giáp phản ứng nổ (ERA).
Hoặc biến thể HJ-8L (L nghĩa là “light” – nhẹ) giảm mạnh về trọng lượng xuống còn 22,5kg mang vác dễ dàng, nhưng không làm giảm tính năng. Khối ngắm bắn của HJ-8L có thiết kế gọn nhẹ thuận tiện hơn cùng khả năng kháng nhiễu tăng cường. Đây được xem là một thành công lớn của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Tuy có một số nhược điểm nhất định và chưa thể so sánh với các loại tên lửa chống tăng hiện đại của Nga, Mĩ (như 9M133 Kornet hay FGM-148 Javelin), nhưng HJ-8 có ưu thế ở giá thành giá rẻ, tính năng mạnh phù hợp trang bị cho quân đội các nước có ngân sách eo hẹp.
Giá của tổ hợp HJ-8 không được công bố, nhưng được các chuyên gia ước lượng vào khoảng 4.500 đến 6.700 USD/quả đạn tên lửa.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: