* Bài viết có sử dụng một số tư liệu trích dẫn từ cuốn Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam và Lịch sử Lữ đoàn 172 Hải quân.
Tàu phóng lôi là loại tàu chiến nhỏ nhẹ, có tốc độ cao, sử dụng ngư lôi làm vũ khí chính để tấn công diệt tàu địch. Hiện nay, trong biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam có một số tàu phóng lôi thuộc Project 206 lớp Shershen và Project 206ME lớp Turya.
Trong đó, tàu phóng Project 206 lớp Shershen có lượng giãn nước toàn tải 172 tấn, dài 34,08m. Tàu được trang bị 2 pháo phòng không cao tốc AK-230, một bệ phóng tên lửa đối không tầm thấp SA-N-5 và 4 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm.
Còn tàu phóng lôi Project 206ME lớp Turya được cải tiến dựa trên Shershen có kích cỡ lớn hơn một chút. Tàu có lượng giãn nước toàn tải 250 tấn, dài 39,6m. Tàu được trang bị tháp pháo 2 nòng cỡ 25mm, tháp pháo AK-257 2 nòng cỡ 57mm và 4 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm.
Hai tàu đều dùng loại ngư lôi 53-VA cỡ 533mm có chiều dài 7,9m, nặng 2 tấn và lắp đầu nổ nặng 210kg. Ngư lôi có độ sâu chiến đấu 6-8m, độ sâu sục sạo 12-16m, tốc độ 29km/h, cự li bắn 11km.
Tàu phóng lôi lớp Tuyra (số hiệu HQ-334) biên chế trong Hải quân Nhân dân Việt Nam. |
Trong thời đại của tên lửa chống tàu, câu hỏi về vai trò của tàu phóng lôi trong tác chiến hải quân cũng bị đặt ra rất gay gắt, thậm chí hơn cả các tàu pháo. Rõ ràng, pháo hạm tàu hay ngư lôi khó có thể so sánh với tên lửa chống tàu về tầm bắn. Nhưng trong khi pháo hạm tàu có thể sử dụng cho những nhiệm vụ khác như phòng không hay yểm hộ hỏa lực cho lực lượng đổ bộ thì ngư lôi chỉ có nhiệm vụ diệt tàu là duy nhất.
Tác chiến tàu phóng lôi mang đặc trưng là tấn công nhanh, sử dụng tốc độ để áp sát tàu địch, phóng ngư lôi và rút lui nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay, tàu phóng lôi hầu như không còn tận dụng được những ưu thế đó nữa. Lý do, tàu địch mang tên lửa chống tàu có tầm bắn xa hàng trăm km, vượt xa tầm bắn của ngư lôi. Thừa kế khả năng tấn công nhanh của tàu phóng lôi chính là các tàu tên lửa cao tốc hiện nay.
Khi mà ngư lôi không còn là vũ khí hiệu quả nữa, thì vai trò của tàu phóng lôi trong lực lượng hải quân là gì?
Có những quan điểm cho rằng, trong thời đại ngày nay, tàu phóng lôi có thể sử dụng yếu tố lợi thế địa hình, địa vật gần bờ, tấn công bất ngờ đội hình hành quân, đổ bộ của địch. Số khác cho rằng tàu phóng lôi có thể kết hợp với các trực thăng chống ngầm như Ka-25, Ka-28 để truy tìm tàu ngầm địch. Đó là những quan điểm thiếu chính xác, sai lầm, và sẽ bị bác bỏ bằng những ví dụ thực tiễn.
Thứ nhất, tàu phóng lôi không đồng nghĩa với tàu săn ngầm. Tàu phóng lôi lớp Shershen hay Turya của Việt Nam chỉ được trang bị ngư lôi 53-VA với độ sâu chiến đấu từ 6-8m không thể diệt tàu ngầm. Đây là tàu phóng lôi, để diệt tàu mặt nước, mang những đặc điểm, tính chất giống như tàu tên lửa cao tốc ngày nay. Chỉ có ngư lôi SET-53M trang bị trên các tàu hộ vệ chống ngầm Petya mới có khả năng diệt tàu ngầm.
Thứ hai, ý kiến về việc tàu phóng lôi có thể lợi dụng địa hình, địa vật gần bờ để bất ngờ tấn công tàu địch cũng không thuyết phục. Điều này được lí giải bằng hai trận đánh của tàu phóng lôi Hải quân Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tàu phóng lôi kiểu 123K của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. |
Và thật trùng hợp, hai trận đánh này đều liên quan đến 3 chiếc tàu phóng lôi huyền thoại số hiệu 333, 336 và 339 (thuộc Phân đội 3, Đoàn 135). Đây là 3 trong số 12 tàu phóng lôi đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
3 chiếc đều thuộc loại tàu phóng lôi vỏ nhôm kiểu 123K, dài 19,3m, rộng 3,6m, mớn nước 1,35m và lượng giãn nước 50 tấn. Trang bị có hai ống phóng ngư lôi 450mm (ngư lôi 45-36 nặng khoảng 1 tấn) và đại liên nòng kép 14,5mm.
Trận đánh đầu tiên là với tàu khu trục Maddox của Mỹ trên vùng biển Thanh Hóa ngày 2/8/1964. Trận đánh này được coi là một biểu tượng chiến thắng của Hải quân Nhân dân Việt Nam, khi 3 tàu phóng lôi bé nhỏ đã dũng cảm chiến đấu với quân địch đông gấp bội, đánh trả máy bay địch, đuổi tàu Maddox khỏi vùng biển miền Bắc.
Tuy nhiên, sẽ thật duy ý chí nếu như dựa vào thắng lợi trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam để tin rằng với truyền thống đó, tàu phóng lôi Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh trong thời đại ngày nay. Các thủy thủ của ta đã chiến đấu rất dũng cảm, nhưng trận đánh này cũng bộc lộ nhiều thiếu sót chiến thuật và những hạn chế thuộc về tính chất của tàu phóng lôi:
- Thứ nhất, hạn chế cơ bản của tàu phóng lôi cũng như các tàu tên lửa cao tốc hiện nay, đó là tập trung vào vũ khí chống tàu chính (ngư lôi và tên lửa chống tàu) và tốc độ cao, nên khả năng chống ngầm, phòng không rất yếu. Vì vậy, tàu phóng lôi, cũng như tàu tên lửa cao tốc phải nằm trong biên đội tàu chiến đấu, có phương tiện, khí tài săn ngầm, có phòng không đủ mạnh mới có thể phát huy hiệu quả.
- Thứ hai, để phát huy được khả năng tấn công nhanh, bảo toàn được lực lượng tránh đòn phản công đáp trả của quân địch, tàu phóng lôi phải giữ được yếu tố bất ngờ, dựa vào địa hình, thời tiết…
Trong trận đánh ngày 2/8/1964, theo như kế hoạch rất tài tình của Tham mưu Hải quân, biên đội tàu phóng lôi hành quân từ cảng Vạn Hoa đến vị trí tập kết lúc 2h sáng, đánh địch trong đêm, ở vị trí gần bờ, gần đảo, đánh bất ngờ và rút lui nhanh chóng.
Thêm vào đó, để chống lại các máy bay F-8 rất nguy hiểm của địch, hai tàu pháo K-210A mang số hiệu 140 và 146 đóng ở Thanh Hóa cũng được lệnh ra khơi, sử dụng pháo 37mm, đại liên 14,5mm gắn trên tàu để yểm hộ cho biên đội tàu phóng lôi của ta. Trong đêm, máy bay địch đã rất khó hoạt động hiệu quả, lại vướng phải hỏa lực phòng không của tàu pháo, sẽ bị đánh hất lên cao, tạo điều kiện cho tàu phóng lôi tiến vào công kích.
Biên đội 3 tàu phóng lôi (dấu đỏ) trong trận đánh tàu Maddox ngày 2/8/1964. |
Nhưng thực tế đã diễn ra hoàn toàn khác, do sóng to gió lớn, tàu phóng lôi hành quân đến quá muộn, khi đã 8h sáng. Lúc này, tàu Maddox đã di chuyển lên phía tây bắc Hòn Mê. Tình hình chiến thuật đã khác. Nhưng do nôn nóng, muốn lập công, ta vẫn cho biên đội tàu xuất kích giữa trưa, và ở địa hình trống trải không có chi viện. Phối hợp tác chiến hết sức lỏng lẻo tuỳ tiện. Ý định là phải thống nhất kế hoạch với tàu tuần tiễu đi theo yểm trợ trước, rồi mới xuất kích.
Nhưng biên đội tấn công vừa tới nơi thì đã được lệnh xuất kích ngay. Tàu phóng lôi có tốc độ gấp 3 lần tàu tuần tiễu nên giãn cách giữa hai đội tàu ngày càng xa, đội tàu tuần tiễu giữa đường phải quay trở lại, để biên đội phóng lôi đi đánh đơn độc. Lúc này sở chỉ huy tìm cách gọi tàu về, nhưng đã mất liên lạc với các tàu, đành phải đợi thông báo tình hình từ các trạm quan sát bằng mắt. Điều này dẫn đến tàu hải quân ta bị máy bay địch quây đánh dồn dập, phóng rocket gây thiệt hại nặng nề, thủy thủ bị hi sinh.
Khi thực hành phóng lôi, hoặc sử dụng các loại hoả lực khác, đều phải có sự hiệp đồng chặt chẽ, để cả phân đội đồng loạt công kích mới đem lại hiệu quả cao. Trong trận chiến đấu này, tàu ta bị hạn chế về tốc độ, nên không chiếm được góc mạn có lợi theo yêu cầu chiến thuật. Hầu hết các tàu đều phải phóng lôi ở góc từ 80-120 độ, cự li từ 6-7 liên do vậy hiệu quả rất hạn chế, ngư lôi bị tàu địch đánh chặn bằng bom chìm. Mặt khác, các tàu lại không áp dụng thủ đoạn phóng lôi đồng loạt mà phóng lần lượt từng tàu, nên địch có điều kiện và thời gian để đối phó...
Sau khi phóng lôi xong, đến giai đoạn thực hành đánh máy bay địch thì hầu hết vũ khí và phương tiện đều bị trục trặc (tàu 339 cả hai loại súng trung liên và 14,5mm đều bị hỏng; tàu 333 khi tiếp cận tàu địch thì chỉ còn một quả ngư lôi, một quả trước đó phải phóng bỏ vì không an toàn; tàu 336 bị hết dầu giữa đường do bị bắn thủng két dầu…).
Việc chuẩn bị mạng thông tin liên lạc cho tác chiến biển cũng còn những hạn chế. Trong suốt quá trình chiến đấu, mạng thông tin liên lạc giữa phân đội tàu với trung tâm chỉ huy liên tục bị gián đoạn. Do đó, việc điều động lực lượng hỗ trợ đánh trả không quân địch gần như không thực hiện được.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: