Tàu chiến Philippines mua đối phó TQ mạnh cỡ nào?

Tàu chiến Philippines mua đối phó TQ mạnh cỡ nào?
Theo đó, quyết định về mua 2 khinh hạm lớp Maestrale từ Italy đã được quan chức quốc phòng cấp cao nước này tiết lộ. Việc mua 2 khinh hạm này nằm trong kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự nhằm đối phó với Trung Quốc trong việc tranh chấp trên biển.
Khinh hạm lớp Maestrale được xây dựng bởi Tập đoàn Fincantieri cho Hải quân Italy vào năm 1982. Loại tàu này được thiết kế chủ yếu cho nhiệm vụ chiến tranh chống ngầm nhưng vẫn có khả năng thực hiện một loạt các nhiệm vụ khác như chống tàu mặt nước và phòng không.
Khinh hạm săn ngầm lớp Maestrale của Hải quân Italy.
Khinh hạm săn ngầm lớp Maestrale của Hải quân Italy.

Lớp Maestrale là biến thể phát triển nâng cấp từ lớp Lupo với một vài sửa đổi trong tải trọng và cấu hình vũ khí. Tàu có chiều dài 122,7m, rộng 12,9m, mớn nước 4,2m và lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.100 tấn.
Cấu trúc thượng tầng của tàu được làm bằng hợp kim nhẹ, thân tàu chia thành 15 khoang kín nước làm tăng khả năng nổi trong trường hợp bị trúng đạn. Phần thân tàu phía dưới nước được trang bị  vây ổn định nhằm làm tăng độ ổn định cho tàu trong điều kiện di chuyển tốc độ cao.
Cảm biến chính của tàu là radar RAN-10S/SPS-774 hoạt động ở băng tần S. Tuy vậy radar này có phạm vi tìm kiếm mục tiêu tương đối hạn chế chỉ khoảng 150km. Ngoài ra tàu còn được trang bị radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước SMA SPS-702 , radar hàng hải SMN SPS-703 và radar điều khiển hỏa lực SPG-75 cho tên lửa chống tàu cùng 2 radar điều khiển hỏa lực cho pháo hạm 127mm.
Cụm ống phóng ngư lôi cỡ 324mm trên tàu lớp Maestrale.
Cụm ống phóng ngư lôi cỡ 324mm trên tàu lớp Maestrale.

Được thiết kế làm nhiệm vụ săn tàu ngầm nên hệ thống trinh sát, tìm kiếm tàu ngầm của khinh hạm lớp Maestrale khá mạnh bao gồm hệ thống định vị thủy âm biển sâu DE1164 và hệ thống định vị thủy âm gắn ở sườn tàu DE1160B.
Để tấn công tiêu diệt tàu ngầm, Maestrale trang bị 2 ống phóng ngư lôi hạng nặng cỡ 533mm và 2 cụm ống phóng ngư lôi hạng nhẹ cỡ 324mm (mỗi cụm 3 ống).
Ngoài ra, đuôi tàu có sàn đáp cung cấp hoạt động cho 2 trực thăng hải quân AB-212 (mang được ngư lôi hạng nhẹ, tên lửa chống tàu). Tuy nhiên Philippines cũng có thể thay thế bằng các loại trực thăng chống ngầm khác khác. Có thể nói, nếu về Đông Nam Á, Maestrale được coi là chiến hạm chống ngầm mạnh nhất khu vực.
Trong tác chiến chống tàu mặt nước, hỏa lực Maestrale cũng khá đáng gờm, thậm chí mạnh hơn một số tàu hiện đại ở trong khu vực. Theo đó, Maestrale trang bị tổ hợp tên lửa hành trình chống tàu cận âm Otomat MK2 (4 đạn tên lửa).
Otomat Mk2 nặng 770kg (với tầng đẩy phụ), dài 4,46m, lắp đầu đạn nặng 210kg. Tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp quán tính, GPS và radar chủ động pha cuối. Tầm bắn của tên lửa xa đến 180km (vượt xa hơn Kh-35 Uran; RGM-84 Harppon hay MM40 Exocet trang bị trên chiến hạm khu vực Đông Nam Á).
Tên lửa hành trình chống tàu Otomat Mk2 rời bệ phóng.
Tên lửa hành trình chống tàu Otomat Mk2 rời bệ phóng.

Trong tác chiến phòng không, Maestrale trang bị tổ hợp tên lửa hải đối không tầm trung Aspide có tầm bắn xa đến 25km. Phạm vi hỏa lực của Aspide giúp Maestrale “mạnh hơn” so với hỏa lực phòng không trên tàu hộ vệ Gepard của Việt Nam, Lekiu của Malaysia và cả các tàu chiến của Indonesia.
Ngoài vũ khí tên lửa, Maestrale còn trang bị pháo hạm bắn nhanh Otobreda cỡ nòng 127mm bắn xa 30km và 2 pháo phòng không cao tốc 40mm DARDO (tầm xa 4km, tốc độ bắn 1.000 phát/phút).
Nhìn chung, tuy đã ra đời từ khá lâu nhưng hỏa lực của Maestrale khá mạnh, tương đương hoặc hơn một chút với các chiến hạm hiện đại ra đời sau trang bị trong Hải quân Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.
Hệ thống động lực của tàu thuộc dạng kết hợp gồm 2 động cơ tuabin khí LM-2500 cùng với 2 động cơ diesel BL-230-20DVM cung cấp tổng công suất 67.000 mã lực. Tàu có hệ thống truyền động 2 trục với chân vịt có 5 lá hoạt động rất êm. Hệ thống động cơ được điều khiển từ xa bởi một hệ thống điện tử kỹ thuật số được gọi SEPA-7206.
Tàu có tốc độ tối đa 33 hải lý/h, phạm vi hoạt động khoảng 6.000 hải lý, thủy thủ đoàn 225 người trong đó có 24 sĩ quan và 201 thủy thủ.
Không chỉ có sân đáp rộng rãi, Maestrale còn được thiết kế nhà chứa cho 2 trực thăng.
Không chỉ có sân đáp rộng rãi, Maestrale còn được thiết kế nhà chứa cho 2 trực thăng.

Tuy con tàu đã ra đời khá lâu, thiết kế theo công nghệ những năm 1980 nhưng theo tuyên bố của quan chức Philippines sẽ mua 2 tàu mới hoàn toàn, không phải nhập khẩu 2 tàu đã qua sử dụng. Vì vậy, đó có thể là lớp Maestrale cải tiến, hệ thống điện tử và vũ khí được hiện đại hóa mạnh mẽ hơn nữa.
Cũng có nguồn tin cho rằng, thông tin về việc Philippines mua 2 tàu mới lớp Maestrale là “lỗi dịch thuật” (nghĩa là 2 tàu mới không phải thuộc lớp Maestrale mà thuộc lớp tàu khác).
Tuy nhiên, thông tin mua tàu chiến mới được công khai từ cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines là loại tin đặc biệt quan trọng mà các nhà báo Philippines, quốc tế phải hết sức cẩn trọng trong viết, dịch (chuyển từ tiếng địa phương sang tiếng Anh). Nếu xảy ra sai sót thì đáng lý việc này đã phải được đính chính, nhưng điều này không xảy ra (thông tin đưa cách đây vài ngày). Và vì thế việc Philippines muốn mua 2 tàu chiến mới thuộc lớp Maestrale có thể là chính xác hoàn toàn.

Đọc nhiều nhất

Toàn cảnh bên trong nhà máy sản xuất súng lớn nhất Việt Nam

Toàn cảnh bên trong nhà máy sản xuất súng lớn nhất Việt Nam

(Kiến Thức) - Nhà máy Z-111 Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng hiện nay là nhà máy sản xuất súng bộ binh trong biên chế quân đội ta lớn nhất hiện nay, với nhiều công nghệ cũng như quy trình hàng đầu thế giới, cho ra các sản phẩm chất lượng, đáng tin cậy.
Lý do Mỹ không thể dùng bom hạt nhân ở Việt Nam

Lý do Mỹ không thể dùng bom hạt nhân ở Việt Nam

(Kiến Thức) - Quân đội Mỹ từng tính toán tới việc ném bom nguyên tử xuống Việt Nam, bỏ qua mọi yếu tố về nhân đạo và chính trị, Mỹ vẫn từ bỏ ý định này vì cần tới... 3000 quả bom mới đủ.
 

Tin mới