Chiêu trò quảng cáo tinh vi
Để thuyết phục nhà đầu tư, Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh tung ra hàng loạt hình ảnh vườn sâm Ngọc Linh đã được trồng bài bản, một số hình ảnh đẹp, bắt mắt; trong đó, có một số trùng khớp với vườn sâm của các công ty trồng sâm được tỉnh Kon Tum cấp phép trồng tại núi Ngọc Linh. Cùng với đó là các dự án trồng, bảo tồn sâm Ngọc Linh tại hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam được Nhà nước tài trợ hàng chục nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, nhân viên Tập đoàn Mỹ Hạnh cho biết để phát triển sâm Ngọc Linh ra thị trường quốc tế, Tập đoàn Mỹ Hạnh được Nhà nước hỗ trợ gói vay 16.000 tỉ đồng, tương ứng với 70%, còn 30% phải có vốn tự có của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp đi huy động từ các nhà đầu tư.
Thậm chí, doanh nghiệp này còn đăng tải những video clip với hình ảnh cán bộ nhân viên của công ty đi đến các vườn sâm, thể hiện việc Tập đoàn Mỹ Hạnh đang hợp tác với một số công ty ở Quảng Nam để trồng sâm Ngọc Linh.
Video clip của Tập đoàn Mỹ Hạnh, quảng cáo về hợp tác trồng sâm Ngọc Linh với doanh nghiệp khác
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này không ngần ngại đưa ra hàng loại chứng nhận, giải thưởng như “Top 10 Thương hiệu mạnh quốc gia” năm 2022”, “Top 10 Thương hiệu Sản phẩm Dịch vụ Chất lượng cao Asean” năm 2022, “Sản phẩm Vàng vì Sức khoẻ Cộng đồng” năm 2021, được vinh danh Top 10 "Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam" và đạt Top 30 "Doanh nghiệp tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững" năm 2021… nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Đặc biệt, Tập đoàn Mỹ Hạnh không ngần ngại đưa ra các hợp đồng tác đầu tư với lợi nhuận 2,0%/tháng và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần lãi suất lên đến 2,5%/tháng.
Với chiêu trò tinh vi, không ít nhà đầu tư đã tin tưởng mà bỏ tiền vào các “Hợp đồng hợp tác đầu tư góp vốn hợp tác đầu tư trồng sâm Ngọc Linh” của Tập đoàn Mỹ Hạnh, thậm chí có người lôi kéo cả anh em, gia đình đầu tư vào doanh nghiệp này. Số tiền đầu tư giao động từ hàng trăm đến vài tỷ đồng.
Thực hư gói tài trợ 16.000 tỷ đồng và vườn trồng sâm Ngọc Linh
Chỉ đến khi Tập đoàn Mỹ Hạnh chậm trả tiền, có dấu hiệu thoái thác và không thể liên lạc được với ban lãnh đạo công ty, nhà đầu tư mới nhận ra có những điểm “bất thường” trong vụ đầu tư này và gửi đơn trình báo tới Công an quận Cầu Giấy - nơi Tập đoàn Mỹ Hạnh đặt trụ sở chính, tại số 39 Nguyễn Quốc Trị, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Theo đó, qua bước đầu xác minh, cho thấy không có gói vay ưu đãi 16.000 tỷ nào của Chính phủ cho công ty này, cũng không có những dự án trồng sâm được cấp phép tại các địa phương liên quan là tỉnh Quảng Nam và Kon Tum như doanh nghiệp này quảng cáo.
Hiện tại nhà đầu tư vẫn đang tìm cách để liên hệ với lãnh đạo Tập đoàn Mỹ Hạnh đòi quyền lợi |
Các hình ảnh, video clip về các vườn sâm được dùng để quảng cáo cho sự hợp tác giữa Tập đoàn Mỹ Hạnh và các công ty khác cũng bị bóc mẽ là cắt ghép, dàn dựng, không hề có sự hợp tác nào giữa Tập đoàn Mỹ Hạnh và các công ty được nhắc đến trong các video clip này.
Ông Hồ Văn Dang - Phó chủ tịch UBND xã Trà Linh - cho biết trên địa bàn xã có 64 chốt trồng sâm của 722 hộ dân, trong đó có 7 công ty đã thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh.
Riêng Tập đoàn Mỹ Hạnh không có trong số doanh nghiệp này. Vì vậy thông tin Tập đoàn Mỹ Hạnh liên kết, hợp tác với doanh nghiệp khác trồng, phát triển sâm Ngọc Linh ở địa phương là không chính xác.
Được biết, Tập đoàn Mỹ Hạnh có khoảng 10 chi nhánh tại các địa phương, công an đang điều tra hoạt động huy động vốn này có diễn ra tại các địa phương khác. Dòng tiền của công ty đã đi đâu và sử dụng vào mục đích nào đang được làm rõ.
Trung tá Nguyễn Ngọc Minh - Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, về mặt hình thức, những bản hợp đồng này là thỏa thuận dân sự giữa hai bên. Tuy nhiên, nếu công an làm rõ các dự án không có thật thì đây chính là cách đối tượng sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.