Kết quả dự báo trước
Xuyên suốt quá trình phát triển không ngừng của đất nước sau ngày thống nhất, TP.HCM luôn được nhắc tới với cái tên "đầu tàu kinh tế của cả nước" với đóng góp của địa phương này đối với ngân sách Trung ương luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các tỉnh, thành.
Tuy nhiên, mới đây theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhưng khi nhìn lại quãng thời gian dài, những dấu hiệu phát triển chậm lại của TP.HCM đã tồn tại nhiều năm qua. Và điều này cũng không quá bất ngờ khi nhiều chuyên gia đã dự báo được trước.
Theo các chuyên gia đánh giá, thứ nhất, nguyên nhân chính kéo tăng trưởng kinh tế của TP.HCM xuống thấp là khối tăng trưởng khu vực dịch vụ (ngành chiếm 66% cơ cấu kinh tế của TP.HCM), chỉ đạt 2,07%, trong khi năm 2022, khu vực này tăng trưởng trên 8,3%.
Như, cảng Cát Lái vốn chiếm 40% lượng hàng container cả nước, đóng vai trò quan trọng trong GDRP của TP.HCM nhưng thời gian qua hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh khiến công suất cảng chỉ còn dưới 50%.
Hay hàng loạt dự án bất động sản của khối tư nhân không triển khai được, thị trường giao dịch vắng lặng. Đặc biệt là TP về dịch vụ thương mại nhưng nguồn khách du lịch quốc tế chưa phục hồi kéo theo nhiều ngành dịch vụ từ lưu trú, ăn uống, mua sắm vắng vẻ.
Thứ hai, khu vực công nghiệp và xây dựng (chiếm tỷ trọng 20% cơ cấu kinh tế của TP.HCM) giảm 3,6%. Kinh tế toàn cầu khó khăn khiến đơn hàng của nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu giảm mạnh, trong khi TP.HCM là trung tâm kinh tế - dịch vụ của cả nước, nên bị ảnh hưởng.
Theo TS Trần Du Lịch, nguyên nhân của sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế của TP.HCM là địa phương này đã bỏ hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích nền kinh tế khi chỉ giải ngân được 2% tổng số vốn giao (43.443 tỉ đồng), tức khoảng 951 tỷ đồng.
Cùng với đó, địa phương này cũng không sử dụng hiệu quả công cụ hấp thụ vốn cả ở đầu tư công và đầu tư tư nhân. Hàng trăm dự án hiện tắc nghẽn, không hấp thụ được vốn. Ngoài ra, công cụ phát triển thị trường nội địa cũng chưa được TP phát huy.
Các chuyên gia cho rằng, giải ngân đầu tư không tương ứng là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng hiện nay của TP.HCM. Theo TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam phân tích: “Chi ngân sách nói chung, đầu tư từ ngân sách nói riêng đang là điểm nghẽn. Mức chi chung giảm 8,5% và chi đầu tư chỉ có 487 tỷ đồng, đạt 1,1% dự toán, bằng 24,5% so với cùng kỳ. Trong gần 60 ngày làm việc của quý I, con số chi hơn 8 tỷ đồng mỗi ngày cho nền kinh tế có quy mô 1,5 triệu tỷ đồng”.
Tốc độ tăng trưởng của TP.HCM bị sụt giảm - Ảnh minh họa, nguồn: nld.com.vn |
Đâu là nguyên nhân?
Nếu so sánh với các địa phương khác, thực tế việc giải ngân vốn đầu tư công, nhìn chung nhiều năm trở lại đây tại các địa phương đều chậm giải ngân, chậm triển khai đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông chứ không riêng gì TP.HCM.
Ví dụ như nhiều tỉnh, thành tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quá thấp, Chính phủ đã phải lập tổ công tác, thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo thống kê của Bộ Tài Chính vào tháng 01/2023, có tới 7 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 50%.
Về hạ tầng, nhiều ý kiến nhận xét, TP.HCM thiếu đầu tư hạ tầng tương ứng với quy mô, tốc độ phát triển. Như tuyến đường sắt đô thị metro của TP HCM kéo dài cả thập kỷ vẫn chưa triển khai xong.
Tuy nhiên, tại Hà Nội tất cả các tuyến metro (đường sắt trên cao) cũng đều chậm triển khai, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng, đến nay mới chính thức có tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động sau thời gian dài đằng đẵng.
Đối với các dựa án của khối tư nhân, nổi bật là các dự án bất động sản, mới đây TP.HCM đã phải mở nhiều cuộc họp để bàn, tháo gỡ thủ tục cho 156 dự án bất động sản chậm tiến độ sau nhiều năm không được triển khai, chưa có “lối thoát”, có nhiều lý do trong đó là thủ tục hành chính rườm rà, quy định pháp luật chưa đồng bộ.
Tại Hà Nội từ năm 2018 trở lại đây địa phương này cũng “gắt gao” rà soát hàng trăm dự án bất động sản vốn ngoài ngân sách nhưng chậm triển khai, thậm chí bỏ hoang trên thập ký, gây lãng phí, thậm chí phải ra hàng loạt quyết định thu hồi, và cũng có nguyên nhân từ công tác quy hoạch và thủ tục hành chính.
Nhiều tỉnh, thành khác cũng xảy ra tình trạng tương tự khi vướng mắc nhiều thủ tục hành chính, đã kéo lùi tốc độ quy hoạch và thực hiện quy hoạch khiến nhiều nhà đầu tư phải “lùi bước”.
Nhìn nhận ở góc độ rộng, tổng quát, các chuyên gia đánh giá, không chỉ TP.HCM các địa phương khác nhìn chung cũng không sáng sủa. Để duy trì tăng trưởng các địa phương cần cần thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước rót vốn, cải thiện môi trường đầu tư. Điều này cũng có nghĩa là phải giải được “nút thắt” chính sách, thủ tục hành chính và hạ tầng.