Với câu hỏi này, các nhà sử học đã từng đưa ra nhiều đáp án dựa trên phân tích các góc độ và khía cạnh khác nhau, bao gồm phát triển kinh tế, cải cách của Thương Ưởng (thừa tướng của nước Tần), tình hình biến đổi xã hội...
Tuy nhiên, có một ẩn số ít khi được đề cập đến chính là lời tiên đoán từng được sử gia Tư Mã Thiên nhiều lần nhắc đến trong "Sử ký". Lời tiên đoán này được cho là báo trước sự thống nhất của nhà Tần.
Lần thứ nhất, theo ghi chép của Tư Mã Thiên, vào năm 274 TCN, tức năm thứ 2 thời Chu Liệt Vương (vị vua thứ 34 của nhà Chu), Thái Sử Đảm, vị quan nhà Chu, đã nói với vị quân chủ thứ 29 của nước Tần là Tần Hiến Công, rằng: "Nhà Chu với nước Tần trước hợp rồi lại ly, ly 500 năm rồi lại hợp, khi hợp được 17 năm thì xuất hiện bá vương".
Câu nói này tiên đoán rằng nước Tần sẽ xuất hiện bá vương, hay người Tần sẽ thống nhất thiên hạ. Từ đó tiên đoán này cũng bí mật được lưu truyền qua các đời vua Tần.
Ý trời đã định, Tần Thủy Hoàng ứng với vận mệnh mà sinh ra, sau đó ông lập thành tựu lớn thống nhất giang sơn, trở thành vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Lần thứ hai, lời tiên đoán trên được nhắc đến trong "Tần Bản kỷ" vào năm thứ 11 thời Tần Hiếu Công. Lần thứ 3, sử gia Tư Mã Thiên đề cập tới tiên đoán này trong "Sử ký – Phong Thiện thư". Lần thứ 4, tiên đoán lại một lần nữa được nhắc tới trong "Sử ký – Lão Tử, Hàn Phi liệt truyện".
Việc 4 lần nhắc tới lời tiên đoán nước Tần xuất hiện bá vương, thống nhất thiên hạ, của Tư Mã Thiên có thể cho thấy dụng ý khác thường của vị sử gia nổi tiếng này.
Nửa vế đầu của câu tiên đoán trên là "Nhà Chu với nước Tần trước hợp rồi lại ly". Ý của nửa câu này muốn nói rằng nước Tần được thành lập là do từ nhà Chu. Theo đó, Tần Phi Tử, vị quân chủ khai quốc của nước Tần, là con của một vị quan phục vụ cho nhà Tây Chu. Sau đó, Tần Phi Tử được Chu Hiếu Vương, vị vua thứ 8 của nhà Chu, phong cho một thái ấp nhỏ ở Tần, còn được gọi là Tần Doanh.
Đến thời Tần Tương Công, vị vua thứ 6 của nước Tần, mới được nhà Chu chính thức phong là chư hầu, chính là nước Tần.
"Ly 500 năm rồi lại hợp", tương ứng với 500 năm sau khi Chu Bình Vương (vị vua thứ 13 của nhà Chu) dời đô sang phía đông (năm 779 TCN), quyền lực của nhà Chu dần giảm sút. Từ thời Bình Vương trở về sau, các vị vua của nhà Chu chỉ cai trị trên danh nghĩa, trong khi quyền lực thực sự lại nằm ở trong tay các chư hầu hùng mạnh.
Năm 256 TCN, Tần Chiêu Tương vương, vị vua thứ 33 của nước Tần, sai đại tướng mang quân vào đánh Tây Chu, bắt Chu Noãn Vương (vị vua thứ 37 của nhà Chu) đêm về Hàm Dương, kinh đô của nước Tần thời Chiến Quốc. Bảy năm sau, vào năm 249 TCN, Tần Trang Tương Vương (vị vua thứ 35 của nước Tần) sai Lã Bất Vi mang 10 vạn quân đi đánh Đông Chu, từ đó nhà Chu mất hẳn.
Tính từ năm 256 TCN đến năm 238 TCN, Tần Thủy Hoàng (vị vua thứ 36 của nước Tần) chính thức nhiếp chính sau khi lên ngôi Tần Vương được 9 năm, là khoảng 17 năm. Chính thời gian này, Tần Thủy Hoàng đã dẹp loạn Lao Ái, quét sạch lực lượng của Lã Bất Vi và độc chiếm quyền lực.
Quyền lực tối thượng của nước Tần lúc bấy giờ đều nằm trong tay Tần Thủy Hoàng. Theo như vế sau của lời tiên đoán trên thì 17 năm sau nước Tần sẽ xuất hiện bá vương. Người đó chính là Tần Thủy Hoàng. Chính từ thời điểm Tần Thủy Hoàng nắm đại quyền trong tay, tham vọng thống nhất thiên hạ dần mở ra.
Trong năm 238 TCN, tại cố đô thành Ung Châu, Tần Thủy Hoàng khi đó mới 22 tuổi đã làm lễ đăng quang và chính thức nhiếp chính. Theo Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ, sau khi nhiếp chính, Tần Thủy Hoàng tăng tốc thực hiện tham vọng tiêu diệt 6 nước chư hầu. Chiến lược của Tần Thủy Hoàng là công phá các nước gần, sau đó tiến đánh các nước xa, đặc biệt tập trung lực lượng và tiêu diệt từng bộ phận. Theo đó, nước Tần thôn tính nước Triệu đầu tiên, sau là Ngụy, phía Nam là Hàn, sau cùng tiến đánh các nước Yên, Sở và Tề.
Đến năm 221 TCN, cả 6 nước chư hầu đã hoàn toàn bị đánh bại. Cùng năm đó, Thần Thủy Hoàng tự xưng là Thủy Hoàng Đế, vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Kể từ khi chính thức nhiếp chính cho đến khi hoàn thành bá nghiệp thống nhất thiên hạ, Tần Thủy Hoàng chỉ mất chưa đầy 20 năm.
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng độ chính xác của lời tiên đoán từng được sử gia Tư Mã Thiên nhiều lần nhắc lại thật đáng sợ. Tuy nhiên, theo quan điểm của các nhà sử học thời nay, lời tiên đoán trên có tồn tại hay không đều không quan trọng. Bởi điều đáng quan tâm là tiên đoán này đã phản ánh những cảm xúc của người dân lúc bấy giờ mong muốn sự thống nhất sau mấy trăm năm đất nước bị chia cắt và chiến tranh liên miên.