Các nhà khoa học nói rằng tàn phá môi trường chính là cuộc khủng hoảng thực sự ở Biển Đông nhưng ít được quan tâm, một phần vì việc đánh cá quá mức của tất cả các nước ven biển đang làm suy giảm đáng kể về trữ lượng.
Đầu năm nay, nhà phân tích Rachael Bale của National Geographic, người đã viết khá nhiều về Biển Đông, đã viết: "Trong khi các chính trị gia tranh luận về quốc gia nào kiểm soát khu vực (Biển Đông), ngành đánh bắt cá ... đang trên bờ vực sụp đổ”.
Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên (The Nature Conservancy), đánh cá quá mức là một vấn đề nghiêm trọng và phổ biến trên toàn thế giới. Bà Maria Damanaki, giám đốc về vấn đề đại dương toàn cầu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên, giải thích rằng "khi số lượng cá ở độ tuổi sinh sản quá ít, chúng chỉ đơn giản không thể sinh sản”. Theo bà, đây là "một tình huống thua cuộc cho cả ngư dân lẫn các nhà bảo tồn”. Vấn nạn đánh bắt quá mức đặc biệt tệ hại trong trường hợp Biển Đông.
Theo các nhà nghiên cứu của Đại học British Columbia, Biển Đông - có diện tích hơn 3,5 triệu cây số vuông - là một trong năm vựa cá hàng đầu thế giới.
Ngành đánh bắt cá sử dụng hơn 3 triệu lao động, đóng góp rất lớn cho thương mại toàn cầu và cung cấp một nguồn protein quan trọng cho hàng triệu người sống trong các quốc gia phụ thuộc vào nó.
Ngoài ra, các chuyên gia tin rằng có trữ lượng dầu khí khổng lồ chưa được khai thác bên dưới vùng biển đang tranh chấp.
Sĩ quan Không lực Mỹ Adam Greer nói rằng tranh chấp Biển Đông có thể được tổng hợp bằng công thức 3P (politics, petroleum, protein) -"chính trị, xăng dầu và protein". Trong một bài viết đăng trên tờ Diplomat, nhà nghiên cứu Adam Greer cho rằng protein có nguồn gốc từ cá có thể là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tranh chấp ở Biển Đông.
Theo chuyên gia về sinh học biển McManus, việc ngư dân Trung Quốc đã sử dụng máy móc đào bới các rạn san hô để bắt loài trai khổng lồ, gây thiệt hại lớn đến môi trường sống và quá trình sinh sản của nhiều loài cá biển. Việc Trung Quốc hút cát sỏi dưới đáy biển đắp “đảo nhân tạo” trái phép ở Biển Đông còn gây ra những thiệt hại nghiêm trọng gấp bội cho môi trường biển.
Việc ngư dân Trung Quốc ráo riết đánh bắt loài trai khổng lồ đã phá huỷ các rạn san hô với quy mô lớn. Ảnh: Wired |
Việc ngư dân Trung Quốc ráo riết đánh bắt loài trai khổng lồ đã phá huỷ các rạn san hô với quy mô lớn, mặc dù tốc độ đánh bắt hiện đang chậm lại.
Sở dĩ loài trai khổng lồ bị ngư dân Trung Quốc tận diệt vì vỏ của nó có giá trị tương tự ngà voi trong việc chế tác các đồ trang sức để bán cho du khách đến đảo Hải Nam. Một số cư dân Trung Quốc coi thịt trai khổng lồ là một món ăn đặc sản và và một thứ thần dược kích thích tình dục.
Việc chính phủ Trung Quốc cấm buôn bán và chế tác ngà voi cũng khiến cho giá trai khổng lồ ngày càng leo cao. Điều này có thể dẫn đến tình trạng buôn lậu và thúc đẩy hành động đánh bắt trai khổng lồ trái phép, hủy diệt môi trường Biển Đông.
Chuyên gia McManus nói rằng việc quản lý môi trường biển một cách hiệu quả đòi hỏi các mối quan hệ hòa bình giữa các quốc gia có ngư dân và lực lượng Cảnh sát biển liên tục đụng độ với nhau trong những năm gần đây ở Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia của Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng quần đảo Hoàng Sa có ý nghĩa "quan trọng đối với mọi nỗ lực của Trung Quốc trong tương lai để thống trị Biển Đông". Chỉ có điều, do tranh chấp lãnh thổ kéo dài, môi trường và hệ sinh thái ở Biển Đông sẽ tiếp tục phải trả giá đắt.
Theo các chuyên gia, tàn phá môi trường và hệ sinh thái chính là cuộc khủng hoảng thực sự đang diễn ra ở Biển Đông, nhưng nó lại bị lu mờ bởi các cuộc tranh cãi về chủ quyền giữa các nước ven vùng biển có ý nghĩa chiến lược này.