Tản mạn về hình tượng rồng trong lịch sử, văn hóa Việt Nam

Kể từ thời sơ sử cho đến nay, hình tượng rồng luôn gắn bó, hiện diện trong đời sống văn hóa, là biểu tượng của những phẩm chất cao đẹp và niềm tự hào dân tộc của người Việt qua các thời kỳ lịch sử.

Rồng trong quan niệm dân gian của người Việt
Mỗi người dân Việt Nam từ thuở ấu thơ đều được học bài học vỡ lòng về truyền thống dòng giống Rồng Tiên, với huyền sử Lạc Long Quân - Âu Cơ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, con trai Kinh Dương Vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh ra trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Vua đã bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên"...
Từ đó trải qua mấy nghìn năm lịch sử, các thế hệ người Việt truyền tụng rằng tổ tiên của chúng ta là dòng giống Tiên Rồng, tượng trưng cho những phẩm chất cao đẹp, tính nhân văn, tinh thần cao thượng, sức mạnh và lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam.
Vào thời nhà Lý, kinh đô mới của nước Đại Việt được đặt tên là Thăng Long, nghĩa là "Rồng bay lên", nêu bật tư thế vươn lên của dân tộc. Khí thế Rồng ấy vẫn đồng hành cùng đất nước Việt Nam cho đến ngày hôm nay.
Tan man ve hinh tuong rong trong lich su, van hoa Viet Nam
Rồng trang trí trên lá đề có niên đại từ thời Lý, năm 1057, được tìm thấy tại chùa Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh. Hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Vào thời Hậu lê, xuất hiện quan niệm Tứ linh (bốn con vật thiêng), trong đó Rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh, tượng trưng cho uy quyền của vương triều. Ba vật thiêng kia là Lân (tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa), Quy (tượng trưng sự bền vững của xã tắc) và Phượng (tượng trưng cho sự thịnh vượng của triều đại).
Các triều đại phong kiến Việt đã đưa múa rồng trở thành loại hình múa nghệ thuật truyền thống không thể thiếu trong các lễ trọng của cung đình. Trong đời sống dân gian, rồng được thể hiện rất phong phú: múa rồng trên sân đình vào các dịp hội hè, lễ Tết; trò chơi rồng rắn lên mây của trẻ con; rồng trong tranh dân gian Đông Hồ, rồng trên giấy điệp...
Ngày nay, bước vào thời đại công nghiệp, kỹ thuật số, người Việt không quên kết nối giữa truyền thống và hiện đại, hình tượng con rồng Việt vẫn được ngưỡng mộ đưa vào các lĩnh vực của đời sống xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau.
Hình tượng rồng được trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, điêu khắc, chạm trổ. Hình rồng được thêu trên áo dài của các nhân vật nổi tiếng, múa rồng chào mừng các sự kiện trọng đại của quốc gia và cả trong lễ khai trương trang trọng của doanh nghiệp...
Khắp cả ba miền đất nước đều có những công trình, địa danh gắn với rồng, như: Hoàng thành Thăng Long, vịnh Hạ Long, đảo Bạch Long Vĩ, cầu Long Biên, cầu Thăng Long, cầu Hàm Rồng, tỉnh Vĩnh Long, thành phố Long Xuyên, sông Cửu Long...
Các Bảo vật quốc gia nổi tiếng có hình tượng rồng
Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Việc công nhận danh hiệu Bảo vật quốc gia phải do chính Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
Sau đây là một số Bảo vật quốc gia có hình tượng rồng tiêu biểu của Việt Nam
Cột đá chùa Dạm (chùa Dạm, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) được xây dựng vào thế kỉ thứ 11, chạm nổi đôi rồng theo đồ án “lưỡng long hiến châu”, được coi là hiện vật điêu khắc hoành tráng, hoàn mỹ nhất của nhà Lý còn tồn tại đến nay.
Tan man ve hinh tuong rong trong lich su, van hoa Viet Nam-Hinh-2
Cột đá chùa Dạm.
Cửu Đỉnh nhà Nguyễn (Hoàng thành Huế) được đúc vào thời vua Minh Mạng, là một bộ sưu tập những hình ảnh mang tính biểu tượng về nước Việt xưa. Trong đó, hình tượng rồng có vị trí trang trọng, nổi bật trên Cao đỉnh, chiếc đỉnh được đặt ở vị trí trung tâm, ứng với khám thờ vua Gia Long trong Thế Miếu.
Tan man ve hinh tuong rong trong lich su, van hoa Viet Nam-Hinh-3
Hình tượng rồng trên Cao đỉnh.
Ngai vàng của các vua nhà Nguyễn (điện Thái Hòa, Hoàng thành Huế) được chạm khắc hình rồng tinh xảo, là biểu tượng quyền lực của triều Nguyễn. Hiện vật này được truyền qua 13 đời vua và vẫn được bảo tồn nguyên vẹn đến ngày nay.
Tan man ve hinh tuong rong trong lich su, van hoa Viet Nam-Hinh-4
Ngai vàng của các vua nhà Nguyễn.
Sập đá cổ ở đền thờ vua Đinh (Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình) có từ thế kỷ 17, được đánh giá là sập đá cổ đẹp và độc đáo bậc nhất Việt Nam. Sập có hai tay vịn hình rồng, bề mặt của sập được tạc nổi hình con rồng với dáng vẻ khỏe mạnh và uy dũng, tượng trưng cho uy quyền của Đinh Tiên Hoàng Đế.
Tan man ve hinh tuong rong trong lich su, van hoa Viet Nam-Hinh-5
Hình tượng rồng trên sập đá cổ ở đền thờ vua Đinh.
Cặp rồng đá nguyên khối chầu hai bên lối lên thềm trước điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội) được tạo tác vào thời Hậu Lê, là dấu tích đáng kể nhất còn lại đến ngày nay của cung điện Kính Thiên, nơi các vị  vua Việt xưa thiết triều và đưa ra những quyết sách cho cả dân tộc.
Tan man ve hinh tuong rong trong lich su, van hoa Viet Nam-Hinh-6
Rồng đá điện Kính Thiên.
Một số địa danh gắn với truyền thuyết về loài rồng ở Việt Nam
1. Nằm ở trung tâm thành Cổ Loa, đền Thượng hay đền thờ An Dương Vương gắn với một truyền thuyết về loài rồng được lưu truyền hàng ngàn năm qua.
Theo truyền thuyết này, sau khi lên ngôi, vua An Dương Vương đã tìm thấy một vùng đất lý tưởng để định đô. Khi đoàn thuyền của vua đến, nơi đây đang xảy ra một cảnh tượng lạ kỳ: Chín con rồng quần nhau để giành một hòn ngọc lớn. Khi cuộc chiến kết thúc, chỉ còn một con rồng trụ vững. Vua An Dương Vương đã dùng bảo kiếm của mình chọc thủng mắt rồng để chế ngự bản tính hung dữ của nó.
Tan man ve hinh tuong rong trong lich su, van hoa Viet Nam-Hinh-7
Cổng tam quan của đền thờ An Dương Vương.
Sau đó, vua cho dựng chính điện trên đầu rồng, nơi đền An Dương Vương được xây dựng sau này. Ngày nay trong khuôn viên đền còn hai hố tròn, chính là hai mắt của con rồng thuở nào. Hố không có nước là mắt rồng bị chột, còn hố có nước là mắt rồng còn lành...
2. Nằm ở huyện Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km, chùa Thầy là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Việt Nam. Không gian kiến trúc – cảnh quan của ngôi chùa này gắn liền với một truyền thuyết phong thủy được lưu truyền trong sử sách.
Tương truyền, khi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến vùng đất này và lập ra chùa Thầy thì dưới chân núi Sài Sơn đã có hồ nước. Phía trước hồ có một đồi đất lớn chạy từ khoảng giữa của dải núi nhô ra như một con rồng đang trườn mình uống nước hồ.
Tan man ve hinh tuong rong trong lich su, van hoa Viet Nam-Hinh-8
Hồ Long Chiểu ở chùa Thầy.
Từ đó, một ngôi chùa được xây dựng dựa theo dáng rồng của vùng đất. Mỗi công trình lại ứng với một bộ phận của con rồng trong truyền thuyết. Ba lớp chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, tạo thành đầu rồng. Cái đình nhỏ giữa hồ Long Chiểu là viên ngọc mà rồng ngậm trong miệng.
Hai bên chùa Hạ có cầu Nhật Tiêu Kiều và Nguyệt Tiêu Kiều, do "Trạng Bùng" Phùng Khắc Khoan cho xây để cung tiến chùa vào đầu thế kỷ 17 là cặp mí mắt rồng. Hai giếng nước đối diện với hồ Long Chiểu qua hai cây cầu chính là cặp mắt của rồng...
3. Nằm trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Lũng Cú là một địa điểm thu hút rất nhiều du khách ghé thăm vì đây là điểm cực Bắc của Việt Nam, nơi có cột cờ Lũng Cú nổi tiếng. Phía sau tên gọi địa danh Lũng Cú là một truyền thuyết về rồng mà không phải ai cũng biết.
Theo đó, khi xưa Đồng Văn là một vùng đá tai mèo khô cằn, hoang vu. Mùa đông lạnh giá, mùa hạ nóng nực. Bao bộ tộc đến đây định cư cũng phải bỏ đi. Ngày nọ, một con rồng bay xuống ngọn núi cao nhất của khu vực. Rồng say sưa ngắm cảnh núi non và rất hài lòng về điểm ngụ cư.
Song có điều làm rồng động lòng trắc ẩn, đó là nơi đây không có nguồn nước cho con người và các loài vật sinh tồn. Vì vậy, trước khi về trời, rồng đã để lại đôi mắt như một nguồn nước cho cuộc sống sinh sôi nảy nở.
Tan man ve hinh tuong rong trong lich su, van hoa Viet Nam-Hinh-9
Bức tranh phong cảnh nhìn từ cột cờ Lũng Cú
Ngọn núi trong câu chuyện cổ tích năm xưa được người đời gọi là núi Rồng, nơi cột cờ Lũng Cú tọa lạc ngày nay, và đôi mắt của Rồng để lại chính là hai hồ bán nguyệt nằm đối xứng nhau qua ngọn núi, mà đến giờ vẫn còn trong xanh...
Con giao long trong truyền thuyết Việt Nam thực ra là con gì?
Trong nhiều câu chuyện dân gian của người Việt có nhắc đến một loài thủy quái to lớn và đầy bí ẩn, được gọi là con giao long hoặc thuồng luồng. Đây là một loài vật như thế nào?
Theo miêu tả của người xưa, giao long sống ở các vùng nước lớn, có đầu hình rồng, mình giống rắn với đủ tứ chi, có sức mạnh siêu nhiên. Người Việt cổ thờ loài vật này như một biểu tượng sức mạnh, đồng thời để chúng sống hòa thuận với con người.
Trong nhiều truyền thuyết, giao long là thế lực tà ác hại người. Nhưng cũng có truyện kể giao long chỉ trừng phạt kẻ ác, còn với người lương thiện không gây hại, ngược lại còn dùng quyền năng để giúp họ vượt qua tai ương, có cuộc sống tốt đẹp, ví dụ như trong truyền thuyết về sự hình thành hồ Ba Bể.
Đã có nhiều ý kiến khác nhau về chân tướng của loài giao long. Đáng chú ý là quan điểm của nhà sử học Đào Duy Anh (1904-1988). Cuốn Lịch sử cổ đại Việt Nam (xuất bản năm 2005) dẫn lại nhận định của nhà sử học kỳ cựu: Giao long chính là cá sấu.
Tan man ve hinh tuong rong trong lich su, van hoa Viet Nam-Hinh-10
 Cá sấu được nuôi tại một trang trại ở TP HCM.
Xin trích dẫn nguyên văn: "Cứ những sự tình gặp giao long ở sông Dương Tử sách xưa chép đó và cứ hình trạng con giao long theo người xưa mô tả đó thì chúng ta thấy rằng loài giao long sách xưa chép đó chính là loài cá sấu lớn đời xưa có rất nhiều ở sông Dương Tử. Theo L. Aurousseau thì giống cá sấu lớn ấy mình dài đến 5, 6 mét, tiếng Pháp gọi alligator. [...] Người Hán tộc xưa gọi là alligator là giao long. Người mình gọi con crocodile là thuồng luồng mà sách chữ Hán của ta cũng gọi là giao long...".
Thiết nghĩ, với những ý kiến thuyết phục của nhà sử học Đào Duy Anh, bí ẩn truyền đời về loài giao long/thuồng luồng ở Việt Nam đã được làm sáng tỏ...
Rồng trong thành ngữ và tục ngữ Việt Nam
Là con vật huyện thoại nhưng phổ biến, vừa cao quý, độc đáo, diệu kỳ lại vừa thân quen, gần gũi và giàu ý nghĩa biểu tượng, rồng được lấy làm hình ảnh ẩn dụ sinh động cho nhiều câu thành ngữ, tục ngữ thâm thúy của người Việt. Sau đây là một số câu tiêu biểu:
- Ăn như rồng cuốn: Ăn nhanh, ăn đến đâu hết đến đấy.
- Đẹp duyên cưỡi rồng: Lấy được người chồng lý tưởng.
- Rồng bay phượng múa: Hình dáng, đường nét tươi đẹp, uyển chuyển, phóng khoáng.
- Thêu rồng vẽ phượng: Bày vẽ, làm đẹp thêm.
- Nem rồng chả phượng: Món ăn ngon, cầu kỳ và sang trọng.
- Nói như rồng cuốn: Nói những lời hay ý đẹp nhưng nói suông, chẳng bao giờ thực hiện điều gì mình đã nói, đã hứa.
Tan man ve hinh tuong rong trong lich su, van hoa Viet Nam-Hinh-11
Hình tượng "lưỡng long chầu nguyệt" trên mái nhà bia của lăng Ông Bà Chiểu, TP HCM.
- Rồng đến nhà tôm: Người cao sang đến thăm kẻ thấp hèn (thường thấy trong lời ngoại giao, nói nhún nhường của chủ nhà với khách).
- Như rồng gặp mây: Gặp người, gặp hoàn cảnh tương hợp, thỏa lòng mong mỏi khát khao.
- Vẽ rồng vẽ rắn: Bày vẽ lôi thôi, luộm thuộm, rườm rà.
- Vẽ rồng ra giun: Có mục đích hay, tham vọng lớn nhưng do bất tài nên chỉ tạo ra sản phẩm xấu, dở.
- Rồng tranh hổ chọi: Hai đối thủ hùng mạnh giao đấu.
- Rồng vàng tắm nước ao tù: Người tài giỏi ở trong hoàn cảnh bó buộc, bất lợi hoặc phải chấp nhận chung sống với kẻ kém cỏi.
- Rồng nằm bể cạn phơi râu: Trạng thái thờ ơ vì bất lực của người vốn tài giỏi nhưng bị đặt trong môi trường khó hoạt động, khó phát triển được.
- Cá chép hóa rồng: Chỉ học trò đi thi được đỗ đạt vinh hiển hoặc người được thỏa chí, toại nguyện, thành đạt.
- Dựa mạn thuyền rồng: Được vua chọn làm cung phi, làm vợ hoặc lấy được người giàu sang.
- Gái có chồng như rồng có vây, gái không chồng như cối xay chết ngõng: Một quan niệm xưa, đề cao vai trò của người đàn ông, khẳng định phụ nữ cần thiết phải lập gia đình.
- Trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu: Tính tất yếu của sự bảo toàn, di truyền những giá trị và bản chất nòi giống.
- Mấy đời gỗ mục đóng nên thuyền rồng: Bản chất đã xấu thì khó thể trở thành người tốt, kẻ thuộc tầng lớp dưới khó thể lên địa vị cao.
- Rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa: Một cách dự báo và lý giải trạng thái thời tiết qua hiện tượng đám mây hình cột (như con rồng) từ phía biển vươn lên trời.
- Mả táng hàm rồng: Gặp may mắn, tự nhiên ngày càng phát đạt thịnh vượng, tưởng như do mồ mả tổ tiên được chôn vào chỗ đất đẹp.

Vì sao nhiều nền văn minh cổ xưa sùng bái loài rồng?

Một số nền văn minh cổ xưa sùng bái loài rồng. Đây được xem là sinh vật thần thoại bí ẩn có khả năng phi thường. Trong nhiều giai thoại, chúng được mô tả mang đến điều tốt đẹp nhưng cũng có khi mang đến tai ương. 

Vì sao nhiều nền văn minh cổ xưa sùng bái loài rồng?
Vi sao nhieu nen van minh co xua sung bai loai rong?
 Cách đây hàng trăm, hàng ngàn năm, nhiều nền văn minh cổ xưa như Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Quốc... sùng bái một sinh vật thần thoại là rồng. Nó được mô tả là sinh vật 4 chân, đuôi dài, mình rắn, cánh rơi, biết bay và có sức mạnh phi thường.

Trung Quốc: Phát hiện quái thú Rồng Quý Châu dài 6 m

Các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc đã khai quật và kiểm tra 3 bộ xương, 5 ổ trứng thuộc về loài Rồng Quý Châu to lớn và bí ẩn của kỷ Jura.

Trung Quốc: Phát hiện quái thú Rồng Quý Châu dài 6 m

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học National Science Review, sinh vật này mang danh pháp khoa học là Qianlong shouhu.

Trong đó, "Qianlong" có nghĩa là "Rồng Quý Châu", còn "shouhu" là "bảo vệ", ám chỉ việc các bộ xương và các quả trứng chứa phôi được bảo tồn cùng nhau.

Nữ danh tướng đầu tiên của Việt Nam được phong đô đốc

Trong lịch sử Việt Nam, Bùi Thị Xuân là hiện tượng độc nhất vô nhị, bà là người vừa xinh đẹp, vừa giỏi văn, giỏi võ, được đời đời sau kính nể.

Xuyên suốt lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay, Bùi Thị Xuân là hiện tượng độc nhất vô nhị. Nữ tướng này xuất thân trong một gia đình khá giả, được ăn học tử tế từ nhỏ. Bà được mô tả là một người vừa xinh đẹp, vừa giỏi văn, giỏi võ. Năm 20 tuổi, Bùi Thị Xuân nên duyên với Trần Quang Diệu. Hai vợ chồng họ cùng nhau đầu quân cho nghĩa quân Tây Sơn và trở thành trợ thủ đắc lực của Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc.

Nhờ lập được nhiều chiến công, Bùi Thị Xuân được phong làm đô đốc, cũng là nữ đô đốc duy nhất dưới triều Tây Sơn, đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Về sau, bà được giao nhiệm vụ chăm sóc, huấn luyện voi chiến.

Đọc nhiều nhất

Tin mới