Dấu ấn đặc biệt
Trước hết là dấu ấn đặc biệt về tuổi trẻ. Ông Chinh là Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh từ năm 2016, giờ đây với 36 năm tuổi đời và 9 năm tuổi Đảng đã trở thành Bí thư Thành ủy Bắc Ninh. Điều này chắc chắn là phù hợp với chỉ đạo chung về kết hợp các độ tuổi khác nhau khi chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ đại hội đảng các cấp. Ông Nguyễn Nhân Chinh trẻ vậy, chắc là tài cao. Tuổi trẻ mà tài cao, rất xứng đáng chứ sao!
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan trao quyết định cho ông Nguyễn Nhân Chinh |
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại là mỗi khi nghe tin có người trẻ mà được bổ nhiệm, phê chuẩn vào các chức vụ cao trong bộ máy đảng hoặc nhà nước, tôi thường là giật mình. Giật mình vì thế là khác với thông lệ, giật mình vì có chắc thực sự là tuổi trẻ tài cao không?
Mấy năm qua, tôi tự nghiệm ra mình cứ giật mình trường hợp nào thì y như rằng sau đó nhân vật tuổi trẻ tài cao đó có chuyện. Nói xa một chút là trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, rồi trường hợp của ông Lê Phước Hoài Bảo, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Quảng Nam, rồi cả trường hợp ông Vũ Quang Hải, nguyên thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn... Thôi cũng đành chờ xem cái giật mình lần này của tôi sẽ ra sao cái vậy.
Kế đến là dấu ấn đặc biệt về cái cách mà ông Nguyễn Nhân Chinh trở thành Bí thư Thành ủy Bắc Ninh. Phải nói là cực kỳ ngoạn mục. Hay nói cách khác là một nước cờ nhân sự cao tay. Tôi cũng không rành lắm chuyện bầu bí thư cấp ủy tại đại hội đảng các cấp, nhưng hình như theo hướng dẫn của cấp trên rất cao chỉ có 2 cách.
Cách thứ nhất là theo kiểu truyền thống lâu nay, tức là đại hội bầu ra ban chấp hành, rồi ban chấp hành bầu bí thư. Cách này là số đông bầu ra một tập thể ít người, rồi tập thể ít người đó mới bầu ra bí thư.
Cách này đương nhiên tính cạnh tranh không cao bằng cách thứ hai là đại hội bầu trực tiếp ra bí thư. Đại hội đảng bộ TP Bắc Ninh từ ngày 16-18/6 đã bầu ra Bí thư Thành ủy là ông Vương Quốc Tuấn nhiệm kỳ tới theo cách thứ nhất.
Điều đó có nghĩa là ông Nguyễn Nhân Chinh không dính dáng gì tới đại hội này và đương nhiên làm sao trở thành Bí thư được. Nhưng rất hay là ở chỗ chỉ sau ít ngày, cụ thể là ngày 10/7, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã bầu ông Tuấn làm Phó chủ tịch UBND tỉnh. Ông Tuấn trúng Phó chủ tịch tỉnh thì đương nhiên trống ra chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh và ông Chinh được chỉ định vào chức vụ này.
Loanh quanh chỉ trong vòng hơn 20 ngày là xong câu chuyện ông Chinh trở thành Bí thư. Có quy định nào cấm làm thế không nhỉ? Chắc là không có và vì vậy ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Ninh mới nói việc này không vướng quy định nào.
Thử hình dung cách làm này mà được nhân rộng thì tình hình chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng các cấp sẽ ra sao đây?
Tập thể Thường vụ mạnh, đoàn kết
Cuối cùng phải kể đến dấu ấn đặc biệt của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh và của cá nhân ông Nguyễn Nhân Chiến với trọng trách là Bí thư Tỉnh ủy trong câu chuyện này. Một mình ông Chinh làm sao nên chuyện. Phải có cả một tập thể Thường vụ mạnh, đoàn kết xung quanh Bí thư đứng ra quyết định mới xong chứ.
Vẫn biết cả tập thể quyết đưa ông Chinh trở thành Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, nhưng như vừa nêu thì cách đưa quả là đặc biệt. Giống như các chức danh bí thư cấp ủy khác, chức danh Bí thư Thành ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đòi hỏi phải được chuẩn bị kỹ, công phu và không thể có chuyện dự kiến bí thư trúng cử tại đại hội sẽ được phân công ngay sau đó làm Phó chủ tịch UBND tỉnh. Thử hỏi 62 tỉnh ủy, thành ủy còn lại của cả nước có nơi nào sẽ làm giống như Bắc Ninh? Dám chắc là không có.
Nhưng có vẻ mọi sự được chuẩn bị ở Bắc Ninh theo kiểu thế thật. Cho nên mới có thể gọi là dấu ấn đặc biệt. Trúng bí thư rồi điều đi và đã có sẵn người thay thế, khỏi phải qua đại hội chi cho phức tạp, biết đâu mà lần. Đường đi, nước bước quá chuẩn, rất đáng để các nơi khác nghiên cứu.