Chuyện của anh không còn xa lạ, nhưng rơi vào từng cá nhân, gia đình thì quả là sự bất hạnh khủng khiếp. Cuộc đời chàng trai đồng tính Hà Nội này cứ thế chìm vào bi kịch…
Số phận nghiệt ngã
Tình cờ tại quán cà phê cạnh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, PV gặp một thanh niên khá đặc biệt. Đó là người đàn ông chừng 30 tuổi, vóc dáng cao lớn, khuôn mặt chữ điền, dáng vẻ rất nam tính. Khá lịch lãm, người thanh niên một mình đi ra chỗ chiếc bàn trống, gọi ly cà phê đen, không đường. Trong khi các đôi nam nữ chụm đầu trò chuyện vui vẻ, thưởng thức làn gió mát thì người thanh niên đơn độc, ánh mắt thể hiện sự lặng lẽ khiến tôi chú ý và quyết định đến ngồi cùng, trò chuyện.
Ảnh nhân vật. |
Bê cốc sinh tố uống dở, tôi đến bàn bên cạnh người thanh niên, chủ động bắt chuyện. Tôi bảo, cũng đi một mình, thấy anh một mình nên muốn ngồi cùng cho vui. Ban đầu, tôi hỏi anh về thời tiết, khen mùa Thu Hà Nội, rồi chuyển sang chuyện nhân tình thế thái. Sau vài câu chuyện nhỏ trên trời dưới bể, tôi phát hiện ra anh là một người dễ gần, cởi mở. Anh cho biết, mình tên Lê Đăng T., 32 tuổi, sinh ra ở Hà Nội.
Sau lần gặp tình cờ đó, chúng tôi thành đôi bạn tâm giao, thỉnh thoảng lại hẹn tới địa điểm cũ, trò chuyện và thưởng thức những ly cà phê thơm ngon. Thấy T. lần nào cũng đi một mình, tôi hỏi “sao không rủ bạn gái đi cùng?”. Nghe vậy, T. không trả lời, buồn bã nhìn xa xăm. Lặng lẽ hồi lâu, T. bảo: “Tôi là người đồng tính. Cuộc đời của tôi đầy bi kịch, là trò đùa của Thượng đế, là sự cắc cớ của số phận. Nói thật, tôi không có cảm xúc, tình cảm trai gái đối với phụ nữ, tôi đến đây và mong tìm được người đàn ông trong mộng”.
Thấy tôi ngạc nhiên, T. bộc bạch, không cần giấu giếm: “Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã sớm nhận ra được sự khác biệt trong con người của mình, nhưng vì lúc ấy còn trẻ con nên có lẽ không chỉ bản thân tôi mà cả bố mẹ tôi cũng không cho đó là chuyện quan trọng. Cho đến khi tôi học hết tiểu học, rồi đến trung học, thứ cảm xúc cùng chiều với đàn ông trong tôi ngày càng mãnh liệt. Tôi bắt đầu tò mò, thôi thúc bản thân đi tìm kiếm con người thật của chính mình, tôi khát khao có được một sự yêu thương theo sự mách bảo của trái tim. Cách đây hai năm, tôi đã yêu người đàn ông đầu tiên trong đời”.
Tôi hỏi T.: “Có thấy ngại ngùng hay khó khăn gì khi anh công khai mối quan hệ và con người thật của mình không?”. T. đáp: “Không ai thay đổi được cuộc sống của mình trừ bản thân mình. Nếu không học cách chấp nhận nó, sẽ không có ai hiểu, chấp nhận mình và bi kịch sẽ càng kinh khủng hơn”.
Dứt lời, T. thổ lộ: “Lần đầu tiên, tôi biết thế nào là tình yêu, tôi có nụ hôn và sự giao tiếp về thể xác với người yêu cũng là một nam nhi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã chia tay nhau, nhưng tôi luôn nhớ về những giây phút hạnh phúc ngọt ngào đó”.
Qua cuộc tình ngắn ngủi với người yêu đồng tính, T. thổ lộ với tôi rằng, trong mối quan hệ đặc biệt này, không ai đóng nam hay đóng nữ, cả hai đều bình đẳng với triết lý sống là phải biết “cho” và “nhận”, yêu và được yêu, cùng nhau chia sẻ những cảm xúc, buồn vui, để cuộc đời thực sự có ý nghĩa.
Khát khao hạnh phúc
Đồng cảm với câu chuyện cuộc đời T., tôi hỏi anh về gia đình, bố mẹ. Liệu, họ có hiểu và chấp nhận sự thật khi biết con trai mình có trái tim thiếu nữ. Nét mặt thoáng buồn, T. bày tỏ: “Điều khiến tôi buồn và đau khổ nhất, đó là cho đến bây giờ bố mẹ vẫn chưa chấp nhận sự thật này vì tôi là cháu đích tôn của dòng họ. Cha mẹ mong muốn tôi yêu và lấy một cô giáo cùng phố để sinh con nối dõi tông đường”.
Tuy nhiên, T. không thể chiều lòng cha mẹ. Nhiều tháng năm, anh phải sống trong sự dằn vặt, trách móc, thậm chí bế tắc. Đã có lúc, T. buông xuôi, muốn tìm đến cái chết để giải thoát chính mình. Nhưng rồi nước mắt của mẹ, ánh nhìn đau khổ của cha đã khiến anh mềm lòng. T. xin bố mẹ cho mình được sống cuộc đời thật, được quyết định chọn hạnh phúc lứa đôi theo suy nghĩ và sự mách bảo của con tim. Lý giải cho suy nghĩ của mình, T. thẳng thắn bộc bạch: “Mình phải sống cuộc đời của mình chứ không sống cho người khác. Tôi muốn cưới chồng và có được sự chung thủy cùng người mình yêu. Tôi muốn có con, có con mang dòng máu của mình. Tôi sẽ nhờ y học can thiệp, nhờ người mang thai hộ...”.
Theo T. chia sẻ, trên thực tế, trong xã hội Việt Nam, hình mẫu lý tưởng về nam và nữ đã có từ thời còn rất cổ xưa, rằng là một người đàn ông, họ cần phải thật mạnh mẽ. Còn, phụ nữ phải thật nhẹ nhàng, mềm dẻo, luôn nhường nhịn, thậm chí chịu đựng, cả đời sống vì người khác, quên mất chính bản thân... Đó cũng chính là một rào cản vô hình hạn chế con người bộc lộ tính cách và suy nghĩ thật của mình. Họ luôn phải cố theo một khuôn mẫu đó thì mới được coi là đúng, là hợp lý; còn bất cứ ai không giống như vậy thì họ sẵn sàng đưa ra những lời dè bỉu, những ánh mắt như hàng vạn mũi dao cứa vào da thịt. “Bản thân tôi là “gay”, tôi không muốn giấu giếm sự thật, dù nó vô cùng phũ phàng. Tôi mong muốn gia đình, xã hội có cái nhìn thân thiện với những người đồng tính, để chúng tôi cảm thấy mình là một người bình thường và được sống là chính mình”, T. bộc bạch.
Là con trai duy nhất trong gia đình lại là cháu đích tôn, sự khát khao của cha mẹ T. cũng như những dằn vặt mà họ đã phải trải qua là điều khó tránh. Không ai mong muốn con mình có sự khác người, nhưng ở vào hoàn cảnh ấy, các ông bố, bà mẹ cần có sự chia sẻ, hiểu con, gần gũi, động viên, chấp nhận sự thật, là chỗ dựa và tìm cho con mình con đường đúng. Có như vậy, những người như T. mới bớt đi sự bất hạnh, để có thể tìm được hạnh phúc theo đúng nghĩa.
Tuy nhiên, hạnh phúc chỉ do chính người trong cuộc tạo nên và cảm nhận. Thông qua diện mạo và cử chỉ của T., tôi có cảm giác T. đã phải trải qua một cuộc hành trình dài để có thể tự tin, sống với con người thật của mình.
Trong buổi chia sẻ cùng PV, T. thổ lộ: “Mặc dù cha mẹ phản ứng kịch liệt, nhưng anh quyết chọn con đường hạnh phúc của mình, sẽ lấy “chồng” và thuê người mang thai hộ”.
Tại sao lại chối bỏ thiên chức mà tạo hóa ban tặng?
Mang câu chuyện của T. trao đổi với ông Đỗ Bình Trí (Phó giám đốc bệnh viện Sản - Nhi, tỉnh Bắc Giang), ông Trí cho biết: “Trường hợp đồng tính nói riêng và đồng tính nam nói chung thể hiện rất phức tạp và có nhiều cấp độ. Trường hợp anh T. mong muốn có con mang dòng máu của chính mình là điều hoàn toàn bình thường. Đây là trường hợp đồng tính nhẹ. Quay trở lại việc anh T. là người con trai duy nhất trong gia đình, là cháu đích tôn, cần có suy nghĩ về trách nhiệm của mình đối với gia đình, đặc biệt là công lao giáo dục của cha mẹ. Ở đây, tôi không bàn về góc độ pháp lý, không bàn về đúng sai, tôi chỉ nêu về “tội bất hiếu” của con trai đối với cha mẹ, đó là tội không sinh con, trong khi anh T. hoàn toàn có khả năng này. Tóm lại, anh T. cần có cái nhìn sâu sắc hơn trong vấn đề quyết định lấy một “người chồng” và nhờ mang thai hộ. Ở góc độ sản khoa, anh ta là người đàn ông bình thường.
Luật pháp không công nhận mang thai hộ đối với những cặp cùng giới tính
Tiến sỹ Nguyễn Văn Cừ, khoa Pháp luật dân sự, đại học Luật Hà Nội phân tích: Việc anh Lê Đăng T. muốn có con là điều chính đáng và là quyền con người. Tuy nhiên, nếu anh T. nhờ người khác mang thai hộ, điều đó là vi phạm pháp luật. Luật chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, để góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. Luật pháp không công nhận mang thai hộ đối với những cặp đồng giới. Trường hợp anh T. muốn có con, tức là anh T. buộc phải có quan hệ đối với một phụ nữ.