Trong ngày 8/10, việc nhiều xe taxi của hãng Vinasun tại TP.HCM dán decal hai khẩu hiệu với nội dung “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh” và “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” được thông tin rộng rãi, đã khiến nhiều người dân và tài xế của hãng này bức xúc.
Trong khi đó, trao đổi với PV Infonet, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng giám đốc Vinasun còn cho rằng, việc dán decal sau xe là hành động tự phát của các tài xế chứ công ty không có chủ trương này. Ông Hỷ còn cho biết sẽ cho rà soát, kiểm tra lại việc dán decal như nói trên.
Nhiều tài xế bức xúc, tự gỡ bỏ decal có nội dung phản đối Uber và Grab. |
Nội dung trả lời của ông Hỷ khiến không ít tài xế taxi Vinasun càng bức xúc, bởi theo họ, việc dán delcal là do công ty yêu cầu và khi bị cộng đồng phản ứng thì lãnh đạo lại đổ lỗi cho cánh tài xế.
“Từ ngày xuất hiện xe Uber và Grab, khách đi taxi truyền thống giảm hẳn. Để có tiền trang trải cuộc sống, anh em tài xế chúng tôi buộc phải siêng chạy hơn. Chưa bao giờ tài xế nghĩ ra chuyện dán decal phản đối ai, chưa kể việc tự ý dán decal lên xe có thể bị xử phạt”, tài xế N.Q.P (quê Bình Dương) nói.
Trong khi đó, theo tài xế N.T (ngụ quận Bình Thạnh), việc dán decal này không chỉ bị cộng đồng mạng xã hội lên án mà cả hành khách đi xe cũng phản ứng.
Anh cho biết, sau khi bị một nữ hành khách góp ý nội dung decal gây phản cảm cộng với trả lời như kiểu "đổ lỗi cho tài xế" của lãnh đạo Vinasun, anh đã gỡ decal khỏi xe.
Trên một diễn đàn có sự tham gia đông đảo tài xế taxi Vinasun cũng đang rộ lên lời kêu gọi gỡ bỏ decal trong ngày 8/10. Đến chiều tối, theo ghi nhận của PV Infonet, phía sau nhiều xe taxi của hãng Vinasun đã không còn thấy decal phản đối Uber và Grab nữa.
Tối qua, nhiều xe taxi của hãng Vinasun không còn dán decal phản đối Uber và Grab. |
Theo luật sư Nguyễn Thị Thiên Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM), các nội dung dán sau xe taxi Vinasun có dấu hiệu của hành vi “gièm pha doanh nghiệp khác”. Đây là một trong hành vi bị cấm theo Điều 39 Luật Cạnh tranh 2004.
Theo quy định tại Điều 43 Luật Cạnh tranh 2004 về hành vi gièm pha doanh nghiệp: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.
Theo luật sư Thiên Thanh, Uber hay Grab có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh nếu nhận thấy rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm, cạnh tranh không lành mạnh.
Cụ thể, theo khoản 4 Điều 2 Nghị định 06/2006 của Chính phủ về cạnh tranh, Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương sẽ thụ lý, tổ chức điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh xử lý theo quy định của pháp luật;
Tổ chức điều tra xử lý đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác theo quy định của pháp luật.