Cách cửa phía nam hầm đèo đường bộ Hải Vân khoảng 20 m xuất hiện hàng trăm vết nứt dọc ngang hai bên thành và đường vòm.
Nhiều tài xế cho hay, ngồi trong xe cũng có thể nhìn rõ vết nứt và thật sự rất lo lắng khi đi qua hầm đèo. "Chúng tôi lo ngại các vết nứt có thể dẫn đến hiểm họa", các tài xế bày tỏ.
Trong báo cáo gửi Tổng cục Đường bộ, Khu Quản lý Đường bộ V cũng khẳng định, sau thời gian khai thác (tháng 6/2005), hầm đường bộ đã xuất hiện một số hư hỏng kết cấu bê tông cốt thép, nứt dọc, nứt ngang trên vòm và thành hầm, gây thấm và dột nước xuống làn đường xe chạy.
Sau khi đi vào hoạt động (6/2005), hầm đèo Hải Vân xuất hiện nhiều vết nứt |
Cụ thể, tại vòm hầm các vết nứt đang lan ra nhiều vị trí khác khiến nước thấm dột từ trên đỉnh vòm hầm. Vết nứt dài 1-7 m, rộng dưới 1 mm. Suốt chiều dài thành hầm có nhiều vết nứt trong kết cấu bê tông cốt thép, bề rộng 1-2 mm, dài 1-7 m, và lớn nhất là 12 m, sâu trên 5 mm.
Ông Phạm Quyết Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Quốc Thắng (đơn vị từng sửa chữa chống thấm ở các vết nứt hầm Hải Vân) cho biết, năm 2011 đơn vị đã nhận sửa chữa 2 vị trí thấm trền vòm hầm bên trong hầm Hải Vân nhưng các vết nứt hai bên thành hầm thì công ty không đảm nhận.
Ông Thắng cũng cho hay, mức độ nứt trong hầm Hải Vân không tập trung mà nằm rải rác tại nhiều vị trí.
Theo ông Đỗ Huy Thành - trưởng phòng Quản lý giao thông (Khu quản lý đường bộ 5): “Hiện có trên 100 vết nứt và để để khắc phục phải lập dự án thuê tư vấn kiểm tra lại, còn vấn đề sửa chữa, khắc phục thế nào thì phải do tư vấn báo cáo”.
Ông Cao Bá Giang, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) cho biết, công ty đang giám sát các vết nứt này hàng ngày bằng mắt thường và kiểm tra định kỳ bằng máy.
"Từ ngày vận hành, hầm đường bộ đã xuất hiện các vết nứt và sau 7 năm không có sự cố nào. Tổng cục Đường bộ vào kiểm tra và nhận xét an toàn tuyệt đối", ông Giang nói.
Ông Giang cũng cho hay, hầm đèo Hải Vân áp dụng công nghệ NATM của Áo bằng việc nổ mìn mở đường hầm và khi các phần tử đá ngừng dao động sau nổ mìn 120 ngày sẽ tạo thành kết cấu vòm hầm nguyên thủy từ đá suốt chiều dài của hầm.
Kết cấu này đã trở thành dạng cân bằng mới chứ không chịu lực trực tiếp từ khối núi Hải Vân phía trên. Vì vậy, lớp bê tông, nơi xuất hiện các vết nứt, chỉ là lớp áo bên ngoài giúp tạo hình dáng của hầm đường bộ.
Ông Phạm Quyết Thắng cũng cho rằng, việc nứt nẻ là một sự cố hết sức bình thường nhưng cần phải theo dõi và có sự đánh giá kỹ lưỡng, chính xác về mức độ để có hướng khắc phục kịp thời.
Công trình hầm đường bộ Hải Vân được khởi công năm 2000 với tổng vốn đầu tư khoảng 3.465 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Đây là công trình hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á (6.280 m), xuyên qua đèo Hải Vân, nối liền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Quy mô công trình là vĩnh cửu, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, tải trọng 30 tấn.Việc xây dựng phần hầm phía nam do liên doanh Đông An (Hàn Quốc) và Sông Đà (Việt Nam) thi công.
Theo Đ. Hồng
Báo Đất Việt
[links()]