Cụ thể, cuộc trò chuyện của PV báo Người Đưa Tin cùng BS Huỳnh Thanh Hiển xoay quanh việc dư luận đang xôn xao về chia sẻ các tài xế thường sử dụng ma túy nhằm mục đích tỉnh táo trong quá trình mưu sinh. Chia sẻ của "cánh tài xế đường dài" xuất phát từ sự việc tài xế xe container cuốn hơn 20 chiếc xe máy trong chớp mắt, khiến hàng chục người thương vong và điều quan ngại là có sử dụng ma túy trong khi điều khiển phương tiện.
PV: Thưa bác sĩ, sau vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra tại tỉnh Long An khiến 4 người tử vong, dư luận xuất hiện thông tin tài xế lái xe đường dài phải sử dụng ma túy để có đủ tỉnh táo. Về mặt khoa học, nhận định này có chính xác không?
BS Huỳnh Thanh Hiển: Theo tôi, không thể nói dùng ma túy sẽ tăng khả năng tỉnh táo và chống buồn ngủ để lái xe.
PV: Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các tài xế đã và vẫn sử dụng ma túy khi lái xe đường dài. Nhiều người thắc mắc, ma túy khiến người sử dụng buồn ngủ, mệt mỏi hơn. Theo bác sĩ, tài xế đã lợi dụng tác dụng gì của loại chất kích thích này để chống buồn ngủ, mệt mỏi?
BS Huỳnh Thanh Hiển: Ma túy gồm 2 nhóm là nhóm ức chế và kích thích. Heroin thuộc nhóm ức chế thần kinh, trong khi hầu hết các ma túy còn lại thuộc nhóm kích thích (đá, lắc, cỏ Mỹ, tem giấy, cocain…).
Thường thì, các tài xế lái xe đường dài hay sử dụng loại kích thích hơn. Ma túy đá và thuốc lắc là ma túy thuộc nhóm kích thích nên làm tăng thức tỉnh. Tuy nhiên, cơ thể luôn có cơ chế bù trừ. Nghĩa là sau giai đoạn thức (do tác dụng của ma túy đá, thuốc lắc...) sẽ ngủ bù.
Vụ tai nạn xảy ra ở tỉnh Long An vừa qua hơi lạ là tài xế dùng heroin là loại ức chế.
PV: Hiện nay, dư luận xuất hiện thông tin, vì cơm áo gạo tiền, các tài xế chạy xe đường dài phải sử dụng ma túy để đáp ứng công việc. Ông đánh giá nhận định này như thế nào?
BS Huỳnh Thanh Hiển: Đây chỉ là một lời ngụy biện. Có thể lúc đầu, các tài xế này được đồng nghiệp mách nước. Sau đó, họ nghiện luôn. Và khi đã nghiện, họ sẽ tìm ma túy để thỏa mãn cơn nghiện chứ không phải như lời họ bao biện như trên.
Tài xế gây ra vụ tai nạn thảm khốc tại tỉnh Long An dương tính với heroin. |
PV: Trở lại vụ tai nạn thảm khốc tại Long An, với cách nhìn trên và kết quả xét nghiệm tài xế này dương tính với heroin, chúng ta có thể nghi ngờ tài xế Phạm Thành Hiếu là người nghiện ma túy không?
BS Huỳnh Thanh Hiển: Với heroin rất dễ chẩn đoán. Một tình trạng nghiện chỉ cần cách ly theo dõi từ 6-24 giờ. Nếu có hội chứng cai (rất đặc trưng của nghiện heroin) thì đích thị là nghiện. Ngược lại, nếu trường hợp này vẫn tỉnh bơ trong khoảng thời gian nói trên thì có thể kết luận là vô tình uống thuốc chữa bệnh gây dương tính với que thử nhanh.
Với thuốc lắc, ma túy đá thì khó hơn nhiều vì không có hội chứng cai rõ rệt. Tôi gặp mấy trường hợp dương tính giả với heroin và đã giải oan cho họ.
PV: Theo tìm hiểu của PV, có một số tài xế cho biết, họ chỉ sử dụng một lượng nhỏ ma túy tương đương với số tiền 200.000 đồng. Kết thúc chuyến hàng, tài xế sẽ nghỉ ngơi 1 - 2 ngày để lấy lại sức. Theo ông, việc làm này nguy hiểm như thế nào?
BS Huỳnh Thanh Hiển: Không thể chấp nhận lập luận này. Bởi, sau một khoảng thời gian sử dụng ma túy đá, thuốc lắc, họ sẽ bị loạn thần. Và một người loạn thần mà lái xe thì vô cùng nguy hiểm.
PV: Như vậy, việc sử dụng mọi chất kích thích, thậm chí là sản phẩm của y tế để chống cơn buồn ngủ, làm tinh thần tỉnh táo trong việc lái xe, nhất là lái xe đường dài là rất nguy hiểm. Bác sĩ có lời khuyên gì cho các lái xe khi phải đối mặt với những cung đường dài, xuyên đêm?
BS Huỳnh Thanh Hiển: Lúc tôi ở Bỉ, mấy anh bạn có chỉ cho một mẹo chống buồn ngủ. Đó là trong lúc lái xe, đặt gan bàn chân lên một cục nước đá được bọc trong bao nylon. Cách này giúp cơ thể tỉnh táo do cơ chế phản xạ thần kinh.
Tuy nhiên, tôi phải lưu ý rằng, cách này chỉ sử dụng trong trường hợp bất đắc dĩ, không áp thường xuyên được. Bởi, nếu áp dụng thường xuyên sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe.
Nguyên tắc làm nghề tài xế là phải tự cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Nói chung, tốt nhất khi lái xe mà buồn ngủ thì nên ngủ, cơ thể mệt mỏi thì phải nghỉ ngơi. Không nên chống chọi, trừ trường hợp bất đắc dĩ.
PV: Theo bác sĩ, những giải pháp nào sẽ là căn cơ trong việc hạn chế các tài xế lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích, đảm bảo an toàn khi lái xe?
BS Huỳnh Thanh Hiển: Theo tôi, một người lái xe mà sử dụng ma túy thì cần phải bị tước giấy phép lái xe dài hạn hoặc vĩnh viễn. Chủ xe, chủ doanh nghiệp có thuê tài xế cũng cần kiên quyết loại bỏ các tài xế sử dụng ma túy. Điều này không chỉ vì uy tín của doanh nghiệp mà còn vì tính mạng, sự an toàn của cộng đồng.
PV: Cám ơn những chia sẻ của bác sĩ!