Từ 2h, anh Lê Tuấn Hân (quê Bình Định) cùng đồng nghiệp đưa xe tải đến đậu cách Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột khoảng 50 m, chờ bốc số làm xét nghiệm Covid-19.
“Xe tôi chở hàng từ Đắk Lắk đi Bình Phước, khi qua chốt kiểm soát dịch bắt buộc phải có giấy test nhanh Covid-19 trong vòng 72 giờ. Do hàng đã nhận, anh em tranh thủ đi từ 2h để đợi. May mắn bốc được số chứ không biết số hàng trên sẽ như thế nào”, tài xế Hân nói.
Cửa ngõ TP.HCM qua quốc lộ 1K (đoạn giáp tỉnh Bình Dương) kẹt xe dài hàng km sau khi địa phương này kiểm soát người và phương tiện vào nội thành. Ảnh: Quỳnh Danh. |
15h ngày 12/7, để chuẩn bị cho chuyến xe lúc 21h30 từ TP Nha Trang (Khánh Hòa) đi TP.HCM, anh Dương, tài xế của nhà xe P.A., có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để làm test nhanh.
Gần một tuần nay, hãng xe P.A. (trụ sở ở TP Nha Trang) lần lượt cử tài xế đi lấy mẫu xét nghiệm nCoV để có giấy thông hành vào TP.HCM.
“Hôm nay ít người nên chắc được về sớm, mọi hôm chờ 4-5 tiếng mới xong”, anh Dương nói.
Theo quy định của chính quyền TP.HCM và nhiều địa phương trên cả nước, tài xế phải có giấy xét nghiệm PCR hoặc test nhanh âm tính với nCoV mới được vào địa bàn. Một số tài xế cho rằng việc này là cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, giá cả xét nghiệm đối với họ là quá cao.
“Tôi chấp hành quy định phải có giấy chứng nhận âm tính với nCoV, nhưng hiện giá một lần xét nghiệm quá cao. Nếu 3 ngày test nhanh một lần, giá thấp nhất cũng 300.000 đồng, còn làm PCR mất hơn 700.000 cho 5 ngày. Doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì dịch bệnh, nay phải chịu thêm phí xét nghiệm đắt đỏ”, ông K., chủ hãng xe P.A., nói.
Cũng theo người này, giá xét nghiệm đắt đỏ khiến ông phải cắt bớt xe và tần suất chuyến. “Bình thường chạy một đêm 4 chuyến thì nay chỉ duy trì một chuyến chở hàng của khách quen vào TP.HCM”, ông K. nói.
Tương tự, anh Nguyễn Mạnh (tài xế xe tải ngụ Quảng Ngãi) cho hay việc ngăn chặn lây nhiễm Covid-19 bằng “giấy thông hành” xét nghiệm Covid-19 âm tính còn nhiều bất cập, tốn kém nhưng ít hiệu quả.
“Trước khi chở hàng đi TP.HCM, tôi mất cả buổi đi lòng vòng đến Trung tâm y tế TP Quảng Ngãi test nhanh với giá 220.000 đồng. Sau đó, tôi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật lấy mẫu xét nghiệm PCR với giá hơn 730.000 đồng để có giá trị trong 72 giờ. Từ TP.HCM trở về, tôi phải xét nghiệm lần nữa mới có thể qua được các chốt kiểm soát”, anh Mạnh nói.
Theo nhiều tài xế xe tải, giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 có hiệu lực thời gian quá ngắn, gây nhiều khó khăn cho các lái xe. Nếu chở hàng vào TP.HCM và quay về Quảng Ngãi, tài xế phải đi xét nghiệm ít nhất 2 lần để lấy “giấy thông hành”. Dọc tuyến quốc lộ 1, các chốt kiểm dịch kiểm tra không đồng bộ. Đó là chưa kể một số nơi kiểm tra qua loa, dễ sai sót trong công tác phòng, chống dịch.
Ông Hồ Văn Thư, Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Quảng Ngãi, cho hay phương tiện vận tải từ các tỉnh về Quảng Ngãi phải có giấy xét nghiệm âm tính với nCoV; nếu test nhanh thì có hiệu lực 48 giờ, xét nghiệm PCR có hiệu lực 72 giờ.
Tài xế Hân (ngụ Bình Định) và đồng nghiệp ăn cơm hộp trong lúc chờ được lấy mẫu xét nghiệm ở Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tây Nguyên. |
Do nhu cầu giấy xét nghiệm nCoV của các tài xế quá lớn, UBND tỉnh này Đắk Lắk yêu cầu Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột mỗi ngày thực hiện 100 mẫu cho tài xế có bằng C. Tuy nhiên, con số này quá ít so với nhu cầu của hàng trăm tài xế nên nhiều người chạy khắp nơi tìm địa điểm test nhanh nCoV.
Để được nằm trong 100 tài xế test nhanh Covid-19 tại Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột, hàng trăm người đã đưa xe đến đậu dọc 2 bên đường từ rạng sáng, chờ bảo vệ phát số thứ tự.
Theo tài xế Hân, trước đó, anh đã test nhanh ở Đắk Nông để được chở hàng qua chốt. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh này không còn thực hiện test nhanh cho tài xế nên phải đến Trung têm Y tế TP Buôn Ma Thuột xếp hàng bốc số.
Không may mắn như tài xế Hân, tài xế Trần Văn Bảo chuyên chở trái cây chạy tuyến Sóc Trăng - Đắk Lắk, cũng đến từ rạng sáng nhưng không bốc được số.
“Giấy xét nghiệm nhanh nCoV của tôi hết hạn so với thời điểm được cấp chỉ một giờ nhưng chốt kiểm dịch tỉnh Bình Phước không cho qua. Tôi phải để xe hàng ở đó, chạy khắp điểm xét nghiệm ở tỉnh Đắk Nông, nhưng nơi nào cũng lắc đầu nên phải chạy về Đắk Lắk làm. Vì chờ quá lâu, 4 tấn xoài trên xe thối hết rồi”, tài xế Bảo lo lắng.
Tương tự, sáu ngày qua, nhiều điểm xét nghiệm Covid-19 ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã bị quá tải vì mỗi điểm có hàng trăm người đến làm thủ tục mỗi ngày.
Tôi phải để lại xe hàng, chạy khắp điểm xét nghiệm ở tỉnh Đắk Nông, nhưng nơi nào cũng lắc đầu nên phải chạy về Đắk Lắk làm giấy xét nghiệm. Vì chờ quá lâu, 4 tấn xoài trên xe thối hết rồi.
Tài xế Trần Văn Bảo
Anh Nguyễn Ngọc Toàn (lái xe chở bưu phẩm ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết ngày 6/7, anh mất gần một ngày mới xét nghiệm được tại bệnh viện ở đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Cái Khế. Đến ngày 9/7, giấy xét nghiệm này hết hạn khi vào Cà Mau, Bạc Liêu nên anh Toàn với phụ lái phải xét nghiệm lại.
“Tôi xuất phát từ Cần Thơ lúc 2h, nếu không kẹt xe, thì về đến Cần Thơ khoảng 15h. Do nhiều chốt kiểm soát Covid-19 trên quốc lộ 1, kẹt xe liên tục, tôi về tới Cần Thơ hơn 17h. Về muộn, không tìm được chỗ xét nghiệm, tôi đành phải nghỉ ngày hôm sau. Cứ 3 ngày phải mất gần 300.000 đồng để xét nghiệm Covid-19”, anh Toàn chia sẻ.
Có giấy xét nghiệm trong tay, đến chốt vào Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, anh Toàn phải xuất trình, làm thủ tục khai báo y tế. Khi quay về, anh làm thủ tục tương tự tại chốt từ Cà Mau giáp Bạc Liêu (địa phận Bạc Liêu), Hậu Giang và TP Cần Thơ.
“Các chốt khác chỉ xuất trình giấy tờ tùy thân và giấy xét nghiệm. Chốt của Bạc Liêu đóng trên địa bàn thị xã Giá Rai còn buộc tài xế cam kết không được dừng xe khi đi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19”, anh Toàn nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, tài xế có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 nhưng chở hàng từ vùng tâm dịch Covid-19 đến Bạc Liêu, sẽ không được qua chốt. Để hàng hóa được lưu thông, chủ xe hoặc tài xế phải tìm người địa phương thay thế để lái xe vào tỉnh, xuống hàng, rồi quay ra ngay.
Ông Cao Thanh Sang, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sóc Trăng, cho biết trước những bất cập của giấy xét nghiệm Covid-19, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các tỉnh thống nhất giá trị của giấy này trong 72 giờ kể từ khi xét nghiệm.
|
Cập nhật tình hình Covid-19 Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |