Chủ đầu tư dự án Eco Green Tower số 1 phố Giáp Nhị (Hoàng Mai, Hà Nội) - công trình sập giàn giáo chết 2 người sáng nay (13/10) là Công ty cổ phần Sông Đà 1.01. Đây là một đơn vị trực thuộc Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên Sông Đà 1 - Tổng công ty Sông Đà, được thành lập năm 2003 hoạt động trong lĩnh vực: tư vấn, thiết kế - đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 là đơn vị đầu tư và thi công nhiều dự án bất động sản lớn tại Hà Nội trong đó phải kể đến dự án Hà Nội Landmark 51 – tòa nhà cao thứ 3 Hà Nội chỉ sau Kaengnam Landmark 72 và Lotte Center 65, tọa lạc tại gã tư Tố Hữu – Lê Văn Lương kéo dài.
Mặc dù có danh tiếng nhưng Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 trước đây cũng đã dính phải nhiều cú phốt đáng tiếc.
Sập giàn giáo tại Eco Green Tower, hai công nhân chết thảm
Mới đây nhất phải kể đến vụ sập giàn giáo tại công trình chung cư cao tầng Eco Green Tower số 1 phố Giáp Nhị (28 tầng) trên đường Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội khiến 2 người nạn nhân tử vong và nhiều người khác bị thương.
Khu vực nơi xảy ra vụ tai nạn lao động - ảnh Thanh hà/Tiền Phong |
Cụ thể, vào khoảng 5h sáng nay (13/10), khi các công nhân đang đổ bê tông tầng 6 toà nhà kể trên, thì bất ngờ phần bê tông đổ sập kéo theo giàn giáo rơi xuống.
Vụ tai nạn lao động đáng tiếc khiến 2 nạn nhân rơi xuống tầng 1 tử vong, 4 người khác bị thương. Được biết, 2 nạn nhân tử vong đều là công nhân thuộc nhóm đổ bê tông, trong đó một người 53 tuổi và một người 28 tuổi.
Bị tố tự ý áp đặt nâng giá thành căn hộ
Trước đó, đơn vị này còn từng xảy ra vụ người dân kéo đến trụ sở công ty phản đối việc tự ý áp đặt nâng giá thành căn hộ.
Vào sáng ngày 12/3/2009, An Ninh Thủ Đô đưa tin, hàng chục người dân đã tập trung tại trụ sở Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (phố Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) để phản đối việc Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 tự ý áp đặt nâng giá thành căn hộ tại CT1 - Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội).
Nguyên nhân dẫn đến việc người dân tụ tập tại trụ sở của Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 xuất phát từ việc Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 thông báo cho các cá nhân đã ký Hợp đồng góp vốn xây dựng chung cư CT1 - Văn Khê đến văn phòng công ty để nộp tiền góp vốn đợt 3 và chuyển hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán chính thức.
Tuy nhiên, khi những người có hợp đồng đến làm thủ tục thì phía Công ty Sông Đà 1.01 đã đưa ra nhiều lý do khác nhau để khách hàng phải trả thêm 2.387.600 đồng/m2 diện tích căn hộ.
Bà Lê Thị Khuyên người đã ký hợp đồng góp vốn xây chung cư đối với căn hộ số 7 tầng 18 nhà CT1 - Văn Khê cho biết: “Tôi đến Công ty Sông Đà 1.01 làm thủ tục nộp tiền đợt 3 thì được công ty đưa ra “Hợp đồng mua bán căn hộ” soạn sẵn, trong đó có ghi rõ số tiền gia đình tôi phải nộp cho 133,5 m2 sử dụng của căn hộ số 7 tầng 18 là gần 1,2 tỉ đồng. Tôi thật sự bất ngờ bởi trước đó không lâu, ngày 16-7- 2008, tôi đã ký “Hợp đồng góp vốn xây dựng chung cư” với Công ty Sông Đà 1.01, theo hợp đồng này, giá trị góp vốn chỉ là 874, 43 triệu đồng”.
Tương tự, ông Nguyễn Tân Cắt có hợp đồng góp vốn với Công ty Sông Đà 1.01 để xây chung cư đối với căn hộ số 10 tầng 11 nhà CT1 - Văn Khê cho biết: “Chúng tôi nộp tiền từ khi chưa xây gì, đến tháng 4-2008 khi làm xong phần móng nhà chúng tôi đã đóng đến 60% giá trị hợp đồng. Hiện gia đình tôi đã đóng 90% số tiền theo hợp đồng, chỉ còn đợi khi giao nhà sẽ đóng nốt 10% còn lại. Nay Công ty Sông Đà 1.01 gọi chúng tôi lên yêu cầu nộp thêm 2.387.600 đồng/m2 diện tích của căn hộ. Thật là vô lý...”.
Để chứng minh điều này, ông Cắt đưa ra Hợp đồng góp vốn số 18 ký ngày 11-10-2007 với Công ty Sông Đà 1.01. Tại điều 2.1 của hợp đồng này ghi rõ: Giá trên chưa bao gồm lệ phí, phí làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà phải nộp cho Nhà nước. Trong trường hợp giá các vật liệu và đơn giá tiền lương Nhà nước điều chỉnh (tăng hoặc giảm) trên 10% tính theo đơn giá tại thời điểm ký hợp đồng (trên cơ sở dự toán được phê duyệt) thì hai bên sẽ tiến hành thương thảo tăng hoặc giảm theo đơn giá tại thời điểm ký hợp đồng.
Trả lời về vấn đề này, đại diện Công ty Sông Đà 1.01 đã đưa ra 4 nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá thêm 2.387.600 đồng/m2 sàn căn hộ. Giải thích về việc chưa thương thảo với người dân như quy định tại hợp đồng góp vốn, ông Vũ Hoàng Linh, cho hay giá trên mới chỉ là mức giá mà Công ty Sông Đà 1.01 đưa ra để ký hợp đồng mua bán. Nếu người dân không chấp nhận thì vẫn thực hiện theo hợp đồng góp vốn đã ký.
Về việc tại sao một số hợp đồng góp vốn không có quy định điều chỉnh giá mà vẫn bị điều chỉnh, ông Phạm Xuân Dương, đại diện đơn vị tư vấn luật cho Công ty Sông Đà 1.01 cho rằng, trước đây một số hợp đồng góp vốn đã ký giữa Công ty Sông Đà 1.01 với người dân là chưa rõ ràng.
Giai đoạn đó nhận thức về xây dựng của công ty còn hạn chế nên một số hợp đồng không có điều chỉnh giá. Do ban đầu nhận thức pháp luật chưa thấu đáo nên Công ty Sông Đà 1.01 đã đưa ra hợp đồng mua bán để ký kết lại với người dân. Các trường hợp này vẫn phải điều chỉnh tăng giá nhưng sẽ được ưu ái hơn.
Bị phạt hành chính về chứng khoán
Cách sự việc trên hơn một năm, ngày 6/8/2008, báo CAND đưa tin, Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 cùng Công ty cổ phần Sông Đà 505 đã bị Chánh Thanh tra UBCKNN ký Quyết định phạt vào ngày 5/8/2008 vì vi phạm chứng khoán.
Cụ thể, Công ty cổ phần Sông Đà 505 đã thực hiện mua 5.900 cổ phiếu quỹ và Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 đã thực hiện mua 25.000 cổ phiếu quỹ nhưng cả hai công ty này đều không báo cáo UBCKNN, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội theo đúng thời hạn quy định.
Hai công ty này vi phạm quy định về Hướng dẫn việc mua, bán lại cổ phiếu và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng