Rối loạn đông máu là hậu quả của một tai biến sản khoa
Kết luận của vụ việc sản phụ sinh năm 1993 ở Chương Mỹ , Hà Nội tử vong là do rối loạn đông máu. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên cho biết, các bác sĩ đã thực hiện đúng quy trình, tích cực trong điều trị nhưng do bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mất máu quá nhiều, không bù được bằng truyền dịch nên đã xảy ra việc đáng tiếc.
Rối loạn đông máu do băng huyết là nguyên nhân khiến sản phụ N.T.A ( Ở Chương Mỹ - Hà Nội) tử vong. |
Trao đổi với Kiến Thức về tai biến sản khoa này, ThS. BS Lưu Quốc Khải, Trưởng Khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “ Rối loạn đông máu có thể do bệnh lý bẩm sinh, hoặc là hậu quả của tình trạng băng huyết. Đây là một trường hợp không hiếm gặp , có tính chất nguy hiểm trong các ca sinh tại Việt Nam”.
Nhiều gia đình trong lúc đau buồn thường quy kết trách nhiệm cho ngành Y tế về những tai biến sản khoa. Thế nhưng, sự thực là có những tai biến sản khoa giống như một tiếng sấm giữa trời quang mây tạnh... Đó là lời chia sẻ của TS. BS Nguyễn Huy Bạo, nguyên giám đốc Bệnh viện phụ sản Hà Nội – người có trên 40 năm làm việc trong lĩnh vực sản khoa tại Việt Nam. “Trong cuộc đời làm nghề của tôi, tôi đã chứng kiến có những trường hợp sản phụ vừa tươi cười tạm biệt người thân để vào phòng đẻ, chỉ bước chân lên bàn khám, bị co giật, sùi bọt mép và nhanh chóng từ vong...”, BS Bạo cho biết.
TS.BS Nguyễn Huy Bạo - Nguyên Giám đốc BV phụ sản Hà Nội:" Nhiều tai biến sản khoa bất ngờ như một tiếng sấm giữa trời quang mây tạnh". |
Tai biến sản khoa nào đáng sợ nhất?
Trong những tai biến sản khoa thì có một số tai biến không thể lường trước, không thể dự báo, dự phòng được và xảy ra bất khả kháng, đó là tai biến tắc mạch nước ối với tỉ lệ tử vong rất cao, chiếm khoảng 90% bởi hầu hết các trường hợp không thể điều trị được.
Trong quá trình mang thai, lúc chuyển dạ, thậm chí sau khi sinh từ 12 đến 48 giờ vẫn có nguy cơ xảy ra tai biến, đó là hiện tượng băng huyết. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 nguyên nhân trực tiếp gây nên tử vong mẹ, băng huyết là nguyên nhân hàng đầu với 41%; sản giật, tiền sản giật là 21,3%; nhiễm khuẩn sản khoa là 16,6%; phá thai không an toàn là 11,5%. Trong số các nguyên nhân gây băng huyết có thể do nhau tiền đạo, đờ tử cung, vỡ tử cung, rách âm đạo, cổ tử cung, tầng sinh môn...
Một số bác sĩ sản khoa cũng chia sẻ thực tế họ gặp rất nhiều trường hợp sản phụ chủ quan bỏ qua những biểu hiện nguy cơ xảy ra tai biến sản khoa. Không ít trường hợp các bà bầu đi khám thai chỉ lăm lăm muốn biết thai nhi mang giới tính gì, phát triển ra sao, có dị tật hay không chứ tuyệt nhiên không để ý đến những thông tin về sức khỏe tổng quát của thai phụ, kể cả những yêu cầu tối thiểu là đo huyết áp và xét nghiệm nước tiểu của mẹ.
ThS. BS Lưu Quốc Khải cho rằng: “Việc hạn chế các tại biến sản khoa phụ thuộc và việc tiên lượng bênh, năng lực. trình độ của nhân viên y tế. cũng như cơ sở vật chất trong quá trình cấp cứu, chuyển viện”.
ThS.BS Lưu Quốc Khải - Trường Khoa Đẻ, BV phụ sản Hà Nội "Tiên lượng sớm và cấp cứu kịp thời sẽ hạn chế tối đa rủi ro do tai biến sản khoa" |
Đã có nhiều vụ tai biến sản khoa đã xảy ra trong thời gian gần đây. Thế nhưng, chưa có một y, bác sĩ nào đứng ra nhận trách nhiệm. Ngoài sự im lặng thì lý do chủ yếu mà các bệnh viện đưa ra trước gia đình và dư luận là do các tai biến sản khoa. Người dân cần những minh bạch về thông tin để trong nhiều trường hợp, tai biến sản khoa trở thành “bửu bối”, che chắn trách nhiệm cho các bác sĩ, bệnh viện…
Mời độc giả xem video: Bệnh viện tắc trách, nữ sinh lớp 10 phải cưa oan một chân gây phẫn nộ: