Kiến Thức đã phỏng vấn TS Trần Đình Bá – tác giả của Chiến lược Hàng không Việt Nam - về vấn đề này:
- Thưa ông, ông có bất ngờ với chủ trương sẽ tách Jetstar Pacific ra khỏi Vietnam Airlines mà Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa tiết lộ mới đây?
- Là người tâm huyết với sự nghiệp hàng không, trăn trở với sự tụt hậu của ngành hàng không nước nhà, tôi không bất ngờ với tiết lộ này mà thực sự rất mừng.
Trong bối cảnh hàng loạt hãng hàng không giá rẻ đã bị phá sản (Indochina Airlines, Air Mekong) hay thua lỗ đến mức phải sáp nhập (như Jetstar Pacific), thì việc bóc tách này có thể coi là một điểm sáng. Hơn nữa, Vietnam Airlines (VNA) đang thực hiện IPO thì việc Jetstar Pacific (JPA) phải tách ra khỏi VNA là hợp lý để tự hạch toán kinh doanh theo doanh nghiệp công ty cổ phần.
Ảnh minh họa: Vietstock. |
- Có nghĩa là ông tán thành chủ trương này?
- Tôi không chỉ tán thành mà còn rất mừng nếu chủ trương này sớm được thực hiện. Xu thế hàng không giá rẻ đang thịnh hành trên thế giới. Có nhiều hãng hàng không sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tôi muốn Việt Nam cũng phải có khoảng 10 hãng hàng không giá rẻ như JPA, VietJet Air (VJA) để giảm đầu tư công cho Chính phủ, vừa tạo điều kiện cạnh tranh.
Tôi còn tha thiết đề nghị để cho tất cả các hãng hàng không được bình đẳng đấu thầu đường bay nhằm cạnh tranh lành mạnh, cho nhân dân mọi miền được thực sự tiếp cận với hàng không giá rẻ mà không có hiện tượng độc quyền hoặc giá cả đắt đỏ, khiến nhiều người muốn bay nhưng vẫn phải e dè vì vấn đề tài chính.
- Đây không phải là lần đầu hai hãng hàng không này bóc - tách với nhau. Theo ông, tại sao lại có sự "quẩn quanh" như thế?
- Theo tôi, việc JPA nhập vào VNA là một sai lầm bởi quan đểm độc quyền. Nay tư tưởng này không còn phù hợp nữa. Hơn nữa, VNA đang IPO nên việc bóc tách là hoàn toàn hợp lý.
- Sau bóc tách, ông đánh giá thế nào về sự sống còn của Jetstar Pacific?
- Theo tôi, còn rất mong manh. Đây mới là tín hiệu đáng mừng cho hành khách tránh được kiểu độc quyền, các hãng tránh được việc cạnh tranh không lành mạnh. Song ngành hàng không nước nhà vẫn không thể phát triển nếu Cục Hàng không vẫn còn giữ tư duy “bế quan tỏa cảng” .
Tôi mong phải đổi mới tư duy và cả tổ chức của Cục HKVN để ngành hàng không đi đúng xu thế đổi mới hội nhập quốc tế, tránh hiện tượng phá sản như ICA và MCA.
- Hành khách sẽ được lợi gì từ việc này, thưa ông?
- Nếu JPA tách khỏi VNA thì các sân bay sẽ có nhiều hãng tham gia và VNA cũng không thể cứ độc quyền khai thác. Điều này sẽ khiến người dân, hành khách đi máy bay được hưởng dịch vụ và giá cả hợp lý. Đây chắc chắn là tin vui cho hành khách đi máy bay.
- Xin cảm ơn ông!