Ảnh được chụp vào ngày 15/4 mô tả một người đàn ông Syria ở miền quê Al Raqqa đang đổ dầu thô vào một cái hố để tinh chế.
Syria không phải là nhà sản xuất dầu mỏ lớn như Libya và cũng không phải là một điểm trung chuyển chính trong hoạt động xuất khẩu dầu khí như Ai Cập.
Trước khi bị áp đặt các biện pháp trừng phạt, Syria sản xuất khoảng 370.000 thùng dầu mỗi ngày, bằng khoảng 0,4% nguồn cung cấp toàn cầu. Trong đó, Syria xuất khẩu ít hơn 150.000 thùng dầu mỗi ngày, chủ yếu là cho thị trường Châu Âu.
Gần đây, năng lực sản xuất của Syria được ước tính chỉ vào khoảng 50.000 thùng dầu mỗi ngày, tất cả đều được tinh chế trong nước.
Do đó, Syria buộc phải nhập khẩu sản phẩm dầu từ nước ngoài và buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của đồng minh chiến lược Iran.
Hành động quân sự chống lại Syria có thể có ảnh hưởng đến các nỗ lực của phương Tây để gây sức ép lên Tehran về chương trình hạt nhân của nước này khi các lệnh trừng phạt của phương Tây làm ngành xuất khẩu dầu của Iran giảm chỉ bằng một nửa so với hai năm trước. Ngày nay, Cộng hòa Hồi giáo cung cấp khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày cho thị trường Châu Á và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Một cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu nhắm vào Syria sẽ khiến tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran khó khăn hơn. Chiến tranh sẽ khiến Tổng thống Iran Hassan Rouhani không có được cơ hội để thử đi trên một con đường khác”, nhà phân tích Olivier Jakob của hãng Petromatrix cảnh báo.
Trong khi đó, tình hình an ninh tại Iraq, nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của OPEC đã xấu đi đáng kể vì cuộc khủng hoảng Syria, Helima Croft, một nhà phân tích tại Barclays.
“Syria đã khoét rộng và làm sâu sắc thêm vết rạn nứt phe phái ở Iraq với chính phủ chủ yếu là người Shiite của Thủ tướng Maliki được tin là đứng về phía chế độ Assad trong khi các lãnh đạo đối lập người Sunni của Iraq ủng hộ quân nổi dậy.
Một cuộc chiến Syria cũng có khả năng làm trầm trọng thêm căng thẳng tại các nước sản xuất dầu mỏ lớn với dân số đáng kể là người Shiite như Saudi Arabia và Kuwait.
“Syria đang đối mặt với cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa các cường quốc thế giới và khu vực bao gồm Mỹ, phương Tây, Iran, Nga, Saudi Arabia, Kuwait", nhà phân tích Amrita Sen của hãng Energy Aspects bình luận.
Ngoài ra, nhà phân tích Jakob của hãng Petromatrix cũng nhấn mạnh thêm rằng, chiến sự ở Syria nhiều khả năng tạo ra rủi ro đối với việc vận chuyển dầu thô ra khỏi lãnh thổ Iraq và Azerbaijan.
"Vịnh Iskenderun, ở Thổ Nhĩ Kỳ cách biên giới Syria vài km là tuyến đường xuất khẩu chính đưa dầu thô ra khỏi lãnh thổ Iraq và Azerbaijan" ông Jakob cho hay.