Tạp chí Jane’s Defence Weekly cho biết, lực lượng quân nổi dậy Syria mới đây đã đăng tải một đoạn clip quay lén tiết lộ rằng một số máy bay tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới MiG-25 (NATO định danh là Foxbat) của Không quân Syria vẫn còn hoạt động.
Không quân Syria (SAAF) đã mua một số lượng không rõ tiêm kích đánh chặn MiG-25 - một trong những máy bay quân sự nhanh nhất từng được chế tạo từ cuối những năm 1970, với 4 biến thể gồm: tiêm kích đánh chặn MiG-25P và MiG-25PD (sau đó đã được nâng cấp lên chuẩn MiG-25PDS); máy bay ném bom - trinh sát MiG-25RB và máy bay huấn luyện MiG-25PU.
MiG-25. |
Những chiếc MiG-25 của SAAF được cho là đã bị loại biên chế vào năm 2011. Nhưng những hình ảnh vệ tinh đã cho thấy là MiG-25 vẫn đang hoạt động tại căn cứ không quân Tiyas (còn gọi là T4).
Hình ảnh vệ tinh ngày 28/11/2013 cho thấy có 28 chiếc MiG-25, phần lớn đậu xung quanh đường băng, nhưng có 12 chiếc đã được kéo ra sa mạc do có thể là đã hỏng hóc và bị bỏ đi. Hình ảnh được chụp ngày 1/1/2014 cho thấy trong suốt hai tháng, không có chiếc nào trong số 28 máy bay được chuyển đi.
Tuy nhiên, một video được quay bởi một nhóm nổi dậy hôm 8/8/2012 cho rằng một số máy bay MiG-25 có thể đang hoạt động tại căn cứ không quân Tadmur (Palmyra), cách sân bay Tiyas 60km về phía đông.
Video cho thấy hai chiếc tiêm kích đánh chặn MiG-25PD/PDS dường như đang hoạt động và một máy bay huấn luyện MiG-25PU trên đường băng tại căn cứ (được cho là) Tadmur, không có máy bay trinh sát MiG-25RB được nhìn thấy.
Ảnh vệ tinh cho thấy những chiếc MiG-25 ở Tiyas. |
Hai video được tung ra vào tháng 3 đã khẳng định điều này, cả hai đều quay một chiếc MiG-25 bay trên vùng trời Uqayribat, một thị trấn cách căn cứ không quân Tiyas 60km về phía bắc và xa hơn một chút từ căn cứ Tadmur.
Qua đoạn video, rất khó có thể xác định biến thể của chiếc MiG-25 này. Nhưng theo tác giả, máy bay vừa trở về từ một cuộc ném bom, nên đó có thể là biến thể MiG-25RB có khả năng tấn công mặt đất.
Các chuyên gia của Jane’s nhận định: “Có vẻ như Không quân Syria chưa bao giờ chính thức loại bỏ MiG-25 khỏi biên chế, điều đơn giản có lẽ là sự khan hiếm nhiên liệu làm chúng ít có khả năng cất cánh. Do lực lượng Su-22, Su-24 và MiG-23 đang ngày càng hao mòn do cường độ hoạt động cao và hỏa lực phòng không của quân nổi dậy, Syria đã phải sử dụng những máy bay không chuyên về nhiệm vụ tấn công mặt đất như MiG-23MF/ML, MiG-29 và bây giờ là cả máy bay MiG-25RB.
MiG-25 Không quân Syria. |
Rất có thể máy bay MiG-25 sẽ cất cánh trở lại để bảo vệ các máy bay ném bom của Syria, sau sự kiện một chiếc MiG-23 của Syria bị F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-25PD/PDS trang bị tên lửa R-40RD với đầu dò radar bán chủ động và tên lửa hồng ngoại R-40TD, sẽ khiến các phi công Thổ Nhĩ Kì phải suy nghĩ hai lần trước khi quyết định tấn công không quân Syria một lần nữa”.
MiG-25 là mẫu tiêm kích đánh chặn nổi tiếng do Cục thiết kế OKB MIG (Liên Xô) nghiên cứu phát triển từ những năm 1960-1970. Sự xuất hiện của MiG-25 khi đó từng khiến giới quân sự Mỹ, phương Tây, Israel "kinh hồn bạt vía" trong suốt nhiều năm.
Được trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực có đốt phụ Tumansky R-15B-300, MiG-25 có thể đạt tốc độ Mach 3,2 (khoảng 3.470km/h) giúp nó giữ danh hiệu "máy bay chiến đấu nhanh nhất thế giới" từ khi ra đời tới tận ngày nay. MiG-25 không có pháo mà chỉ mang được 2 tên lửa không đối không dẫn bằng radar R-40R (tầm bắn 30-60km) và 2 tên lửa dẫn hồng ngoại R-40T.