Trụ cổng trường ở Lào Cai đổ sập, 6 học sinh thương vong |
Chiều 7/9, trong khi một nhóm học sinh, trẻ mầm non ở Điểm trường Bản Phung, Trường Tiểu học-Mầm non Khánh Yên Thượng (xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) chơi ở cổng trường, trụ cổng đổ sập làm 3 em tử vong, 3 em phải nhập viện cấp cứu. Sáng 10/9, tại Trường Tiểu học Kim Đồng, tỉnh Lào Cai, một chiếc quạt trần lỏng trục, rơi xuống khiến 1 học sinh bị rách trán phải cấp cứu. Sau khi sự việc xảy ra, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Anh Ninh, đứng ra nhận trách nhiệm; UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu ngành giáo dục phối hợp các đơn vị rà soát các trường học, đặc biệt là công trình xã hội hóa.
Sáng 11/9, giờ ra chơi, em N.H.L., học sinh lớp 5C Trường Tiểu học Nam Lộc (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), bị tường rào nhà dân gần cổng trường đổ sập vào người, tử vong. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, bình thường, trong giờ học, cổng trường đóng, học sinh không được ra ngoài, nhưng hôm 11/9, trường mở cổng cho xe chở cây cảnh vào trong. Giờ ra chơi, em L. lẻn ra ngoài và không may gặp sự cố.
Tại Hà Nội, sự việc một học sinh 6 tuổi tử vong trên xe đưa đón ngay trong ngày đầu đến trường (Trường quốc tế Gateway) năm ngoái khiến nhiều trường lo lắng, siết quy trình, tập huấn đội ngũ. Nhưng sáng 9/9, một học sinh lớp 3 của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn bị bỏ quên trên xe đưa đón. Cô phụ trách xe và tài xế đã bỏ qua việc kiểm tra nên để sót một học sinh ngủ trên xe.
Sau 45 phút, học sinh tỉnh dậy, thấy một mình trên xe nên tìm cách mở được cửa xe từ bên trong để đi vào trường. Trên đường vào trường, em gặp hai cô giáo và báo xe đến muộn nhưng hai cô cũng không hỏi gì thêm. Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm và Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm trả lời báo chí rằng, họ có quy trình đưa đón, kiểm tra sĩ số học sinh chặt chẽ.
Nhưng thực tế, em học sinh vắng mặt 45 phút, không ai rà soát, phát hiện ra. Chỉ đến 4 giờ chiều khi em học sinh về nhà, kể với gia đình thì nhà trường mới biết đến sự việc. Sau sự cố, nhà trường yêu cầu siết quy trình, đẩy giờ báo cáo sĩ số lên sớm hơn, kỷ luật những người liên quan. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn bày tỏ lo lắng vì theo họ, quy trình là một chuyện, nhưng người vận hành, thực hiện có làm hết trách nhiệm hay không lại là chuyện khác.
Cũng tại Hà Nội, sau bữa ăn bán trú đầu tiên năm học mới của Trường Tiểu học Tiên Dương (huyện Đông Anh), hàng chục học sinh có triệu chứng giống ngộ độc thực phẩm, một số em phải nhập viện cấp cứu.
Hiệu trưởng chịu trách nhiệm
Ở góc độ quản lý trường học có khoảng 1.500 học sinh, bà Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), thừa nhận, học sinh đến trường thường xuyên đối mặt nhiều nguy cơ, từ điện giật, kính vỡ, cây đổ đến ngộ độc thực phẩm, nhất là khi trường không đủ diện tích đất để xây nhà bếp, phải đặt suất ăn ở ngoài. Vì thế, Ban giám hiệu cũng ăn chung với học sinh, kiểm tra thường xuyên cũng như đột xuất các khâu, từ chế biến đến đưa suất ăn vào trường. Những hạng mục khác, ngay từ khi nghỉ hè, trường phải thuê các công ty chuyên nghiệp về kiểm tra, sửa chữa nếu có nguy cơ.
Giáo viên nhận lớp, hiệu trưởng cũng yêu cầu thường xuyên kiểm tra quạt, điều hòa, cây nước, kính cửa sổ…Hằng tuần, trường đều nối ống với trụ nước phòng cháy chữa cháy để rửa sân, cũng là cách để vận hành hệ thống nước thông suốt, tránh tình trạng khi có sự cố lại không có nước. Trước thềm năm học mới, trường xin đốn một cây bạch đàn ngay giữa sân trường nghiêng sắp đổ. “Có những công trình trong trường học, người quản lý không được giám sát cũng khó. Ví dụ, trước đây, hệ thống gạch lát ở sân bị làm dối, gạch vỡ liên tục, lật ra toàn cát, không có tí xi măng nào. Sau này, khi được cải tạo, xây nhà thể chất, Ban giám hiệu quản lý, giám sát kỹ mới đảm bảo chất lượng”, bà Hoa nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nói rằng, hàng loạt sự việc xảy ra cho thấy, nhiều trường học chưa coi sự an toàn là trên hết. Trách nhiệm đảm bảo an toàn cho học sinh thuộc về hiệu trưởng, nhưng hiệu trưởng chưa làm hết trách nhiệm về đưa ra quy trình, phân công trách nhiệm từng người cụ thể. “Không phải đợi đến lúc cái quạt trần rơi, cổng trường đổ mới biết nó hỏng mà những gì liên quan trong trường phải được kiểm tra thường xuyên”, ông Lâm nói.
Ông Lâm cho rằng, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì lan can thấp, học sinh đùa nghịch đẩy nhau ngã, học sinh đuổi nhau chạy ở cầu thang, học sinh đu cánh cổng, quạt trần, đường điện, cây xanh…đều trở thành mối nguy đối với các em. Theo ông, những sự việc như bỏ quên học sinh trên xe cho thấy việc không quy rõ trách nhiệm, không thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình và những người thực hiện.
“Ngay cả lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT cũng không cần ban hành quá nhiều văn bản mà nên đi kiểm tra đột xuất từng trường thực hiện các giải pháp an toàn ra sao. Nếu vi phạm, xử lý nghiêm người đứng đầu mới có hiệu quả”, ông Lâm đề xuất.
Cổng trường xây trụ gạch, không cốt thép
Qua xác minh ban đầu, lực lượng chức năng xác định, trong lúc chờ vào lớp học buổi chiều tại Ðiểm trường Bản Phung, Trường Tiểu học-Mầm non Khánh Yên Thượng, một số em rủ nhau đu cánh cổng. “Do đông học sinh đu bám, nên trụ cổng và cánh cổng bị đổ sập, đè lên người 6 học sinh, khiến 3 học sinh tử vong và 3 học sinh bị thương”, Công an tỉnh Lào Cai thông tin. Lãnh đạo Công an tỉnh trực tiếp đến hiện trường vụ tai nạn kiểm tra, chỉ đạo Công an huyện Văn Bàn nhanh chóng bảo vệ hiện trường, phối hợp các đơn vị nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra vụ việc. Ðoàn công tác của Công an tỉnh Lào Cai, Công an huyện Văn Bàn đã đến thăm hỏi, chia buồn, động viên, hỗ trợ 3 gia đình có học sinh tử vong mỗi gia đình 3 triệu đồng, hỗ trợ 3 học sinh bị thương mỗi cháu 1 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND huyện Văn Bàn nói rằng, năm 2016, chính quyền xã Khánh Yên Thượng huy động được 151 triệu đồng từ nguồn vốn xã hội hóa và số tiền này sau đó được dùng để xây dựng cổng trường chính (Trường Tiểu học-Mầm non Khánh Yên Thượng) và cổng trường phân hiệu (Ðiểm trường Bản Phung). Trước thông tin trụ cổng trường không có thép, vị lãnh đạo này nói rằng, loại cổng trường xây trụ gạch không có cốt thép bên trong là hoàn toàn bình thường, không hiếm gặp ở Lào Cai.