Kết quả kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cung cấp cho thấy: trong các mẫu kiểm nghiệm, hàm lượng nhôm trong sản phẩm dao động từ 3,0 - 3,44 mg/kg.
Thông tin sữa nhiễm nhôm khiến người tiêu dùng lo lắng.
Tuy nhiên, liên quan đến mức giới hạn tối đa an toàn của nhôm trong thực phẩm, Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm của quốc tế (CODEX) và các quốc gia (trong đó có Việt Nam) chưa quy định, ngay cả đối với các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ. Năm 2011, trên cơ sở các nghiên cứu về độc học, Ủy ban hỗn hợp chuyên gia của FAO và WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA) đã thiết lập mức ăn vào hằng tuần có thể chấp nhận được (Provisional Tolerable Weekly Intake) đối với phơi nhiễm nhôm qua thực phẩm là 2 mg/kg thể trọng/tuần.
Căn cứ theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và lượng ăn vào của trẻ, chúng tôi đã ước tính lượng nhôm phơi nhiễm tối đa có thể có đối với trẻ nhỏ khi sử dụng hoàn toàn sản phẩm dinh dưỡng (0,49 - 0,56 mg/kg thể trọng/tuần) là thấp hơn so với ngưỡng an toàn của JECFA nêu trên.
Trên thực tế, trẻ dưới 1 tuổi thường ăn sữa mẹ là chủ yếu và một số trẻ có thể sử dụng thêm sản phẩm dinh dưỡng công thức khi không đủ sữa mẹ. Do vậy, trong trường hợp này, mức phơi nhiễm nhôm vào cơ thể trẻ sẽ thấp hơn mức ước tính nêu trên.
Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục chỉ đạo các cơ quan kiểm nghiệm tiến hành lấy mẫu trên diện rộng để kiểm nghiệm hàm lượng nhôm đối với các sản phẩm Aptamil xuất xứ Anh đang lưu thông trên thị trường. Đồng thời, ngày 16/10/2013 Cục đã gửi văn bản chính thức tới Đại sứ quán Anh tại Hà Nội để yêu cầu cung cấp thông tin có liên quan và các biện pháp mà Cơ quan thẩm quyền của Anh đã áp dụng để kiểm soát nguy cơ này.
Trước đó, khi có thông tin về một số sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ được sử dụng phổ biến ở Vương quốc Anh có hàm lượng nhôm cao, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành rà soát các sản phẩm dinh dưỡng công thức nhập khẩu từ Anh đã công bố sản phẩm tại Cục.
Cục đã chủ động liên hệ ngay với Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Vương quốc Anh (FSA) và Cơ quan An toàn thực phẩm của Châu Âu (EFSA) để có thông tin chính thức về vấn đề này, đồng thời yêu cầu Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành lấy mẫu, kiểm nghiệm hàm lượng nhôm đối với các sản phẩm Aptamil có xuất xứ từ Vương quốc Anh đang lưu thông trên thị trường Việt Nam.