Thế nhưng, điều đó dường như rất xa vời. Vì vậy, sơ vẫn ngày đêm túc trực 24/24 để mong sao có thể đưa được các thai nhi xấu số về nghĩa trang chôn cất.
Cái duyên với nghề “nhặt xác thai nhi”
Vượt hơn 200km từ TP.HCM về tới TP. Bảo Lộc, (tỉnh Lâm Đồng), men theo con đường dẫn vào Mái Ấm Tín Thác, chúng tôi may mắn được trò chuyện với người đàn bà 6 năm trời đi thu, gom, nhặt những sinh linh xấu số.
Nghĩa trang Thanh Xuân nơi được mọi người biết đến với tên gọi "Nghĩa trang Thai nhi". |
Tiếp chuyện chúng tôi khi mới hồi phục lại sức khỏe, đưa ánh mắt nhìn về phía xa xăm, sơ Hường bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về hành trình đi nhặt xác thai nhi của mình.
Sơ kể: “Có lần đang đi trên đường thì thấy một con chó đang ăn một cái gì đó trong túi nilong đen. Đang định bước đi tiếp thì linh cảm mách bảo sơ phải quay lại chỗ đó, thấy vậy sơ liền rượt con chó đi chỗ khác và kiểm tra xem trong đó có thứ gì, thì phát hiện có một hài nhi còn đỏ hỏn. Con tim mách bảo sơ phải mang hài nhi đó về chôn cất và nhang khói cho em."
Từ đó trở đi, hàng ngày sơ Hường lại bắt đầu đi khắp các nẻo đường trong TP Bảo Lộc, có khi ở các bệnh viện, trạm xá, ven đường, sọt rác, đến các buôn làng…để tìm, nhặt các hài nhi xấu số bị chính người làm cha, làm mẹ ruồng bỏ để đưa các em về đây an nghỉ.
Nghĩa trang Thanh Xuân là nơi yên nghỉ của hơn 7.500 thai nhi xấu số. |
Quy trình chôn cất cũng được sơ và những người thiện nguyện tiến hành một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Những vật dụng như cồn, bông, gạc. gạch ốp lát tất cả đều được sơ chuẩn bị đầy đủ. Ngoài ra sơ cũng chuẩn bị thêm tất cả các loại hộp từ 01 tháng tuổi cho đến 09 tháng tuổi.
“Có những em lớn nhất được sơ đưa về là 09 tháng tuổi, còn bây giờ 07, 08 tháng nhiều lắm.Trên mỗi ngôi mộ sơ đều đặt tên cho các em theo tên thánh, cùng với ngày sinh của em để các em có một ngày kỷ niệm đó là ngày vừa sinh vừa tử luôn”, sơ Hường nói.
Mỗi một ngày trôi qua cũng đồng nghĩa với số lượng các hài nhi được chôn cất tại đây cũng tăng theo. Nhiều người biết được việc làm ý nghĩa này của sơ cũng thường xuyên đến làm thiện nguyện. Hiện tại trong Mái Ấm Tín Thác có 6 người làm ban ngày, 2 người trực ban đêm do sơ thuê để chăm sóc các em nhỏ. Bên cạnh đó những người làm bếp ở đây đều là thiện nguyện.
Một trong số đó, cô Nguyễn Thị Thảo (SN 1951), người nhiều năm làm thiện nguyện cho Mái Ấm Tín Thác, cho biết: “Từ khi biết đến Mái Ấm Tín Thác cùng với những công việc ý nghĩa mà sơ Hường đang làm, tôi thương các em bị bỏ rơi tội nghiệp nên đưa các em về đây chôn cất”.
Sơ Hường luôn túc trực ở các bệnh viện, bất cứ chỗ nào có thai nhi bị bỏ rơi sơ đều đến đó để xin về chôn cất.
Nỗi niềm của người đàn bà suốt 6 năm nhặt xác “thai nhi”
Được biết, sơ Hường sinh ra và lớn lên trong nhà Giòng Mến Thánh Giá thuộc Giáo phận Đà Lạt, trước đây sơ cũng là một người bình thường như bao người khác. Nhưng sơ lại chọn cho mình một công việc mà không phải ai cũng có thể làm được.
Sơ nói: “Khi chứng kiến những sinh linh bé nhỏ chưa thành hình, có những em đã thành hình như một đứa trẻ nhưng chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời, chưa kịp cất tiếng khóc, chưa kịp gọi tên cha, gọi tên mẹ…thì đã bị cướp đi quyền được làm người. Chính điều đó đã thôi thúc sơ tiếp tục làm công việc “nhặt xác” thai nhi cho đến tận bây giờ."
Tại đây mỗi thai nhi sẽ được sơ Hường đặt tên theo thánh cùng với ngày sinh của em để các em có một ngày kỷ niệm đó là ngày vừa sinh vừa tử. |
Là một người con của nhà Giòng, sơ Hường dường như cảm nhận và thấu hiểu được suy nghĩ của các em. Chính điều đó đã thôi thúc sơ làm những công việc mà nhiều người thường gọi là “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Bỏ ngoài tai những lời nói đó, cũng như được sự ủng hộ của nhà Giòng sơ vẫn ngày đêm miệt mài tìm kiếm những hài nhi xấu số để mang về nghĩa trang chôn cất.
Trong 6 năm qua sơ đã chứng kiến biết bao số phận, biết bao sinh linh vô tội bị những người làm cha, làm mẹ bỏ đi chính giọt máu của mình mà sơ không cầm nổi nước mắt.
Cũng chính từ suy nghĩ mong muốn cho các sinh linh vô tội có nơi yên nghỉ. Vì vậy, vào năm 2009, sơ Hường đã thành lập nên Nghĩa trang Thanh Xuân (Thuộc Giòng Mến Thánh Giá của Giáo phật Đà Lạt”.
Hàng ngày sẽ có người nhang khói, thay hoa cho các em. |
Mới đầu Nghĩa trang Thanh Xuân chỉ có hai thai nhi được sơ nhặt ở thùng rác ven đường, rồi mang về đây chôn cất. Nhưng chỉ sau 6 năm, Nghĩa trang này đã là nơi yên nghỉ của hơn 7.500 thai nhi xấu số bị bỏ rơi không tên, không ai biết cha mẹ của những hài nhi này là ai. Có những hài nhi được nhặt trên đồi cà phê, bên vệ đường, trong bệnh viện, trong cơ sở nạo phá thai tư nhân trên địa bàn Thành phố Bảo Lộc khi đã trút hơi thở cuối cùng để đi về cõi vĩnh hằng.
Hàng năm, cứ vào dịp tháng 7 và tháng 11 thường có rất nhiều người đến Nghĩa trang Thanh Xuân để thắp hương cho những em bé xấu số. Nhiều đêm sơ không thể nào mà chợp mắt được, cứ nghĩ đến các em nhỏ bị bỏ như vậy sơ buồn mà không biết phải làm gì hơn ngoài công việc mà sơ đang làm.
Mong ước lớn nhất của sơ Hường bây giờ là các bà mẹ có ý thức hơn, đừng phá thai nữa. Hơn nữa, những người thân trong gia đình đừng bắt con cái họ bỏ đi giọt máu của chính mình mà tội nghiệp.
Quan tâm đến những em còn sống nhiều hơn
Trước lúc chia tay ra về, chúng tôi được sơ Hường tâm sự thêm về ý định của sơ trong những năm tới đó là: Sơ sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi nào mình không đủ sức nữa mới thôi. Vừa chôn cất thai nhi vừa chăm sóc cho 75 em may mắn có được sự sống, nhưng sơ sẽ chú ý quan tâm đến những em còn may mắn ấy nhiều hơn. Ngày nào còn có sơ, thì ngày đó các thai nhi sẽ được chôn cất tử tế và các bé mồ côi cũng có nhà ở, sẽ được học hành nên người.