Tiếc là ít tư liệu nhắc đến nên không mấy người được tỏ tường. Ngọn núi kỳ lạ này có tên là núi Kim Nhan cao 1.340 mét, nay thuộc địa phận huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Một số sách địa chí có viết sơ qua về núi Kim Nhan, như trong sách Dư địa chí thuộc bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có chép như sau:
“Núi Kim Nhan ở trại Kiệt Trường, huyện Thanh Chương. Tương truyền người nào chết thì tinh thần tất phải về ở đấy. Lạp Phong Nguyễn có vịnh thơ rằng:
Cô cao đương huyện sách,
Bình địa khởi Kim Nhan.
Thần bút xung tiêu hán,
Tiên hồ lạc thế gian.
Song điều sơn giới khẩn,
Sổ lý thạch căn bàn.
Thu tận tinh linh khí,
An Nam tiểu Thái Sơn”.
Lạp Phong Nguyễn mà sách Dư địa chí có nhắc đến chính là một danh hiệu của Nguyễn Thiếp, một bậc danh sĩ sống vào giai đoạn cuối triều Hậu Lê, triều Tây Sơn và đầu triều Nguyễn. Bài thơ vịnh của ông được dịch nghĩa như sau:
Đứng cao một mình ở ngay địa phận một làng trong huyện,
Chỗ đất bằng nổi lên núi Kim Nhan.
Thế núi như ngọn bút thần chỉ lên trời,
Vẻ đẹp như chiếc bầu tiên rơi xuống thế gian.
Hải dải núi sát gần với nhau,
Vài dặm dài đá chằng chịt lại.
Thu hết cả khí linh thiêng của người chết,
Thực là núi Thái Sơn nhỏ của nước Nam ta.
(Người dịch: Ngô Hữu Tạo, Trần Huy Hân)
Tiến sĩ triều Nguyễn là Dương Thúc Hạp (1835-1920) trong sách An Tĩnh sơn thủy vịnh (còn gọi là Nghệ Tĩnh sơn thủy vịnh), một tập thơ địa chí viết về sông núi ở An Tĩnh (tức hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) tại mục Thanh Chương huyện có bài thơ vịnh về núi Kim Nhan như sau:
Kệ Trường lạc hạ thử Kim Nhan,
Hùng trấn Thanh Chương nhất thắng quan.
Thương thúy vọng trung nham sắc tú,
Siêu nghiêu thiên tế bút phong toàn.
Hồi loan nhã thổ liên hoa trạng,
Tiếu bích như du trúc duận ban.
Bất giả “thu tinh” hoang đản thuyết,
Thần kỳ tối thị nhất danh san.
Cảnh đẹp trên đỉnh núi thiêng.(Hình minh họa – Nguồn: vi.pngtree.com). |
Ở phần tiểu dẫn, tác giả viết: “Núi thuộc địa phận sách Kệ Trường, là núi có tiếng ở huyện Thanh Chương. Mạch từ dãy núi lớn xuống, nổi lên một ngọn núi cao chọc trời, đỉnh nhọn như hình bút, vừa giống búp măng. Dưới chân núi, bốn phía núi vây quanh, trông tựa búp hoa sen. Trên núi có hốc đá, giữa hốc có hang sâu, người không thể đến được. Tương truyền, xưa nay thường thấy có một vệt ánh sáng dài như dải lụa, hoặc lớn như mui xe, hoặc nhỏ như ngọn đuốc, từ nhiều phía khác nhau bay đến núi, vượt hốc đá, chui vào hang này, tức khắc lóe sáng, cung lúc ấy cả núi có tiếng động như tiếng sấm. Người ta cho đó là núi “thu tinh”, khi nào có bậc đế vương mất, tinh anh của họ được thu về núi này”.
Về địa giới, sách Kệ Trường xưa thuộc tổng Đặng Sơn, huyện Thanh Chương, sau đổi là xã Xuân Trường. Từ năm Canh Tý (1840) vua Minh Mạng đã cắtphần đất phía trên tổng Đặng Sơn nhập với một số tổng khác của huyện Nam Đường thành huyện Lương Sơn nay là huyện Anh Sơn, Nghệ An.
Mặc dù viết về điều kỳ lạ của núi nhưng Tiến sĩ Dương Thúc Hạp cho rằng đó là điều hoang đường, không đáng tin; do đó trong bài thơ của mình ông coi là “chuyện nhảm”. Bài thơ này được dịch như sau:
Kệ Trường nổi dậy dải Kim Nhan,
Vững trấn Thanh Chương, một cảnh quan.
Trước mắt động lèn màu thắm biếc,
Lưng trời ngọn bút dáng chon von.
Chân như sen nở, hoa ươm nhụy,
Đỉnh trổ măng non, đá kẻ vằn.
Chuyện nhảm “thu tinh” không kể đến,
Thần kỳ, núi vẫn một danh san.
(Người dịch: Võ Hồng Duy)
Dân gian quan niệm về sự linh thiêng của ngọn núi Kim Nhan như vậy, coi nó là nơi mà tinh khí của đế vương, của người dân đều tụ về nên mới có tên gọi là Thu Tinh (còn có tên gọi khác là núi Tàng Hồn); người ta còn căn cứ vào hình miệng cá trên đỉnh mà gọi núi bằng cái tên rất dân dã là lèn Mẻ. Tuy nhiên, giống như Tiến sĩ Dương Thúc Hạp, một số người chỉ coi đây là một ngọn núi có danh tiếng và hoàn toàn bác bỏ tính huyền ảo mà người ta nói về nó.
Một vị tiến sĩ triều Nguyễn khác tên là Đặng Xuân Bảng (1828-1910) trong tác phẩm Sử học bị khảo viết ngắn gọn về núi này như sau: “Nghệ An có núi Kim Nhan ở huyện Lương Sơn, cũng gọi là núi Thu Tinh, rất cao. Tương truyền người ta chết thì tinh thần về đấy cả. Nay xếp vào hàng tự điển”.
Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng. (Hình minh họa – Nguồn: ngheandost.gov.vn). |
Có lẽ phân tích rõ ràng và chi tiết nhất phải nhắc đến Bùi Dương Lịch (1757-1828), một trong những vị Tiến sĩ cuối cùng của nhà Hậu Lê. Trong tác phẩm Nghệ An ký, ông mô tả chi tiết về ngọn núi này, sau đó dùng lý lẽ, tài liệu lập luận và đi đến bác bỏ sự huyễn hoặc “thu tinh” mà người đời gán cho ngọn núi ấy:
“Núi Kim Nhan ở sách Kệ Trường, huyện Thanh Chương là ngọn núi có tiếng trong huyện. Núi đá cao ngất trời, dáng rất nhọn như cây bút. Tục truyền người Giao Nam khi chết tinh khí đều tụ cả ở núi đó nên gọi là núi Thu Tinh. Sách Ốc lậu thoại biện giải về núi Thu Tinh rằng: “Từng thấy có người ở huyện Thanh Chương ghi chép về núi Kim Nhan huyện ấy có câu: Thu tận tinh anh khí/An Nam tiểu Thái Sơn (Thu hết khí tinh anh/Thực là núi Thái Sơn nhỏ ở An Nam). Hỏi thì người đó trả lời: Lạ thay núi này, thực là ngọn thần kỳ bậc nhất của Nam Việt.
Nay núi nằm ở sách Kệ Trường, xã Tri Lễ tại biên giới phía tây huyện. Mạch của nó chạy từ trong dải núi lớn lại, đến đó đột nhiên nổi lên một ngọn, đầu nhọn đẹp, cao ngất trời, trông như búp măng, mà xung quanh bao bọc bởi các núi nhỏ lại giống như một đóa hoa sen. Trên cùng có một hang đá, đến gần trông giống như miệng cá. Hang rộng, rất sâu, chưa có dấu chân người. Xưa nay thường có một luồng ánh sáng hồng rọi xuống núi đó, có khi dài như dải lụa, có khi to như tán xe, xuyên từ miệng vào trong hang. Đến gần thì thấy sáng rực trời, lại có khi có tiếng như tiếng sấm. Có lẽ các bậc vua chúa, các vị tướng văn tướng võ lúc chết thì khí tinh anh quy tụ ở đây, cho nên người đời gọi núi ấy là núi Thu Tinh”.
Sau khi mô tả về núi và sự ly kỳ mà người ta gán ghép để tạo lên tên gọi “Thu Tinh”, Bùi Dương Lịch lý giải về cái gọi là tinh anh như sau: “Người ta sinh ra, không ai là không bẩm thụ khí âm dương và ngũ hành. Nếu được khí linh tú ngưng kết thành hồng quang thì khí đục bẩn ắt phải ngưng kết thành hắc ám. Linh tú thì ít mà đục bẩn thì nhiều, sao loại ít thì thường thấy mà nhiều thì tuyệt nhiên không thấy bao giờ. Như vậy lời nói bảo là nghĩa tinh anh thật sai lắm vậy! Vả lại, hang núi tất phải có đáy, mà đã có đáy thì tất phải có hạn lượng, từ xưa đến nay khí tinh anh có biết bao nhiêu mà kể. Vậy thì hang thu chứa sao cho hết được. Nếu chứa không hết thì đẩy ra ngoài chăng, hay khí tan rồi nhập vào đá? Trong khoảng trời đất, không vật nào là không có khí, còn khí thì còn vật. Đá mà đã có khí thì những khí ở ngoài không thể lọt vào được; nếu đá không có khí thì đá phải tự mục nát tiêu tan, còn đâu nghiễm nhiên làm đá mà dung nạp khí tinh anh ấy được”.
Chong đèn viết sách, làm thơ. (Hình minh họa – Nguồn: http://hobuivietnam.com.vn). |
Tiếp đó, ông lại lập luận rằng: “[Người ta] thường nói rằng: khí âm u ở hang núi thường sinh ra loài ma quỷ, đó không phải là khí tinh anh của núi. Vậy làm sao mà tích tụ được khí tinh anh của người… Từ khi có vũ trụ đến nay, các bậc vua chúa, các vị tướng võ tướng văn có ghi chép trong sử sách đều có thể khảo cứu được, nhưng chưa từng nghe nói người nào chết đi mà khí tinh anh nhập vào núi bao giờ.
Núi Kim Nhan ở cõi Nam, cao không quá một ngàn nhận [1 nhận = 8 thước cổ] lớn chỉ bằng vài xã, nên chỉ là một khối đá trong khoảng trời đất mà thôi. Và so với các núi ở châu Hoan thì chỉ bằng một phần mười, trăm phần ngàn, sao được gọi là Thái Sơn của Việt Nam? Chính ngay như Thái Sơn cũng không có lẽ thu hết khí tinh anh, huống hồ chỉ [bằng] một khối đá của núi Thái Sơn. Đủ thấy là không biết cách suy tính ước lượng”.
Bùi Dương Lịch còn phân tích nhiều điều liên quan đến thuyết sống chết, tinh khí, hồn phách, khí âm khí dương… và kết luận rằng: “Người đời vốn mê hoặc về thuyết Di giáo như cỏ rối lấp dạ, nay thấy có sự việc xảy ra thì tin ngay. Những ngôi sao sa hoặc rơi xuống nơi nào đó, hoặc phát ra tiếng kêu ở khoảng không trung, vốn thường xảy ra, chứ không phải chỉ là rơi xuống núi ấy. Vậy là tích tụ lâu ngày rồi trở thành một thuyết mà đến những người có học cũng không biết là bị lừa dối, đó chỉ vì không hiểu rõ được chính đạo mà thôi”.
Cuối cùng Bùi Dương Lịch dẫn bài thơ vịnh núi Kim Nhan trong sách Ốc lậu thoại để làm phần kết cho mục viết về ngọn núi này như sau:
Thạch cốt trùng tầng kính,
Kim Nhan nhất thốc thành.
Cô tiêu hùng địa trấn,
Thần bút điểm thiên kinh.
Thiên Nhận theo toàn thế,
Tam Giang lãm thắng hình.
Thu tinh truyền vọng đản,
Chung cổ hoặc nan tinh.
Nghĩa là:
Xương đá nhiều tầng cứng,
Xanh xanh một ngọn trồi.
Nêu cao trấn hùng địa,
Bút thần điểm sách trời.
Thiên Nhận khống chế trọn,
Tam Giang hình thế tươi.
Thu tinh là chuyện bịa,
Mê hoặc vẫn chưa thôi.
(Người dịch: Bạch Hào)
Núi Kim Nhan còn gọi là núi Thu Tinh. (Hình minh họa – Nguồn: baonghean.vn). |
Có lẽ về sau này, câu chuyện núi Kim Nhan là nơi thu tinh khí của người chết không được mấy ai tin vào nữa do đó các tư liệu địa chí cũng ít nhắc đến. Thậm chí, mặc dù cũng được coi là danh sơn có tiếng của một vùng, nhưng nếu so với những ngọn núi khác trên đất Nghệ An như Khai Trướng, Đại Huệ, Dũng Quyết, Trà Sơn… thì núi Kim Nhan (còn gọi là Thu Tinh hoặc là núi Tàng Hồn) còn thua kém về danh tiếng. Và câu chuyện ly kỳ liên quan đến ngọn núi này chỉ còn thấy nhắc đến đôi chỗ và thoáng qua trong sử sách mà thôi.
Ngoài núi Thu Tinh ở Nghệ An thì tại xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cũng có núi Thu Tinh. Một điều lý thú cũng nên biết, còn có một núi thu linh khí của người, nhưng tên là Thụ Tinh; theo nội dung bản Ngọc phả ở đền Trung (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) thì ngôi đền được xây dựng trên quả núi có tên Thụ Tinh là nơi thờ Thánh Tản Sơn Tinh. Sở dĩ núi có tên như vậy, vì vị thần ngụ ở núi đó nói với Thánh Tản rằng: “Núi này phàm người ta mà chết đi, tất cả tinh thần (hồn phách) quay về đây, cho nên mới có tên là núi Thụ Tinh”. Nói xong, vị thần biến mất.
Theo bản Ngọc phả, trước cảnh núi non ấy, Thánh Tản mới đọc bài thơ rằng:
Tự Đế vương nhi ức triệu dân,
Quy thần đất tụ liễm tinh thần.
Thư truyền vị biên chân tương huyễn,
Diệu tưởng sơn danh phảng phất chân.
Nghĩa là:
Từ bậc Đế vương đến triệu dân,
Mất đi quy tụ tinh thần về đây.
Lời truyền hư, thực gió mây,
Núi cao phảng phất thấy đây rõ ràng.