* Bài viết có tham khảo các cuốn sách Bách khoa tri thức toàn dân và Tri thức quân sự.
Tàu ngầm là một loại tàu đặc biệt có khả năng hoạt động dưới mặt nước, có thể dùng cho mục đích dân sự và quân sự. Dẫu vậy, trong lịch sử phát triển, tàu ngầm thường dùng nhiều nhất cho hoạt động chiến đấu trên biển hơn là nghiên cứu khoa học.
Tàu ngầm là vũ khí chiến tranh trên biển không thể thiếu ngày nay. |
Tàu ngầm đầu tiên trên thế giới
Chiếc tàu ngầm đầu tiên trên thế giới do nhà vật lý người Hà Lan Cornelius Van Drebbel chế tạo vào thế kỷ 17.
Theo ghi chép, chiếc tàu ngầm do Drebbel chế tạo được làm bằng gỗ và vận hành bằng sức người. Bên ngoài kết cấu gỗ được bọc kín bằng da bò có quét sơn. Hai bên tàu có khoét lỗ cho mái chèo thò ra. Trong tàu có túi da dê dùng làm khoang nước ép tải. Người ta đổ đầy nước vào túi da dê làm cho tàu chìm xuống, khi muốn nổi lên thì hút nước từ túi da dê ra. Tàu ngầm này vận hành được nhờ sức chèo lái của thủy thủ. Độ lặn sâu của tàu từ 3,5m đến 4,5m.
Tàu ngầm có buồm đầu tiên trên thế giới
Tàu ngầm có buồm xuất hiện đầu tiên trên thế giới do một người Mỹ có tên là Robert Fulton chế tạo cho chính phủ Pháp năm 1801.
Tàu ngầm có buồm của Robert Fulton có hình dáng giống như điếu xì-gà, dài hơn 6m, khung làm bằng thép, vỏ tàu bằng đồng. Khi di chuyển trên mặt nước, tàu dùng cánh buồm để lợi dụng sức gió. Lúc không có gió hoặc di chuyển ngầm phải dùng sức người để làm quay chân vịt. Tàu có thể chạy với vận tốc 2 hải lý/h và có thể lặn sâu từ 9 đến 10m.
Ảnh vẽ thiết kế tàu ngầm có buồm. |
Tàu ngầm có buồm được trang bị vũ khí thủy lôi để chiến đấu dưới nước. Tàu này từng mang theo thủy lôi nặng 9kg tấn công một chiếc tàu nhỏ nhưng không thu được hiệu quả tác chiến, do đó nó không được chính phủ Pháp coi trọng. Sau đó, dưới sự ủng hộ của Anh, Robert Fulton đã chế tạo một chiếc tàu ngầm có mang thủy lôi và dùng nó tập kích đánh chìm một tàu ngầm 200 tấn của Đan Mạch. Nhưng sau này do chính quyền Anh thay đổi nên tàu ngầm của Robert Fulton bị Hải quân Anh tẩy chay. Từ đó, tàu ngầm có buồm đã biến mất khỏi vũ đài lịch sử.
Tàu ngầm vận tải đổ bộ đầu tiên trên thế giới
Tàu ngầm dùng để chuyên chở lực lượng đổ bộ gọi là tàu ngầm vận tải đổ bộ. Tàu ngầm vận tải đổ bộ đầu tiên là tàu “Sea Lion” do Mỹ chế tạo năm 1944, có lượng giãn nước 2.145 tấn, tốc độ chạy ngầm tối đa là 13 hải lý/h, có thể chuyên chở 160 binh lính.
Năm 1958, Mỹ lại chế tạo một chiếc tàu ngầm vận tải khác mang tên Gregback, có lượng giãn nước 2.670 tấn, tốc độ chạy ngầm tối đa đạt 20 hải lý/h, chuyên chở được nhiều binh lính hơn.
Tàu ngầm đầu tiên trên thế giới bắn chìm tàu khác
Đó là tàu ngầm Hanlay do Quân đoàn số 1 thuộc lực lượng miền Nam nước Mỹ thiết kế trong thời gian chiến tranh Nam – Bắc.
Tàu Hanlay dài khoảng 19,5m, trông giống như một điếu xì gà thuôn dài, vận hành dựa trên sức quay trụy khuỷu xuyên suốt thân tàu của 8 người làm chuyển động chân vịt. Không khí trong tàu cung cấp cho các thủy thủ hít thở trong khoảng thời gian ngắn, vì thế tàu Hanlay có thể hoàn thành nhiệm vụ đột kích ở cự ly ngắn.
Vào 9 giờ tối ngày 17/2/1864, dưới sự chỉ huy của trung úy bộ binh lựa lượng miền Nam Dixon, tàu Hanlay đã lặn và đột nhập vào cảng Charleston, áp sát tàu tuần dương kiểu mới Houston của lực lượng miền Bắc, sử dụng ngư lôi cán dài bắn thủng một bên mạn tàu Houston. Vụ nổ đã khiến chiếc tàu tuần dương này nhanh chóng bị chìm xuống biển.
Thế nhưng dòng nước biển ào ạt đổ vào tàu Hourton qua lỗ thủng bên mạn do ngư lôi của tàu ngầm Hanlay tạo ra đã hút luôn chiếc tàu này theo. Kết quả là cả hai tàu cùng chìm xuống biển.
Tàu ngầm có tiếng tăm lừng lẫy đầu tiên trên thế giới
Tàu ngầm có tiếng tăm lừng lẫy đầu tiên trên thế giới là tàu ngầm U-9 thế hệ thứ nhất của Đức. Tàu ngầm này đã lập chiến tích lẫy lừng là bắn chìm 3 chiếc tàu chiến 1.200 tấn chỉ trong vòng một giờ đồng hồ. Nó là chiếc tàu ngầm đầu tiên thể hiện uy lực tác chiến của tàu ngầm.
Tranh vẽ chiến công của tàu ngầm U-9. |
Vào rạng sáng ngày 22/9/1914, 3 tàu tuần dương kiểu cũ của Anh gồm HMS Aboukir, HMS Cressy và HMS Hogue đang nối đuôi nhau trong hành trình trên vùng biển Hà Lan khoảng 32km thì gặp một chiếc tàu ngầm U-9 của Đức đang nổi lên mặt biển chuẩn bị khởi động máy diezen để sạc ặc qui. Phát hiện mục tiêu, U-9 liền phóng ngư lôi về phía 3 tàu này của Anh, đánh chìm luôn cả 3 tàu chiến “gặp xui” xuống đáy biển sâu.
Tàu ngầm có động cơ đầu tiên trên thế giới
Thời kỳ đầu, tàu ngầm di chuyển dưới mặt nước chủ yếu dùng sức người để đẩy, phải tới năm 1860 tàu ngầm có động cơ mới ra đời – chiếc Diver (người nhái) do Pháp chế tạo.
Con tàu dài 42,7m, lượng giãn nước 420 tấn, trên tàu lắp đặt một động cơ khí nén công suất 80 mã lực, ngoài ra còn có bình khí nén sử dụng khí nén trong bình làm động lực. Đáng tiếc tàu ngầm Diver do có một số vấn đề về thiết kế nên chạy không ổn định, cuối cùng việc chế tạo tàu này đã thất bại.
Năm 1873, một người Mỹ tên là John Holland đã thiết kế một chiếc tàu ngầm có sử dụng động cơ. Phương án thiết kế của tàu này được gửi đến Bộ chỉ huy Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, khi đó Hải quân Mỹ không mấy mặn mà với việc chế tạo tàu ngầm.
Rất may, dưới sự tài trợ của một tổ chức dân sự chống Anh, Holland đã chế tạo ra tàu ngầm Holland-1 một người lái. Tiếp sau đó, Holland lại chế tạo ra chiếc tàu ngầm Holland-2, trên tàu lắp đặt một khẩu súng khí động dài 3,35m, cỡ nòn 228,6mm, vì thế con tàu này được gọi là tàu pháo ngầm. Nhưng sau khi hạ thủy, tàu không thể làm nhiệm vụ tác chiến. Mặc dù tàu ngầm của Holland không thành công, nhưng việc lắp đặt pháo trên tàu ngầm lại là một sự sáng tạo to lớn.
Tàu ngầm sử dụng bình ắc quy đầu tiên trên thế giới
Tàu ngầm sử dụng điện năng tích trữ để làm chuyển động chân vịt được gọi là tàu ngầm chạy bằng bình ắc quy.
Hiện nay, các tàu ngầm thông thường trên thế giới ngoài động cơ diesel còn dùng động cơ điện để phục vụ di chuyển dưới mặt nước. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, chiếc tàu ngầm tiên phong dùng điện năng tích trữ để làm quay chân vịt đã xuất hiện từ năm 1886/
Con tàu mang tên Nautilus do 2 người Anh thiết kế, trang bị 2 động cơ điện 46 mã lực, được cấp điện bởi bình ắc quy. Mỗi giờ tàu được 9,3 hải lý, hành trình tối đa 128,7km. Loại tàu ngầm chạy ắc quy này đã thu hút sự chú ý của nhiều nước trên thế giới, vì vậy nhiều nước đã đua nhau thiết kế chế tạo.
Năm 1893, Pháp cũng chế tạo một chiếc tàu ngầm chạy ắc quy mang tên Gymnote, do kỹ sư hải quân Pháp Gustav Zédéphụ trách chế tạo. Không lâu sau đó, hải quân Pháp lại chế tạo một chiếc tàu ngầm chạy ắc quy lớn hơn mang tên Gustav Zé”é nhằm kỷ niệm nhà phát minh tàu ngầm Pháp Gustav Zédé. Tàu này dài 45,7m, lượng giãn nước 266 tấn, lớn hơn nhiều so với mấy con tàu trước đó.
Năm 1899, Hải quân Pháp lại thiết kế chế tạ chiếc tàu ngầm chạy bằng ắc quy hoàn thiện hơn mang tên Navier. Chính những chiếc tàu này đã tạo tiền đề để phát triển tàu ngầm động cơ điện sau này.
Tàu ngầm rải thủy lôi đầu tiên trên thế giới
Thủy lôi còn gọi là mìn hải quân là một loại mìn được đặt xuống nước để tiêu diệt các loại tàu thuyền đối phương. Sau khi được gài chúng sẽ nằm chờ đến khi phát nổ do tàu thuyền tác động.
Năm 1904, một nhà phát minh người Nga đã thiết kế chế tạo ra chiếc tàu ngầm rải thủy lôi đầu tiên trên thế giới có tên là Crab. Loại tàu ngầm này được bắt đầu phục vụ trong quân đội vào năm 1915.
Trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các nước Đức, Pháp, Italy cũng chế tạo tàu ngầm rải ngư lôi, nhưng tính năng không thể bằng tàu Crab. Về sau, lực lượng hải quân của các cường quốc quân sự đều có tàu ngầm rải ngư lôi, triển khai tại các vùng biển có chiến sự. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, do thủy lôi được rải bởi tàu chuyên dùng nên tàu ngầm rải ngư lôi không còn được chế tạo nữa.