Trên một số báo mạng, sau hơn 1 tuần im lặng trước sự ồn ào của công luận trong và ngoài nước về nghi án đạo văn, ông Nguyễn Đức Tồn đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng.
Điều khiến công luận ngỡ ngàng là, khác với lần trả lời trên BBC chỉ cách đây hơn 1 tuần, ông Tồn còn dẫn lời GS.TSKH Trần Ngọc Thêm để biện hộ cho sự vụ đạo văn của mình, rằng ông Thêm khẳng định ông Tồn là người “trong sáng, trung thực”, trong Kiến nghị gửi Thủ tướng lần này, ông Tồn lại ra sức thóa mạ GS Thêm, rằng ông Thêm cũng đạo văn, mang GS Thêm ra mặc cả, rằng nếu xử lí ông Tồn, cũng phải xử GS.TSKH Trần Ngọc Thêm.
Vậy, sự thật đằng sau những kiến nghị gửi Thủ tướng của ông Nguyến Đức Tồn là gì?
1. Ông Nguyễn Đức Tồn đánh tráo đối tượng, đánh tráo vụ việc, đánh tráo vật chứng của vụ án, nhằm làm sai lạc vụ việc.
Liên quan đến vụ án đạo văn, công luận đòi hỏi cơ quan có trách nhiệm phải làm rõ ông Tồn có đạo văn hay không? Cụ thể, công luận cần làm rõ, trong các sách mà ông Tồn đem ra làm minh chứng cho thành tích đào tạo và nghiên cứu khoa học để được nhận chức danh GS, thì ông Tồn có đạo văn của các NCS là bà Nguyễn Thúy Khanh, Nguyễn Thị Thanh Hà và cháu vợ Cao Thị Thu, như nhiều năm ở Viện Ngôn ngữ học, HĐ chức danh các cấp trong các năm 2002, 2006 đã xác định; hay ngược lại, như ông Tồn nói, bà Khanh, bà Hà, và có thể cả bà Thu đã lấy của ông Tồn, bởi vì, bà Khanh, bà Hà là học trò, ông Tồn là người hướng dẫn, “chỉ có học trò đạo của thầy, làm gì có chuyện thầy - một GS,TS. lại đi trộm chữ của học trò, của cháu vợ?”.
Trả lời các câu hỏi trên, cơ quan có trách nhiệm sẽ trả lời cho công luận: ông Tồn có vi phạm tiêu chuẩn về sự trung thực của người mang danh vị GS như quy định trong Nghị định 174 của Thủ tướng. Thế nhưng, trong kiến nghị gửi Thủ tướng, ông Nguyễn Đức Tồn đòi phải xác định xem trong đợt xét phong 2009 ông Tồn có xứng đáng được phong chức danh GS hay không? Đây là thủ đoạn đánh tráo đối tượng, đánh tráo và cố ý làm sai lạc nội dung của vụ việc.
2. Ông Tồn cũng cố ý đánh tráo các vật chứng của vụ án.
Với nội dung vụ án “Có đạo văn hay không?, Ai đạo của ai”, vật chứng của vụ án là các sách của ông Tồn đem ra làm ra làm minh chứng cho thành tích để được phong GS trong các năm 2002, 2006 và các đối chứng là luận văn, luận án, bài báo của những người có liên quan (quyền lợi hợp pháp và danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm) là TS.Nguyễn Thúy Khanh, TS. Nguyễn Thanh Hà, cử nhân Cao Thị Thu.
Thế nhưng, ông Tồn kiến nghị lên Thủ tướng, đòi phải đóng băng hồ sơ xin xét GS năm 2009, để xem xét hồ sơ này có đạo văn hay không và ông có xứng đáng được xét phong GS hay không.
Công luận thừa biết, sau 7 năm bị phanh phui chuyện đạo văn, trong hồ sơ năm 2009, ông Nguyễn Đức Tồn đã xóa mọi dấu vết đạo văn, làm sạch hồ sơ. Đây là thủ đoạn đánh tráo vật chứng vụ án của nghi can Nguyễn Đức Tồn.
3. Ông Nguyễn Đức Tồn đánh tráo khái niệm.
Công luận cho rằng, vụ án đạo văn cần làm rõ trắng đen, để người đạo văn, vi phạm đạo đức nhà giáo, nhà khoa học phải bị xử lý, để cho không khí học thuật, giáo dục, đào tạo cả nước được trong sạch, lành mạnh. Thế nhưng, trong kiến nghị gửi Thủ tướng, ông Tồn lại “ăn vạ” kêu với người có trách nhiệm cao nhất của Chính phủ và cảnh báo công luận rằng, nếu ông bị tước học hàm GS thì sẽ làm xấu mặt các nhà khoa học, làm xấu mặt giới ngôn ngữ học.
Ông Tồn đánh tráo khái niệm về trách nhiệm đạo đức của một cá nhân của một “con sâu” với uy tín, danh dự của cả “nồi canh” của giới ngôn ngữ học, giới học thuật cả nước. Ai cũng biết, thật đáng buồn khi có một con sâu có thể làm rầu nồi canh, nhưng việc loại trừ con sâu trong nồi canh là cần thiết, quan trọng.
4. Ông Nguyễn Đức Tồn đòi tự thành lập HĐ xét xử.
Trong bản kiến nghị, ông Tồn yêu cầu thành lập HĐ để xem xét, phân xử vụ việc. HĐ này phải hợp khẩu vị của ông: đó là HĐ chức danh ngành Ngôn ngữ học mà ông là một thành viên, và có hơn 2/3 số ủy viên là những người đã bỏ phiếu tán thành phong GS cho ông năm 2009.
Hơn nữa ông đòi HĐ này xem xét không phải việc ông có đạo văn hay không, mà xem xét năm 2009 ông có xứng đáng được phong GS hay không; tức là ông kiến nghị Thủ tướng can thiệp để phần lớn các thành viên HĐ tự xem xét, đánh giá năm 2009 họ đã ủng hộ ông là đúng hay sai.
Công luận thừa biết, đây là cái bẫy ông giăng sẵn, để bẫy các thành viên HĐ, nếu Thủ tướng chỉ đạo dùng HĐ chuyên ngành ngôn ngữ học xem xét vụ án. Đối với các thành viên đương nhiệm HĐ chức danh ngành ngôn ngữ học, ông chia thành 2 loại: một loại gồm những người có khả năng ủng hộ ông, loại khác gồm những người ít khả năng ủng hộ ông. Mỗi loại ông dùng kế sách khác nhau. Những người có khả năng ủng hộ ông, ông thủ sẵn 2 cách: A- tiếp tục lôi kéo, tung hô, nếu người đó ủng hộ. B- Tìm sẵn những khuyết điểm, lầm lỗi của họ trong quá khứ, để lập tức thóa mạ, bôi nhọ, nếu người đó không ủng hộ ông.
Cách hành xử của ông đối với GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã bộc lộ rất rõ cái ngón nghề này của đương sự. Đối với những thành viên ít khả năng ủng hộ ông, ông dùng kế loại họ ra khỏi HĐ.
Trong kiến nghị gửi thủ tướng, ông đòi loại ba thành viên đương nhiệm của HĐ chức danh GS ngành Ngôn ngữ học là GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, GS.TSKH. Lý Toàn Thắng, PGS.TS. Phạm Hùng Việt. Với GS Thêm, ông còn đem ra mà cả: nếu ông bị bãi nhiệm chức danh GS, thì cũng phải bãi chức danh GS của ông Thêm, vì cùng tội danh “đạo văn”.
Ông đòi loại ông Thắng và ông Việt ra khỏi HĐ do cũng bị vướng tội danh “đạo văn”, mà ông cố ý gán cho họ. Vậy sự thật của cái mà ông Nguyễn Đức Tồn gọi là “đạo văn” của ông Thắng, ông Việt là gì.
Chuyện xảy ra năm 2003. Lúc đó tôi đương chức Phó Viện trưởng, phụ trách khoa học viện Ngôn ngữ học. Trong các năm 2001-2003, viện được giao thực hiện đề tài cấp Bộ: Biên soạn từ điển tiếng Việt bộ mới. Đề tài do ông Phạm Hùng Việt (Phó Viện trưởng) làm chủ nhiệm, với sự tham gia của 17 thành viên, trong đó có PGS. TSKH, Viện trưởng Lý Toàn Thắng; phần lớn người tham gia đề tài là những đồng tác giả của từ điển tiếng Việt (do GS Hoàng Phê Chủ biên, cố Thủ tướng Phạm văn Đồng viết lời giới thiệu, Giải thưởng Nhà nước về khoa học Công Nghệ).
Theo hợp đồng, bộ từ điển tiếng Việt mới cần sửa chữa 25.000 mục từ trong từ điển Hoàng Phê, và biên soạn thêm 10.000 mục từ mới. Kết quả, nhóm đề tài đã thực hiện theo đúng hợp đồng; đề tài được HĐ nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá tốt và HĐ cấp Bộ đánh giá xuất sắc.
Xin lưu ý rằng,cuối năm 2002 ông Tồn nộp hồ sơ xin phong GS, nhưng bị bác bỏ ở HĐ cấp cơ sở; thành viên HĐ gồm tôi là chủ tịch HĐ, PGS Lý Toàn Thắng, PGS. Phạm Hùng Việt là ủy viên. Vì vậy, khi đề tài được nghiệm thu, ông Tồn làm đơn tố cáo nhóm đề tài đã sử dụng tới 80% mục từ đã có trong từ điển Hoàng Phê đưa vào đề tài.
Trước ý kiến này, Viện Khoa học xã hội (cơ quan giao đề tài) đã thành lập một tổ công tác để xem xét; tổ công tác gồm các chuyên gia ngôn ngữ học ngoài viện Ngôn ngữ học và các chuyên gia Luật pháp (các GS, PGS Luật học làm việc tại Viện Luật, Viện KHXHVN). Vụ việc tưởng như đã được giải quyết, nhưng nay ông Nguyễn Đức Tồn lại tố cáo và gán cho GS.Lí Toàn Thắng và PGS. Phạm Hùng Việt tội danh “đạo văn”.
Cũng phải nói thêm rằng, tố cao, khiếu kiện là chiêu trò thường xuyên được ông Nguyễn Đức Tồn sử dụng. Gần 20 năm nay, những ai làm việc ở Viện Ngôn ngữ học, ở Viện HLKHXHVN không lạ gì ngón nghề này của đương sự. Ông kiện bất cứ ai, từ cán bộ hành chính đến người có chức vụ trách nhiệm trong Viện ngôn ngữ học và lãnh đạo Viện HLKHXH, nếu người đó không ủng hộ tham vọng đến ngông cuồng của ông (ví dụ đòi tặng giải thưởng cao quý nhất là giải thưởng Hồ Chí Minh cho các sách đạo văn của ông).
Cách của ông Tồn thường sử dụng là bới móc mọi chuyện, kể cả lí lịch ba đời của người khác để rồi lu loa, thổi phồng, quy kết chính trị, lập trường giai cấp, tư tưởng chính trị cho những ai cản bước tham vọng quyền lực, danh vị của ông. Và ông tố cáo liên tục, kể cả khi vụ việc đã được giải quyết, kết luận ở tập thể Viện, Chi bộ, hay ở cá nhân, cơ quan có trách nhiệm. Vụ việc ông tố cáo GS. Lý Toàn Thắng và PGS. Phạm Hùng Việt “đạo văn” nằm trong chuỗi các vụ việc khiếu kiện mà ông Tồn đã, đang, và sẽ tiếp tục thực hiện.
Đó là sự thật đằng sau kiến nghị gửi Thú tướng và các đơn từ khiếu kiện đã đang và sẽ được ông Nguyễn Đức Tồn gửi đến các cơ quan có trách nhiệm.