Trăn khổng lồ "canh giữ" Pháo đài Đồng Đăng
Pháo đài Đồng Đăng (Khu Pá Phiêng, thị trấn Đồng Đăng) là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt trong lịch sử, là mồ chôn của hàng nghìn người và cũng là nơi có nhiều lời đồn thổi ma quái.
Ông Hoàng Văn Niềm, một người dân địa phương kể lại, trước đây khu vực pháo đài này còn có hai con trăn rất to. Vào sáng sớm, đồng ruộng phía dưới pháo đài thường xuất hiện rõ ràng những đường trườn lớn uốn lượn giữa ruộng làm cây lúa ngả dạt sang hai bên. Người dân đoán chắc đó chính là đường đi của những con trăn lớn này.
Ông Phạm Văn Lợi thì quả quyết, cách đây gần 10 năm, khi ông đi phơi sắn trên pháo đài đã nhìn thấy da con trăn lột xác để lại, dài khoảng 6 - 7m. Ông Lợi cho biết thêm, vào những ngày trời nắng, dân chuyên đi săn rắn đi quanh pháo đài Đồng Đăng trong một buổi trưa có thể bắt được 4, 5 con rắn khác nhau.
Đường xuống pháo đài Đồng Đăng rất tối tăm. |
Trong chiến tranh năm 1979, tại pháo đài Đồng Đăng, quân dân ta đã cầm chân được quân địch gần 10 ngày, phá tan kế hoạch đánh nhanh của địch. Trong những trận chiến ác liệt đó, thương vong của cả quân dân ta và quân địch đều rất lớn. Trong đó, nhiều dân thường bao gồm cả trẻ con và người già khi chui vào đây tránh bom đạn của kẻ thù cũng không tránh khỏi số phận thảm khốc.
Cho đến ngày nay, trong pháo đài Đồng Đăng vẫn còn nhiều hài cốt, xương xẩu bị chôn vùi dưới các lớp đất đá, bêtông cốt thép, sâu hàng chục mét, rộng hàng trăm mét. Có lẽ chính vì sự hoang phế của pháo đài mà người dân nơi đây đã thêu dệt nên những câu chuyện rắn rết, ma quỷ rùng rợn như vậy.
Suối xương ám ảnh giữa Hà Nội
Người dân lưu truyền rằng, hang Cắc Cớ (chùa Thầy – Hà Nội) là mồ chôn khổng lồ của 3.600 nghĩa quân Lữ Gia.
Hơn 2.000 năm sau, vào năm 1933, nhà chùa cùng phật tử và nhân dân Sài Sơn đã phá cửa động, xây bể lớn, rồi tiến hành gom xương cốt khắp hang đổ vào bể. Tuy nhiên, theo lời những người dân nơi đây, dưới miệng hang sâu thẳm với 9 tầng địa ngục, còn hàng nghìn bộ xương nằm rải rác tạo thành núi xương, suối xương. Cũng có những lời đồn đại rằng, những ai tò mò khám phá dưới lòng hang thăm thẳm về nhà ắt đổ bệnh hoặc chết bất đắc kỳ tử.
Câu chuyện ấy cứ truyền tai người Sài Sơn đời này qua đời khác, trở thành nỗi ám ảnh truyền kiếp. Nhưng, thực sự đã có ai nhìn thấy bể xương, suối xương hay chưa vẫn là những câu hỏi chưa lời đáp.
Hàng nghìn những mẩu xương lớn nhỏ xuất hiện đầy rẫy trên lối đi. |
Thế nhưng, sự thật đây có phải là xương cốt của hàng nghìn nghĩa quân Lữ Gia của 2.100 năm trước hay là thi hài của những người chết đói năm 1945 như một số giả thuyết khác? Hàng ngàn bộ xương của những người chết thảm trong lòng núi cần được các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu và kết luận.
Tiếng khóc oan hồn trong hang Huyện
Nằm lọt thỏm giữa vùng núi Võ Nhai, Thái Nguyên, hang Huyện kì bí, im lìm giữa núi rừng hàng trăm năm qua. Người dân địa phương coi đây là nấm mồ chôn nghĩa quân cùng giai thoại kỳ bí về những cái chết oan nghiệt năm nào của cả huyện người.
Theo lời kể của người dân địa phương, vào những đêm trăng thanh vắng, người dân sống quanh cái hang kỳ lạ ấy vẫn thi thoảng nghe tiếng ỉ ôi như tiếng khóc của rất đông người phát ra từ trong hang theo gió lọt ra ngoài. Người thì bảo đó là tiếng oan hồn, người thì bảo là tiếng gió nhưng chẳng ai dám bạo gan đi vào hang tìm sự thật. Nhất là những người không phải gốc gác ở đây càng sợ hãi.
"Chúng tôi là dân bản địa lâu đời thì không thấy sợ gì bởi ai cũng nghĩ những người chết trong hang ngày đó đều là anh em họ hàng, ruột thịt của mình. Có những lần tôi vào hang còn nhìn thấy hình người nằm co quắp nhưng đã cháy thành than, động vào là vụn ra. Chuyện nhặt được xương cốt, tóc, dao cùn, cối giã trầu, liềm là chuyện bình thường. Khi thấy xương cốt là chúng tôi lại mang ra ngoài mai táng lại, còn rất nhiều đã tan thành tro ở trong hang mất rồi …", cụ Nguyễn Văn Vững người gốc nhiều đời sinh sống tại Võ Nhai ngay gần hang Huyện cho biết.
Hang Huyện. Ảnh: Giáo dục Việt Nam. |
Cứ như thế, nhân dân và nghĩa quân đã trụ vững được 5 năm, với chính sách bỏ trồng ngô, thôi trồng lúa. Nghĩa quân luôn cắt cử người trên đỉnh núi gác, khi yên thì ra khỏi hang cày cấy, có động tất cả lại vào hang.
Sau nhiều năm không chiếm được hang, quân Cờ đen nghĩ ra một kế là hun khói để tiêu diệt nghĩa quân. Quân Cờ đen đã dùng hỏa tiễn bắn vào cửa hang, khi đó cửa hang của nghĩa quân có nhiều bầu diêm và súng hỏa mai. Lúc đó, cửa hang bốc cháy dữ dội, quân Cờ đen lại từ ngoài tấn công vào. Hoảng loạn nghĩa quân và nhân dân đã chạy sâu vào hang lẩn trốn. Chính vì khói của bầu diêm đã khiến cho toàn bộ nghĩa quân và nhân dân chết vì ngạt.
Tuy vậy, sự thực đó có phải là "nấm mồ chung" của nghĩa quân ta hay không, và thực hư câu chuyện ly kỳ cụ Vững và người dân bản địa kể lại quanh hang Huyện vẫn chưa được xác minh.
Không con gì, cây gì sống được khi nuôi trồng trên đất mộ
Trong gia phả của họ Bùi ở làng Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ có ghi chép rõ ràng về quá trình cùng tháng năm lập mộ Nghĩa Trủng. Đây được xem là ngôi mộ tập thể 103 nghĩa sĩ Cần Vương.
Ông Nguyễn Văn Thế, đại diện dòng họ Nguyễn ở làng Xuân Áng kể rằng, hồi ông còn nhỏ thường chăn trâu ở gần khu vực Nghĩa Trủng, ông nhớ có lần đã đếm được 10 mô nấm, có đường kính chừng 2m, cao 1m, trên mặt nấm được đắp khá bằng phẳng.
Cho đến năm 1964, khi có phong trào hợp tác hóa, thực hiện dồn điền đổi thửa, ngắm thấy mảnh đất rộng rãi, lại kề bên đường liên xã, chính quyền địa phương đã cho san phẳng để xây… trại chăn nuôi. Bãi Nghĩa Trủng thành trại chăn nuôi lợn, cây đa mấy trăm năm tuổi cứ lụi dần rồi chết. Mối đùn lên thành những đống lớn quanh gốc đa. Lợn nuôi trong chuồng thì còi cọc sống dở chết dở. Lại thêm cứ mùa mưa gió thì sét cứ nhằm đúng chuồng lợn mà đánh…
Văn bia Nghĩa Trủng do GS Lê Văn Lan thảo. |
Ngay sau khi nhận được thông tin về sự tồn tại của ngôi mộ tập thể, Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã có chuyến khảo sát thực địa tại các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, sưu tầm tư liệu về cuộc khởi nghĩa Tiên Động, cũng như lịch sử tỉnh Vĩnh Phú (nay tách ra thành hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc).
Qua người thực, việc thực, Giáo sư Lê Văn Lan khẳng định sự quý giá của di tích này đối với hệ thống các di tích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Theo quan điểm của GS Lê Văn Lan, trước hết cần xếp hạng di tích vì có lẽ đây là di tích cực kỳ quý hiếm còn sót lại đến nay của phong trào Cần Vương tiêu biểu cho cả nước.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU: