Bộ phim Tây du ký (1986) chỉ có 25 tập, đã tạo thành “hiện tượng” chưa từng có trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc, già trẻ lớn bé đều là khán giả hâm mộ của bộ phim này.
Đạo diễn Dương Khiết |
Đạo diễn Dương Khiết kể lại quá trình quay phim: “Vào thời điểm năm 1982, kỹ thuật dựng phim còn rất thủ công, chưa có kỹ xảo điện ảnh, mà Tây du ký lại là bộ phim thần thoại ly kỳ, có nhiều phép thuật, muốn thể hiện 72 phép biến hóa thần thông của Tôn Ngộ Không là một vấn đề nan giải đối với êkíp làm phim.
Đạo diễn Dương Khiết trên phim trường Tây du ký - Ảnh: Ynet |
Để thực hiện 25 tập phim, chúng tôi đã mất thời gian 5 năm 6 tháng, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy chưa hài lòng với tác phẩm của mình, vì nó còn bị hạn chế về mặt kỹ xảo.
Do không đủ kinh phí nên bộ phim Tây du ký chỉ làm đến tập 25. Lúc đó, tôi đã tự hứa với lòng, nếu sau này có điều kiện tôi nhất định sẽ quay tiếp những tập phim còn lại để hoàn thành tác phẩm Tây du ký”.
Trong Tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc: Thủy hử, Hồng lâu mộng, Tam quốc diễn nghĩa và Tây du ký đều đã được dựng thành phim, nhưng chỉ có phim Tây du ký là chưa hoàn chỉnh, đó là một điều đáng tiếc. Chính vì vậy đạo diễn Dương Khiết luôn tâm niệm phải xây dựng một tác phẩm Tây du ký toàn tập để lại cho đời.
Vì thế, thật thiếu sót nếu nhắc đến đạo diễn Dương Khiết và chỉ tập trung khai thác Tây du ký (1986), mà bỏ quên giấc mộng mà bà đã dệt nên trong Tây du ký 2 (2000).
Năm 1999, CCTV đầu tư kinh phí thực hiện tiếp những tập còn lại của bộ phim Tây du ký. Khi bắt tay dàn dựng phần 2, đạo diễn Dương Khiết đã bị áp lực rất lớn bởi trước mắt bà là trùng điệp khó khăn.
Vì nguyên tác Tây du ký chỉ có 30 tập, phần 1 đã chiếm 25 tập, nghĩa là phần 2 chỉ còn lại 5 tập, không thể dựng thành một bộ phim vì thời lượng quá ngắn sẽ không gây được ấn tượng cho khán giả.
Đạo diễn Dương Khiết trên phim trường Tây du ký - Ảnh: Ynet |
Sau khi bàn bạc với ban lãnh đạo Đài CCTV, đạo diễn Dương Khiết quyết định cải tiến 5 tập cuối trong nguyên tác thành 12 câu chuyện, kéo dài 16 tập. Ngoài ra, kỹ thuật dựng phim vào năm 2000 hoàn toàn khác với thời điểm 18 năm trước.
Khán giả yêu thích phần 1 bao nhiêu thì phần 2 khó thực hiện bấy nhiêu, vì phần 2 luôn phải hay hơn phần 1, nếu không sẽ đánh mất dư âm tốt đẹp của phần đầu.
Một khó khăn khác là có nhiều câu chuyện có nội dung tương tự nhau, nếu chuyển thể không khéo sẽ khiến người xem nhàm chán. Để giải quyết hàng loạt vấn đề nan giải đó, đạo diễn Dương Khiết chỉ còn cách đào sâu vào tính cách nhân vật, chăm chút kỹ tình tiết câu chuyện.
Đạo diễn Dương Khiết cùng Trì Trọng Thoại (vai Đường Tăng) và Lục Tiểu Linh Đồng (vai Tôn Ngộ Không) - Ảnh Sina |
Mười mấy năm trôi qua, diện mạo của các diễn viên đã thay đổi khá nhiều theo thời gian, đó còn chưa kể đến vấn đề tuổi tác, sức khỏe và nhiều trở ngại khác nữa.
Năm 2000, khi Tây du ký 2 ra mắt đã có nhiều ý kiến khen chê trái chiều, nhưng dù sao thì đạo diễn Dương Khiết đã hoàn thành tâm nguyện của mình với sứ mệnh “Tây du ký”.
Đạo diễn Dương Khiết xuất thân là một phát thanh viên, bà khởi nghiệp làm đạo diễn trên sân khấu Kinh kịch. Năm 1980, bà mới bắt đầu làm đạo diễn phim truyền hình với bộ phim đầu tay Lao Sơn đạo sĩ.
Trong 20 năm làm đạo diễn, Dương Khiết chỉ thực hiện 11 bộ phim truyền hình, bà thành danh với bộ phim Tây du ký (1986) và đặt dấu chấm hoàn mỹ kết thúc sự nghiệp đạo diễn với Tây du ký 2 (2000).
Qua đời vào ngày 15-4, nhưng đến ngày 17-4, nguồn tin đạo diễn Dương Khiết mất mới được công bố trên phương tiện truyền thông, bà ra đi mãi mãi do bệnh tật, hưởng thọ 88 tuổi.