Nhắc đến Thừa tướng, mọi người thường sẽ phải kiêng nể vài phần, vì đây là chức vụ dưới một người trên vạn người, quyền lực của người này chỉ đứng sau hoàng đế. Chức vụ này, thông thường nếu không phải là những lão tiền bối trong triều đức cao vọng trọng, năng lực cực mạnh thì sẽ là thân tín mà hoàng đế tín nhiệm nhất. Những người bình thường trong triều, cho dù có ý chí đến mấy thì cũng chẳng có mấy ai dám tưởng tượng rằng sau này mình sẽ ngồi vào vị trí uy quyền này. Dưới Thừa tướng còn có vô số những chức quan lớn nhỏ khác và trong đó chức vị dễ bị hiểu lầm với Thừa tướng nhất chính là chức Tể tướng nhỏ bé hơn Thừa tướng.
Ấn tượng về Tể tướng của mọi người thường là người cũng có địa vị cao trong triều, nhưng giữa Thừa tướng và Tể tướng tuy chỉ khác nhau một chữ nhưng về bản chất lại có cách biệt rất lớn.
"Thừa" trong văn học cổ đại Trung Quốc có nghĩa là “bổ trợ”, huyện thừa có nghĩa là người hỗ trợ trong huyện. Còn chữ “tể” có nghĩa là “quản lý”, đây là một động từ khá mạnh, tức trưởng quan cao nhất của một địa phương hoặc một khu vực. Thừa tướng là chức quan có vai trò quan trọng trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, việc thiết lập chức vụ này cần phải nói từ thời Thương tới thời Chu của Trung Quốc. Khi ấy, Trung Quốc thực hiện chế độ “tam công cửu khanh”, “tam công” trong đó đã chuyển biến thành Thừa tướng. Cho dù khi ấy, công việc và địa vị cá nhân của tam công khác với Thừa tướng sau này nhưng cũng là nguyên gốc của Thừa tướng.
Chế độ Thừa tướng từ thời còn là tam công cho tới khi được xác lập vào khoảng thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc. Năm 334 trước công nguyên, Tần Huệ Văn Vương bổ nhiệm Trương Nghị làm Tướng bang của nước Tần, là một tên gọi khác của Thừa tướng, Trương Nghị trở thành vị Thừa tướng đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Sau đó, Tần Vũ Vương kế vị, ông cho rằng một vị Tướng bang trước kia đã không đủ để phò tá ông, vì thế đã thêm 2 thành viên khác trên nền tảng của Trương Nghị, đó chính là Tả - Hữu Thừa tướng. Quyền lực của Tả Hữu Thừa tướng thấp hơn Tướng bang một chút, chức trách của họ chủ yếu là hỗ trợ Tướng bang, còn Tướng bang hỗ trợ quân vương, móc nối với nhau chặt chẽ không thể tách rời để giải quyết mọi vấn đề.
Chức vị Thừa tướng được hình thành từ thời Chiến Quốc, đến nay đã có lịch sử hàng ngàn năm. Nếu phân tách chữ “Thừa tướng” ra thì sẽ được 4 chữ “thừa, phụng, tướng, trợ”, phò tá công việc cho quân vương, tín phụng quân vương, giúp đỡ bách quan bách tính, đó chính là chức trách và bản chất của Thừa tướng. Chức vị của Thừa tướng lớn, vì thế vô cùng hiếm hoi, so với Thừa tướng thì Tể tướng nhiều vô kể. Trong thời cổ đại, Tể tướng không phải là xưng hô của quan chức, đó chỉ là tên gọi dành cho quan viên hành chính cao nhất của một địa phương hay một khu vực nào đó. Những cách gọi này khá hỗn loạn trong thời cổ đại, có lúc người ta gọi Thừa tướng bằng Tể tướng, hay lục bộ thượng thư cũng bị mọi người gọi là tể tướng. Còn có một hiện tượng nữa, đó là có một số quan viên, rõ ràng không phải là Thừa tướng nhưng vì tên gọi gần giống nên bị ép phải đi làm những công việc của Thừa tướng.
Chúng ta đều biết, thứ mà các quân vương quan tâm nhất chính là quyền lợi của chính mình, chỉ cần là những người làm lung lay hoàng quyền thì đều bị diệt trừ hết. Tuy nhiên, Thừa tướng lại là quan chức có quyền lực rất lớn, trong thời cổ đại thường có những cuộc tranh giành, đấu đá giữa Thừa tướng và hoàng thất, chủ yếu là do quyền lực của Thừa tướng quá lớn, cấu kết với một số thế lực, những thế lực này thậm chí còn lớn đến mức uy hiếp tới vương vị. Nói ra cũng kỳ lạ, Thừa tướng là chức vị mà hoàng đế tự lập ra, cuối cùng lại phải tự mình giải quyết mối họa, thậm chí còn tự mình hại mình.
Để tránh trường hợp này xảy ra, các bậc quân vương đã nghĩ đủ mọi cách. Trong thời Tùy Đường, họ đã lập ra chế độ tam tỉnh lục bộ, chế độ này có nghĩa là 3 vị Thừa tướng cùng nhau làm việc, từ đó họ sẽ phải tìm cách để đấu đá, chèn ép lẫn nhau, cũng không còn thời gian để cướp đoạt hoàng quyền nữa. Việc thiết lập chế độ này cũng đã giảm đi quyền lực của Thừa tướng rất nhiều, bớt đe dọa tới hoàng quyền.
Tuy rằng chỉ khác nhau một chữ nhưng giữa “Thừa tướng” và “Tể tướng” lại có sự chênh lệch rất lớn. Thừa tướng đương nhiên tôn quý nhưng Tể tướng cũng là tập thể không thể thiếu trong thời cổ đại, họ có số lượng đông đảo, công việc có thể làm rất nhiều, nơi nào cần thì nơi đó sẽ có. Hơn nữa, quyền lực của họ lại thấp, không khiến hoàng đế phải kiêng dè. Vì thế, họ thường được mọi người tôn kính, cũng là người có vai trò quan trọng, so với Thừa tướng quyền cao chức trọng, Tể tướng lại thân thiết, gần gũi với người dân hơn.