Ngày 5/12, đội tuyển bóng đá nữ của Đại học Phúc Châu đã bị xử thua trước đội của Đại học Tập Mỹ vì có quá nhiều cầu thủ nhuộm tóc.
Theo thông báo được đưa ra trước trận đấu, các thành viên của đội Đại học Phúc Châu đã vi phạm các quy tắc về trang phục của ban tổ chức vì "tóc không đủ đen" và đeo đồ trang sức.
Những quy định này được áp dụng thống nhất tại các giải đấu đại học ở nhiều tỉnh, theo chính sách chung của Bộ Giáo dục.
Jia Xiuquan, huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bóng đá nữ Trung Quốc, nói rằng ông ghét tất cả các hình thức xăm và nhuộm tóc. Ảnh: Getty. |
Trên thực tế, không chỉ ở các giải đấu cấp trường đại học, ở những cuộc thi bóng đá lớn hơn của Trung Quốc, tóc nhuộm và hình xăm là hai thứ không bao giờ được chấp nhận.
Cấm trang điểm, xăm mình
Màu tóc không phải là điều duy nhất mà các cầu thủ Trung Quốc cần phải chú ý.
Năm ngoái, đội trưởng của đội tuyển nữ U-19 Trung Quốc, Shen Mengyu, đã bị truất quyền thi đấu tất cả các trận trong nước trong vòng sáu tháng vì tô son và đi tập muộn, tờ Soccer News của Trung Quốc đưa tin.
Nhiều người đã lên tiếng ủng hộ Shen, được coi là một trong những nữ tuyển thủ triển vọng nhất Trung Quốc, đồng thời thắc mắc tại sao trang điểm lại dẫn đến án phạt khắc nghiệt như vậy.
Năm 2018, Hiệp hội bóng đá Trung Quốc ban hành lệnh cấm cầu thủ xăm mình. Quy định này khiến nhiều cầu thủ phải mặc áo dài tay hoặc dùng băng dán để che các hình xăm nghệ thuật trên tay và chân khi ra sân thi đấu.
Trong khi một số cầu thủ hàng đầu Trung Quốc công khai lên tiếng phản đối thì một số huấn luyện viên lại ủng hộ các quy định này.
Năm 2018, Trung Quốc đã cấm các cầu thủ phơi bày hình xăm ở đội tuyển quốc gia và giải trong nước. Ảnh: AFP. |
Jia Xiuquan, cựu cầu thủ quốc tế là huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bóng đá nữ Trung Quốc, nói với Soccer News vào năm 2017 rằng ông ghét tất cả hình thức xăm và nhuộm tóc.
"Bất kỳ cầu thủ nào muốn được chọn cho trận đấu tiếp theo nên xóa hình xăm và đổi màu tóc của họ", Jia, người lúc đó là huấn luyện viên đội tuyển U-19 của Trung Quốc, nói.
Ông cho rằng những người chơi bóng đá nên tập trung vào chuyên môn chứ không phải những thứ như nên nhuộm tóc màu gì.
"Họ là những cầu thủ chuyên nghiệp, không phải diễn viên. Họ không cần thay đổi ngoại hình để phù hợp với vai diễn của mình.
Những cầu thủ này thường trở thành thần tượng trong giới sinh viên và hành vi của họ có thể ảnh hưởng đến nhiều người hơn. Những yêu cầu khắt khe hơn đối với các cầu thủ bóng đá có thể tạo ra một hướng đi tốt hơn (cho những người khác)".
Tòa án, truyền hình, trường học cũng nói không với tóc nhuộm
Alan Xu, chủ một tiệm xăm ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, cho biết dù giới trẻ ngày càng cởi mở, định kiến đối với những người có hình xăm hoặc tóc nhuộm màu vẫn còn phổ biến trong xã hội Trung Quốc.
"Tôi nghĩ rằng việc cấm những người nhuộm tóc là hoàn toàn không cần thiết. Điều đó có liên quan gì đến đạo đức, tình trạng thể chất hay kỹ năng của một cầu thủ không?".
Xu nói rằng mọi người ghét hình xăm và tóc nhuộm vì những người đầu tiên có chúng trong xã hội Trung Quốc hiện đại là xã hội đen. "Nhưng ngày nay nhiều người xem chúng chỉ là nghệ thuật", anh nói.
Một nghệ sĩ xăm mình cho biết định kiến đối với những người có hình xăm vẫn còn phổ biến trong xã hội Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Trong lịch sử Trung Quốc, xăm mình thường được gắn với hoạt động tội phạm, không chính trực nên bị coi thường, kỳ thị.
Giới cầm quyền cổ đại từng đánh dấu tội phạm bằng những hình xăm trên mặt hoặc cơ thể. Đó cũng là hình phạt được áp dụng vào năm 1.000 TCN. Chính vì vậy, một số người Trung Quốc xem hình xăm là biểu tượng của sự ô nhục.
Năm 2013, Phòng giáo dục thành phố ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến cấm các nữ giáo viên nhuộm tóc và sơn móng tay. Cùng năm, Tòa án nhân dân quận Tianxin, tỉnh Hồ Nam cũng ban hành lệnh cấm tương tự đối với các thẩm phán.
Đầu năm 2018, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia, cơ quan quản lý truyền thông chính thức của Trung Quốc, đã siết chặt các quy tắc phát sóng, bao gồm kiểm duyệt hình ảnh xăm mình, đàn ông đeo khuyên tai, búi tóc, nhuộm tóc...
Mới đây nhất, Hiệp hội taxi ở Lan Châu, Thiểm Tây cấm các tài xế xăm hình lên cánh tay và cổ.