Trao đổi với Zing, ông Asanga Abeyagoonasekera, cố vấn chiến lược người Sri Lanka kiêm thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Millennium Project (Mỹ), cho biết đây là thời điểm đặc biệt tại Sri Lanka khi nước này bầu cử tổng thống mới không theo thông lệ, vốn thông qua tổng tuyển cử do người dân bỏ phiếu.
Việc cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức hôm 14/7 khiến nước này phải chọn ra nhà lãnh đạo mới bằng hình thức bỏ phiếu kín tại Quốc hội, theo quy định Hiến pháp.
Ông Asanga Abeyagoonasekera, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu Millennium Project, Mỹ trao đổi với Zing ngày 21/7. Ảnh: Trần Hoàng. |
Ông Abeyagoonasekera nói rằng tân Tổng thống Ranil Wickremesinghe sẽ phải giải quyết hai thách thức chính, gồm khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị tại nước này.
Ngoài ra, việc từng là thủ tướng dưới quyền ông Rajapaksa cũng khiến ông Wickremesinghe vấp phải sự phản đối từ những người biểu tình - coi chính quyền ông Rajapaksa là nguyên nhân khiến đất nước rơi vào khủng hoảng. Thực tế, người biểu tình đã yêu cầu ông Wickremesinghe từ chức khi ông còn là quyền tổng thống, sau khi người tiền nhiệm rời khỏi đất nước.
Sau khi nhậm chức, ông Wickremesinghe đã đe dọa trấn áp những cuộc biểu tình mà ông cho là "bất hợp pháp", cùng khả năng điều động quân đội can thiệp.
- Đâu là nguyên nhân sâu xa đã đẩy Sri Lanka lâm vào khủng hoảng như hiện nay?
- Đó là chính sách kinh tế sai lầm của cựu Tổng thống Rajapaksa, với những chính sách đối nội, khi họ đã không nghe theo chuyên gia quốc tế. Khủng hoảng phân bón (năm 2021) là một ví dụ điển hình cho sai lầm trong chính sách đối nội của ông Rajapaksa.
Ngoài ra, ảnh hưởng còn đến từ người dân phản đối việc cựu tổng thống bổ nhiệm 27 cán bộ quân đội giữ các chức vụ dân sự, chẳng hạn một vài chức vụ nông nghiệp do quân đội quản lý. Ông Rajapaksa nghĩ rằng mình đang cố tạo ra mô hình phù hợp nhất cho Sri Lanka hậu Covid-19 với việc quân sự hóa.
Đại dịch và suy thoái toàn cầu do xung đột Nga - Ukraine cũng đã ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa.
Căng thẳng giữa người dân và chính quyền nhiều khả năng leo thang khi Tổng thống Wickremesinghe ra lệnh cho quân đội đến các điểm biểu tình để duy trì "trật tự công cộng". Ảnh: CBS News. |
Tôi cũng quan sát về nhiều tác nhân bên ngoài, chẳng hạn nếu khu vực đồng euro (Eurozone) lâm vào suy thoái, Sri Lanka sẽ chịu tác động, do phần lớn xuất khẩu của Sri Lanka là sang các nước châu Âu.
Trong khi đó, ngành du lịch phải chịu 3 cú sốc lớn nối tiếp nhau. Đầu tiên là vụ đánh bom vào Lễ Phục sinh (năm 2019), kế đến là Covid-19, sau cùng là xung đột Ukraine. Ngoài ra, yếu tố Trung Quốc cùng một phần tác động đến kinh tế nước này.
- Trong 51 tỷ USD nợ nước ngoài (tính đến tháng 4/2021) của Sri Lanka, tại sao giới chuyên gia đưa ra những lo ngại về Trung Quốc nhiều hơn những chủ thể cho vay khác?
- Trung Quốc không phải là nhân tố duy nhất gây khủng hoảng kinh tế. Một vài người nói rằng toàn bộ nền kinh tế Sri Lanka lâm vào khủng hoảng là do Trung Quốc, điều đó không chính xác.
Theo quan sát của tôi, vấn đề với dự án của Trung Quốc tại Sri Lanka là tính minh bạch. Chẳng hạn với trường hợp sân bay ở miền Nam Sri Lanka do Trung Quốc xây dựng (sân bay Mattala Rajapaksa - PV), Đánh giá Tác động Môi trường (EIA) đã không rõ ràng.
Những con voi hoang dã có thể đến gần sân bay, nhưng tổng kiểm toán lại nói rằng điều đó không khả thi. Ngoài ra, EIA cũng không chú ý đến sân chim ngay cạnh sân bay, vốn sẽ gây nguy hiểm khi máy bay cất cánh. Nếu có sự minh bạch, Trung Quốc có lẽ sẽ không đối mặt với các cáo buộc, cũng như Sri Lanka có thể không lâm vào tình cảnh như hiện nay.
Bên cạnh đó, lãi suất một vài khoản vay từ Trung Quốc rất cao, song các dự án lấy nguồn tiền từ Bắc Kinh lại không mang lại lợi nhuận như kỳ vọng, chẳng hạn những khoản vay để xây dựng cảng Hambantota có lãi suất lên đến 6,4%, dù cũng có những khoản vay ưu đãi.
Dự án cảng Hambantota vấp phải sự chỉ trích vì không đạt hiệu quả, khiến Sri Lanka chìm sâu trong nợ nần. Ảnh: Reuters. |
Các thỏa thuận việc Trung Quốc thuê lại cảng Hambantota cũng được giữ bí mật. Tôi nghĩ điều này là sai lầm, vì nếu không minh bạch, giới nghiên cứu từ phương Tây có thể đặt ra nhiều giả thuyết. Tôi đã xem qua một số giả định, và nó không chính xác.
Tôi đã đọc qua những thỏa thuận trên khi còn là giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Sri Lanka (thuộc Bộ Quốc phòng). Vấn đề ở đây là thiếu bộ công cụ để đánh giá những dự án thuộc Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc. Một học giả Trung Quốc từng nói rằng "Sri Lanka vốn đã ốm yếu trước khi chúng tôi hỗ trợ". Nhận định đó cũng có phần chính xác.
- Ảnh hưởng do những khoản vay từ Trung Quốc đến khủng hoảng kinh tế hiện tại như thế nào?
- Về cơ bản, nó tác động đến việc tái cơ cấu nợ, điều rất quan trọng trong thời điểm này. Chúng tôi cần hệ thống tái cơ cấu nợ từ Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh không sẵn sàng làm điều này, vì tái cơ cấu nợ cho Sri Lanka sẽ kéo theo nhiều quốc gia khác muốn Trung Quốc làm điều tương tự.
Việc này đẩy đất nước vào thế lưỡng nan, và điều cần làm lúc này là một kế hoạch tái cơ cấu nợ sâu rộng. Các khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) luôn kèm theo điều kiện, và tái cơ cấu nợ là một trong số đó nếu muốn nhận hỗ trợ từ IMF. Sri Lanka lúc này cần tạo áp lực lên các quốc gia cùng chí hướng nhằm ủng hộ đất nước kêu gọi Trung Quốc hỗ trợ. Tôi không nghĩ Sri Lanka có thể thoát khỏi khủng hoảng này mà không có sự hỗ trợ từ Bắc Kinh.
- Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể can thiệp để giúp đỡ Sri Lanka vượt qua cuộc khủng hoảng này hay không? Nếu có thì sẽ như thế nào?
- Họ đã bắt đầu can thiệp, và chúng tôi sẵn sàng hướng đến thỏa thuận cấp chuyên viên (staff-level agreement) từ IMF. Chỉ thị từ thống đốc Ngân hàng Trung ương là Sri Lanka đang thúc đẩy một gói tài chính cấp tốc. Thỏa thuận cấp chuyên viên là mục tiêu hàng đầu, tuy nhiên điều này đòi hỏi tình hình chính trị ổn định, đặc biệt Sri Lanka phải đảm bảo 3 vị trí - tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng Tài chính - hoạt động.
Nếu chính trị ổn định, mọi thủ tục sẽ được thông qua nhanh chóng và kế hoạch tái cơ cấu nợ có thể được triển khai ngay trong tháng 8. Ngoài ra, kế hoạch tái cấu trúc nợ cần có sự hỗ trợ và đồng thuận từ Trung Quốc. Theo Ngân hàng Trung ương, Trung Quốc chiếm khoảng 10% khoản vay của Sri Lanka, song con số trên thực tế đã vượt mức 10%.
- Liệu cuộc khủng hoảng của Sri Lanka là một bài học cho các quốc gia khác?
- Sri Lanka là một ví dụ tiêu biểu cho một nền kinh tế chịu cú sốc hậu đại dịch Covid-19. Bên cạnh đại dịch, chúng tôi trở nên mong manh và đã mất kiểm soát. Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng đến những quốc gia khác ngoài Sri Lanka, Pakistan là một ví dụ. Một số quốc gia châu Phi cũng đang trong tình thế tương tự, nổi bật là Chad. Tôi cũng nhận thấy Panama đang trên bờ vực khủng hoảng khi lạm phát tăng cao. Vì vậy, nhiều quốc gia có thể cùng chung số phận với Sri Lanka.
Người biểu tình ở Sri Lanka chiếm dinh tổng thống hồi đầu tháng 7. Ảnh: AFP. |
Bạn có thể thấy sự kích động và sự giận dữ của người dân do hầu hết người dân thiếu lương thực. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, có đến 70% dân số Sri Lanka chỉ được ăn một bữa/ngày. Ngoài ra còn hàng dài người xếp hàng đợi mua nhiên liệu. Những điều trên dẫn đến sự phẫn nộ từ công chúng cũng như bất ổn chính trị. Vì thế đây là một bài học tốt dành cho rất nhiều nước rằng họ cần phải có kế hoạch tài chính đúng đắn.
- Ông có thể chia sẻ một vài dự báo về tình hình tại Sri Lanka sắp tới?
- Tôi dự đoán sẽ có hai kịch bản. Kịch bản tốt nhất là liên minh của tân tổng thống đạt đồng thuận với người biểu tình để tạo ra sự ổn định chính trị, ít nhất là cho đến kỳ bầu cử tiếp theo. Kịch bản còn lại là (ông Wickremesinghe) có thể kích động nhiều cuộc biểu tình hơn nữa, đồng thời điều động quân đội đàn áp người biểu tình. Nếu đi theo quỹ đạo này - một hướng đi nguy hiểm - đất nước có thể lâm vào tình thế ngặt nghèo.
Do vậy, tôi hi vọng sẽ có đồng thuận giữa các bên. Bạn cần rất nhiều sự chín chắn trong chính trị, không chỉ từ một nhà lãnh đạo. Tổng thống đương nhiệm từng 6 lần giữ chức thủ tướng, do vậy ông ấy đã có bề dày kinh nghiệm chính trường, nhưng ông cần phải kết nối các đảng với nhau. Nếu không có sự đồng thuận và đất nước bị chia rẽ, mọi chuyện sẽ mất kiểm soát.
|