Hiệp hội Khí tượng Italy đặt tên cho cơn sóng nhiệt lần này là "Cerberus", theo tên quái vật ba đầu với tư cách là người gác cổng địa ngục. Luca Mercalli, người đứng đầu Hiệp hội, cho biết: “Trái đất đang lên 'cơn sốt cao' và chúng ta đang cảm nhận được điều đó".
Tại Italy, nhiệt độ có thể lên tới 48,8 độ C. Cảnh báo đỏ đã được đưa ra với 10 thành phố ở nước này, trong đó có Florence và Rome.
Hôm 11/7, một người đàn ông ngoài 40 tuổi đã tử vong sau khi ngã quỵ do nắng nóng ở miền Bắc Italy. Nạn nhân là một công nhân xây dựng cầu đường (44 tuổi) tử vong trong bệnh viện sau khi ngã gục bên vệ đường ở thành phố Lodi, miền bắc Italy.
“Chúng ta đang phải đối mặt với một đợt nắng nóng bất thường ở mức không thể ngờ. Trong những giờ cao điểm, tất cả các biện pháp phòng ngừa hữu ích đều được thực hiện để tránh những thảm kịch như ở Lodi”, chính trị gia Italy Nicola Fratoianni chia sẻ quan điểm trên Twitter.
Tại Rome, một số khách du lịch đã ngã quỵ do say nắng vào ngày 11 và 12/7, trong đó một du khách người Anh bất tỉnh trước Đấu trường La Mã cổ đại vào hôm 12/7, theo người đứng đầu cơ quan bảo vệ dân sự của Rome Giuseppe Napolitano.
Khách du lịch tìm mọi cách tránh nắng nóng khi tham quan các khu du lịch ở Italy. Ảnh: Reuters. |
Nhiệt độ cao, kéo dài trên nhiều vùng của châu Âu, gây ra bởi một “vòm nhiệt” được tạo ra khi một khu vực có áp suất cao ở cùng một vị trí trong khoảng thời gian dài, giữ không khí nóng bên dưới.
Lời cảnh báo nắng nóng nguy hiểm đưa ra sau một báo cáo được công bố trên tạp chí Nature vào 10/7, cho thấy đợt nắng nóng năm 2022 giết chết 61.672 người ở châu Âu. Theo báo cáo, Italy có tỷ lệ tử vong cao nhất với khoảng 18.000 ca tử vong do nắng nóng vào năm 2022.
Đợt nắng nóng cũng ảnh hưởng đến các nước châu Âu khác bao gồm Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Đặc biệt, Tây Ban Nha bị ảnh hưởng nặng nề khi dịch vụ thời tiết quốc gia AEMET cảnh báo hôm 12/7 rằng nhiệt độ có thể lên tới 44 độ C (111,2 độ F) ở nhiều khu vực trên lãnh thổ.
Các nhà khoa học phát hiện đợt nắng nóng này cũng ảnh hưởng đến Bồ Đào Nha, Maroc và Algeria, tác động của nó có thể cao gấp 100 lần do khủng hoảng khí hậu từ con người gây ra.