Hiệu trường ĐH Tôn Đức Thắng nhận lương 556 triệu đồng/tháng?
Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin mức lương tháng 8/2020 của của ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng là hơn 556 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trao đổi trên Tuổi Trẻ Online, một cán bộ lãnh đạo cấp phòng của Trường ĐH Tôn Đức Thắng khẳng định thông tin trên là chưa chính xác. Đến nay, nhà trường chưa có bảng lương nào trả cho ông Danh ở mức lương 556 triệu/tháng.
Ông Lê Vinh Danh. |
Cụ thể, hàng tháng Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) thanh toán thu nhập cho nhân sự theo ba khoản chính gồm: 1. lương cơ bản (lương theo ngạch, bậc, hệ số theo đúng quy định của Nhà nước) ông Danh giữ ngạch giảng viên cao cấp có hệ số lương 6.92, phụ cấp chức vụ là 1.00 và phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định; 2. các khoản phụ cấp; 3. thu nhập theo năng lực và phụ cấp thi đua căn cứ theo Quy chế chi tiêu nội bộ và việc đánh giá thi đua hàng năm.
Tổng cộng 3 khoản này của ông Danh là 407 triệu/tháng, trong đó có 2 khoản là 2 và 3 và là mức thu nhập không có tính ổn định hàng năm, sau trừ thuế thu nhập cá nhân và các khoản phải nộp khác theo quy định thì thực nhận của ông Danh còn khoảng 286 triệu đồng/ tháng.
Về nguồn gốc mức lương 556 triệu đồng/tháng của ông Lê Vinh Danh, qua rà soát, bộ phận tính lương của trường cho biết trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra, khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp và Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng không ngoại lệ.
Để dự phòng rủi ro tài chính trước nguy cơ dịch bệnh kéo dài, giảng viên, viên chức nhà trường đã tự nguyện nhận lương ít hơn trong các tháng 3 và 4/2020, phần còn lại cho phép Nhà trường chậm trả, để chia sẻ khó khăn với Nhà trường.
Cùng chung tay với giáo viên, viên chức Nhà trường, ông Danh đã tự nguyện để nhà Trường chậm trả 60% thu nhập, tháng 3 và 4/2020 ông chỉ nhận 40% thu nhập của một tháng bình thường.
Như vậy, trong tháng 8/2020 ông Danh đã được nhận thu nhập của một tháng 8/2020 và một khoản thu nhập của tháng 3 và 4/2020. Vì thế, số tiền thu nhập ông Danh nhận được trong tháng 8/2020 là 556 triệu đồng.
CEO Bảo hiểm PVI nhận thưởng 12 tỷ đồng chỉ sau 6 tháng nhậm chức
Cách đây không lâu, Tổng công ty Bảo hiểm PVI cũng gây chú ý khi trích từ nguồn lợi nhuận năm 2019 để chi thưởng bổ sung 58 tỷ đồng cho ban điều hành. Trong đó, Tổng giám đốc Phạm Anh Đức được thưởng 12 tỷ. Mức thưởng của ông Đức cao hơn cả toàn bộ khoản thưởng cho cán bộ, nhân viên công ty là 10 tỷ đồng.
Ông Phạm Anh Đức. |
Ông Phạm Anh Đức mới được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Bảo hiểm PVI từ ngày 1/7/2019. Trước đó, ông Đức là chủ tịch HĐTV của công ty bảo hiểm này.
Ngoài ra, các Phó Tổng giám đốc cũng được thưởng hàng tỷ đồng.
Theo HĐQT Bảo hiểm PVI, kết quả lợi nhuận 2019 tăng trưởng mạnh, bứt lên khỏi mặt bằng chung nhiều năm qua là cơ sở cho quyết định chi thưởng lớn cho ban điều hành.
"Sếp" công ty xổ số Việt thu nhập 700 triệu/năm
Theo báo cáo lương thưởng năm 2018 của Công ty xổ số kiến thiết TP.HCM, thu nhập bình quân hàng tháng của nhân viên là 18 triệu đồng/tháng, như vậy tổng thu nhập cả năm hơn 200 triệu đồng.
Với cấp quản lý, mức thu nhập cao gần 3 lần so với nhân viên. Thu nhập bình quân của cấp quản lý là 57,14 triệu đồng tính ra cả năm là 685 triệu đồng. Tổng quỹ lương của xổ số TP.HCM cho 6 người cấp quản lý là 3,6 tỉ đồng.
Ảnh minh họa |
Cũng trong năm 2018, nhân viên của xổ số Bình Dương còn có thu nhập cao hơn là 25,3 triệu đồng/tháng. Cấp quản lý có thu nhập cao gấp đôi gần 60 triệu đồng/tháng, và tổng quỹ lương phải trả cho cấp này là 3,7 tỷ đồng.
Tại Công ty xổ số Bà Rịa Vũng Tàu, thu nhập bình quân của nhân viên trong năm 2018 là 17,1 triệu đồng, và cấp quản lý là 46 triệu đồng.
Như vậy, chỉ qua 3 công ty xổ số này, có thể thấy tổng thu nhập cấp quản lý cực khủng, dao động từ 552 triệu đồng cho đến gần 700 triệu đồng/năm.
"Sếp" TKV thu nhập gần 700 triệu đồng
Theo báo cáo quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV), năm 2017, TKV đã chi hơn 11,7 tỷ đồng trả cho 17 vị trí quản lý doanh nghiệp. Mức tiền lương bình quân mỗi quản lý nhận được là 58,1 triệu đồng, tương đương mỗi người nhận được hơn 697 triệu đồng năm 2017.
"Sếp" Tổng công ty đường sắt Việt Nam thu nhập nửa tỷ đồng
Báo cáo quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng tạm tính của Tổng công ty đường sắt Việt Nam 2017 cho thấy, tổng công ty đã chi 5,8 tỷ đồng trả lương cho 11 vị trí quản lý doanh nghiệp. Mức thu nhập bình quân mỗi tháng của người quản lý là 44,4 triệu đồng.
Như vậy, sếp Tổng công ty đường sắt Việt Nam nhận được tổng cộng 532,8 triệu đồng năm 2017. Trước đó năm 2016, trung bình mỗi quản lý Tổng công ty đường sắt nhận được là hơn 44 triệu đồng một tháng.
"Sếp" ngân hàng nhận lương khủng
Báo cáo tài chính của Sacombank cho biết, năm 2019, mỗi thành viên trong HĐQT và BKS của Sacombank được trả mức thù lao bình quân là hơn 3,14 tỷ đồng, tương đương gần 262 triệu mỗi tháng. Thậm chí, đây là mức thù lao ròng sau khi đã trừ thuế thu nhập.
Bên cạnh đó, Sacombank cũng chi gần 64 tỷ tiền trả thù lao cho các thành viên trong Ban tổng giám đốc (1 tổng giám đốc và 14 phó tổng). Bình quân, mỗi thành viên trong ban điều hành ngân hàng năm 2019 cũng đã nhận về 4,24 tỷ tiền thù lao công tác, tương đương gần 353 triệu/tháng.
Năm 2019, VPBank cũng chi tới 121 tỷ đồng để trả tiền lương và phụ cấp cho 21 thành viên HĐQT, BKS, và Ban tổng giám đốc. Bình quân, mỗi lãnh đạo cấp cao tại VPBank năm qua có mức thu nhập lên tới gần 5,8 tỷ đồng bao gồm tiền lương và phụ cấp, tương đương hơn 482 triệu/tháng.