Dung nhan của nhiều nhân vật lịch sử trong triều đại nhà Thanh của Trung Quốc vẫn có thể được ghi lại qua các bức tranh vẽ hoặc thậm chí ảnh chụp vì đây là thời đại cuối cùng trước khi chế độ phong kiến kết thúc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những bức chân dung được vẽ lại dưới bàn tay các hoạ sĩ có thể chưa phác hoạ được hết dung nhan của người thật và khiến hậu thế hình dung rõ ràng.
Thế nhưng nhờ sự xuất hiện của công nghệ AI, việc hình dung ra ngoại hình thật của người xưa đã trở nên dễ dàng hơn, cũng thú vị hơn. Những hình ảnh là kết quả của AI phục dựng từ chân dung và mô tả trong sử sách của công chúa Hoà Hiếu - con gái vua Càn Long là một ví dụ. Khi nhìn những hình ảnh này, nhiều người đã phải trầm trồ vì vẻ đẹp "chim sa cá lặn" của công chúa, cũng như ngạc nhiên vì nhan sắc của người thời đại này khá gần với thẩm mỹ hiện đại chứ không khác biệt như một số hình dung trước đó.
Công chúa Hòa Hiếu, hay còn được biết đến với tên gọi Thập công chúa, sinh năm 1775 và mất năm 1823, là con gái thứ 10 và cũng là con gái út của hoàng đế Càn Long trong triều đại nhà Thanh của Trung Quốc. Mẹ của nàng là Đôn Phi Uông thị. Hòa Hiếu Công chúa ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt khi Càn Long đã qua tuổi 60 và đã lâu lắm Tử Cấm thành mới lại nghe thấy tiếng trẻ con, vì thế tương truyền nàng chính là vị công chúa được hoàng đế yêu thương bậc nhất.
Theo các ghi chép từ sử sách, những người trong cung thường gọi nàng là Ba La Công chúa, có nghĩa là "tấm chắn sóng gió" bởi vì mỗi khi hoàng đế Càn Long nổi giận, chỉ cần nhìn thấy công chúa Hoà Hiếu thì sẽ ngay lập tức cơn giận dữ sẽ tan biến. Do đó, cứ mỗi khi có người sắp phải chịu trách phạt, người ta lại mời công chúa nhỏ đến để “can thiệp”. Dung Phi Hòa Trác Thị, một trong những phi tần của Càn Long, cũng rất yêu mến Hòa Hiếu và coi nàng như con đẻ, thậm chí để lại cho nàng hơn 200 món châu báu khi bà qua đời.
Công chúa Hòa Hiếu sinh vào Mùng 3 Tết của năm thứ 40 triều Càn Long tại Dực Khôn cung. Khi Đôn Phi Uông thị mang thai nàng, bà lập tức được tấn phong làm Phi Lễ với buổi lễ sắc phong diễn ra chỉ sau 2 tháng. Tuy nhiên, tính tình của Đôn Phi khó ở và dễ nổi giận, thường xuyên trách phạt cung nữ và thái giám vì những chuyện nhỏ nhặt.
Đến năm thứ 43 của triều Càn Long, bà đã đánh chết một cung nữ trong cơn tức giận. Khi Càn Long được biết, ông đã giáng chức bà xuống làm Tần và chuyển Hòa Hiếu sang cung khác để nuôi nấng. Tuy nhiên, vì công chúa nhỏ quá nhớ mẹ và luôn khóc lóc, ăn không ngon, ngủ không yên, nên Càn Long đã quyết định trả nàng về cho Đôn Tần chăm sóc và không lâu sau đã phục hồi tước vị cho Đôn Phi.
Không những thế, Hòa Hiếu có vẻ ngoài rất giống với Càn Long, và hoàng đế yêu chiều nàng đến nỗi từng nói rằng nếu Hòa Hiếu là hoàng tử, ông chắc chắn sẽ lập nàng làm người nối ngôi. Vào ngày 23 tháng 7 năm Càn Long thứ 45, công chúa đã được Ban Thiền Lạt Ma thế hệ thứ 6 ban cho pháp danh “Sách Lãng Ban Cát Trác Mã”, có nghĩa là "Độ mẫu cát tường".
Khi Hòa Hiếu 7 tuổi, Càn Long đã hứa hôn nàng cho con trai của Hòa Thân, Phong Thân Ân Đức. Đến tuổi 10, nàng được phong làm Hòa Thạc công chúa và khi 12 tuổi, nàng lại được phong Cố Luân công chúa - một tước vị thường chỉ dành cho con gái của hoàng hậu, ngang hàng với Thân vương. Càn Long còn cho phép Hòa Hiếu sử dụng kiệu rước làm từ vàng. Khi nàng lập hôn với Phong Thân Ân Đức vào năm thứ 54 của Càn Long, nàng được tặng sính lễ gấp 10 lần so với Hòa Thạc Hòa Gia công chúa.
Đến năm Gia Khánh thứ 4, vào đúng Mùng 3 Tết, Hòa Hiếu mới 24 tuổi thì hoàng đế Càn Long băng hà. Không lâu sau, gia đình nhà chồng nàng cũng gặp nhiều biến động. Hòa Hiếu vốn hiền lành và đã nhiều lần xin hoàng đế Gia Khánh giảm án cho Hòa Thân. Nhà vua đã đáp ứng và cấp cho em gái mình một mức chu cấp hậu hĩnh.
Vào năm thứ 15 của triều Gia Khánh, Phong Thân Ân Đức qua đời. Sau cái chết của chồng, Hòa Hiếu đã nhận nuôi một người con trai tên là Phúc Ân. Gia Khánh đã chấp thuận cho Phúc Ân kế nghiệp tước hiệu Khinh xa Đô úy, trước đây thuộc về Hòa Thân.
Công chúa Hòa Hiếu qua đời vào ngày mồng 10 tháng 9 của năm Đạo Quang thứ 3, tức năm 1823, thọ 49 tuổi. Hoàng đế Đạo Quang đã đích thân đến mộ của bà để tổ chức lễ tế.