Trong cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội mới đây, trước câu hỏi của phóng viên về đề xuất làm cáp treo vượt sông Hồng để giảm ùn tắc giao thông, Phó Giám đốc Sở GTVT Ngô Mạnh Tuấn cho biết, thời gian qua, Sở đã tiếp nhận đề nghị của doanh nghiệp Poma về ý tưởng này.
“Doanh nghiệp này đã làm cáp treo trên địa bàn Việt Nam rất nhiều. Ý tưởng đưa ra thì chúng tôi cũng ghi nhận. Tất nhiên trong quá trình, sẽ còn phải nghiên cứu, xem xét tất cả các nội dung và phải có báo cáo thành phố về tất cả nội dung liên quan. Đến thời điểm này mới ghi nhận đề xuất của đơn vị”, ông Tuấn nói.
Theo đề xuất của Tập đoàn Poma, tuyến cáp treo vượt sông Hồng sẽ chạy song song với cầu Long Biên. |
Trước đó, theo thông tin Tiền Phong đăng tải, đơn vị đề xuất phương án trên là Tập đoàn Poma (một công ty chuyên về cáp treo tại Cộng hòa Pháp), tuyến cao treo được đơn vị nêu ra để phục vụ vận tải công cộng - VTCC (như xe buýt) có điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm), điểm cuối là bến xe Gia Lâm (quận Long Biên).
Theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng một tuyến cao treo vận hành trên nền tảng kẹp nhả, dịch chuyển các cabin trên không thông qua những dây cáp. Các dây cáp được nối dài thông qua các trụ đỡ cao từ 50 đến hơn 100 mét. Với sức chứa từ 25 đến 30 khách trên mỗi cabin, mỗi giờ cáp treo sẽ vận chuyển được khoảng 1.000 người với cáp kẹp bên dưới và 6.000 người với cáp kẹp bên trên.
Lộ trình tuyến trên có chiều dài trên 5 km, trong đó có khoảng 1,2 km cáp treo vượt sông Hồng, khoảng 4 km còn lại đi trên mặt đất và vượt trên các tòa nhà, công trình cao tầng ở mặt đất.
Đánh giá về ưu điểm của tuyến cáp treo, đại diện nhà đầu tư cho biết, khi vận hành tuyến cáp treo sẽ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đang làm giảm hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ của VTCC hiện nay là tắc đường, di chuyển chậm, không đúng giờ... Do hoạt động trên không và đi trên làn đường riêng (dây cáp) nên cáp treo vận hành rất ổn định, đúng giờ, xác suất được tính theo giây.
“Khi tuyến cáp đi vào hoạt động, hành khách di chuyển từ trạm trung chuyển xe buýt Long Biên sang bến xe Gia Lâm và ngược lại chỉ vài phút. Lộ trình này so với di chuyển trên các phương tiện công cộng hoặc xe cá nhân như hiện nay, vào giờ cao điểm thường phải mất từ 30 phút đến 1 giờ”, nhà đầu tư thuyết trình.
Đề cập đến phương án và thời gian triển khai, đại diện Tập đoàn Poma cho hay, do cơ bản không phải giải phóng mặt bằng, không vướng các công trình ở mặt đất nên với chiều dài từ 4 - 5km, nhà đầu tư cho biết, sau khi cơ quan chức năng đồng ý, nhà đầu tư sẽ triển khai dự án trong vòng từ 12 đến 24 tháng.
Cũng theo đại diện Poma, hiện Tập đoàn đã lắp đặt cáp treo chở khách tại 73 quốc gia của 5 châu lục. Tại Việt Nam, hiện Poma đã triển khai cáp chở khách du lịch ở các địa danh Vinpearl Nha Trang (Khánh Hòa), Tây Thiên (Vĩnh Phúc), An Giang… trong đó cáp treo tại Vinpearl Nha Trang (Khánh Hòa) là cáp vượt biển dài nhất thế giới (3,3km).