Trong bối cảnh chưa thể tìm ra thuốc đặc trị để đẩy lùi COVID-19, vắc xin là giải pháp duy nhất giúp thế giới thoát đại dịch. Tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp đã và đang có những động thái tích cực liên quan đến vắc xin COVID-19.
Nanogen nghiên cứu vắc xin "Made in Vietnam"
Khi Việt Nam bắt đầu thử nghiệm vắc xin COVID-19 đầu tiên trên người vào cuối tháng 12 năm ngoái, Công ty Cổ phần Sinh học Dược Nanogen gây chú ý khi là đơn vị tư nhân duy nhất tham gia vào nghiên cứu.
Công ty Cổ phần Sinh học Dược Nanogen thành lập từ tháng 9/1997, trụ sở đặt tại quận 9, TP HCM. Cũng như nhiều công ty trong nước cùng phân khúc, Nanogen chỉ được biết đến là một hãng dược, sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu.
Những năm gần đây, doanh thu hàng năm của Nanogen không có quá nhiều biến động. Năm 2019, Nanogen đạt doanh thu cao nhất 191 tỷ đồng, tăng 17% so với 3 năm trước đó. Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của Nanogen đạt 1.369 tỷ đồng, tăng 38% so với hồi đầu năm.
Vắc xin Nano Covax có kết quả thử nghiệm khả quan. Ảnh: Người lao động |
Tuy nhiên, mọi chuyện đã khác đi kể từ ngày 17/12/2020 khi những mũi tiêm thử nghiệm đầu tiên vắc xin Nanocovax được triển khai. Kể từ đây, cái tên Nanogen gắn với loại vắc xin "Made in Vietnam" đầu tiên - Nanocovax trở nên phổ biến hơn.
Đến nay, Nano Covax là vắc xin COVID-19 đầu tiên của Việt Nam đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Ngày 16/8, Bộ Y tế cho biết tạm thời chưa phê duyệt mở rộng địa bàn nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vắc xin Nanocovax trong giai đoạn hiện nay.
Dù chưa được cấp phép khẩn cấp, Nanogen đến nay đã được biết đến là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu vắc xin nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu giá kháng thể trung hòa của vắc-xin Nano Covax cao gấp hơn 2 lần so với nhóm khỏi bệnh, tương đương hiệu quả bảo vệ là 90% trong việc ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng. Sau khi tiêm vắc-xin 3 tháng, hàm lượng kháng thể đặc hiệu của người tiêm Nano Covax vẫn cao hơn nhóm khỏi bệnh.
VinBioCare của Vingroup thử nghiệm lâm sàng vắc xin ARCT-154
Ngày 15/8, Trường Đại học Y Hà Nội khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin ARCT-154 phòng COVID-19 giai đoạn 1 cho 100 tình nguyện viên đến từ Hà Nội.
VinBioCare của Vingroup thử nghiệm lâm sàng vắc xin ARCT-154. Ảnh minh hoạ: TTXVN |
Vắc xin được Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học VinBioCare của Tập đoàn Vingroup đàm phán với Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ để mua công nghệ vắc xin mRNA phòng COVID-19.
Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, Tập đoàn Vingroup cho biết dự kiến xuất xưởng những lô vắc xin đầu tiên vào đầu năm 2022.
VinBioCare được Vingroup thành lập đầu tháng 6 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, ngành nghề chính của là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu.
VinBiocare có trụ sở tại Toà nhà văn phòng Techno Park, khu đô thị Vinhomes Ocean Park, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Chủ tịch HĐQT của VinBiocare là bà Mai Hương Nội, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup.
Rất nhanh chóng, Vingroup bước vào lĩnh vực sản xuất vắc xin nhiều khó khăn nhưng cũng hứa hẹn mang về nhiều hào quang phía trước.
Giờ đây, khi nhắc đến Vingroup, ngoài nhắc đến Vinhomes, VinFast, người ta sẽ còn nhớ đến một tập đoàn lớn đã và đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vắc xin, đóng góp lớn vào mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng, vực dậy nền kinh tế chung.
Dược phẩm Vimedimex nhập khẩu 25 triệu vắc xin COVID-19
Công ty cổ phần y dược phẩm Vimedimex là một doanh nghiệp khác được dư luận chú ý thời gian qua khi Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ Vimedimex nhập khẩu vắc xin Sputnik V về Việt Nam.
Theo đó, ngày 4/8/2021, Vimedimex trở thành đối tác chiến lược của Group 42 và Công ty Royal Strategics Partners tại UAE để nhập khẩu, phân phối vắc xin COVID-19 tại Việt Nam.
Cùng ngày, Công ty Royal Strategics Partners đã đồng ý bán và ký Hợp đồng nhập khẩu với Vimedimex 10 triệu liều vaccine COVID-19 Janssen; 5 triệu liều vắc xin COVID-19 Pfizer; 10 triệu liều vắc xin COVID-19 Sputnik V.
Hiện nay, các bên đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nộp vào Bộ y tế xin cấp phép nhập khẩu và đơn hàng đầu tiên dự kiến về Việt Nam cuối tháng 8/2021, nếu được Bộ y tế phê duyệt, cấp phép nhập khẩu kịp thời.
Y Dược phẩm Vimedimex tiền thân là công ty Xuất nhập khẩu Y tế được thành lập năm 1984 và cổ phần hóa vào năm 2006 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Đến nay công ty có vốn điều lệ hơn 154 tỷ đồng, tương đối nhỏ trong ngành y tế nước nhà.
Ba loại vắc xin COVID-19 do Y Dược phẩm Vimedimex nhập khẩu. Ảnh: Người lao động, AFP, Getty. |
Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính quý 2/2021 của Vimedimex cho biết, doanh thu bán hàng hợp nhất của doanh nghiệp đạt hơn 3.960 tỷ đồng, tăng gần 3% so với doanh thu 3.846 tỷ đồng quý 2/2020.
6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Vimedimex đạt hơn 19,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so với lợi nhuận gần 18,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Trên thị trường chứng khoán, trong tuần giao dịch (9 - 13/8), cổ phiếu VMD của công ty này gây bất ngờ với 5 phiên tăng kịch trần liên tiếp. Theo đó, giá cổ phiếu VMD tăng từ 24.700 đồng/cp lên 34.500 đồng/cp.
Kết thức phiên giao dịch 16/8, cổ phiếu VMD tiếp tục tăng 6,96% lên mức 36.900 đồng/cp.
Diễn biến tích cực trên sàn chứng khoán đến ngay sau thông tin Thủ tướng đã giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ Y Dược phẩm Vimedimex nhập khẩu vắc xin Sputnik V về Việt Nam.